Ngư dân được tiếp sức
Thu không bù được chi
Ông Trần Văn Tin (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi của tỉnh trong những năm 2001 - 2009. Gia đình ông Tin đã tiên phong khai thác hải sản xa bờ bằng nghề lưới vây của huyện Núi Thành. Vậy nhưng, từ năm 2010 đến nay, ông Tin thường xuyên có những chuyến biển thua lỗ.
Đầu năm 2015, tàu cá QNa-90181 của ông Tin không thể ra khơi xa vì thiếu hụt lao động. Ông Tin cho biết: “Lấy mốc 2 năm trở về trước, tính trung bình mỗi chuyến đánh bắt xa bờ ở vùng biển Hoàng Sa của gia đình chúng tôi thu được khoảng 20 tấn cá nục và cá ngừ.
Các thành viên trên tàu bán được khoảng 350 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí sản xuất, chủ tàu thu được gần 100 triệu đồng, mỗi “bạn” được chia hơn 10 triệu đồng. Điều đó đã không còn khi sản lượng khai thác giảm xuống mà đầu ra hải sản cũng thấp. Thất thu đã khiến cho các bạn biển rời xa. Không đủ lao động nên tàu cá xa bờ đã… nằm bờ” - ông Tin chia sẻ.
Ông Mai Thanh Hạnh bên chiếc tàu nằm bờ.
Quen bám biển quanh năm, không chịu được cảnh rảnh rang, ông Tin đã quyết định chuyển đổi ngư trường khai thác từ xa bờ… sang gần bờ. “Trước đây, mỗi chuyến sản xuất ở Hoàng Sa, Trường Sa cần đến 15 bạn biển. Chừ chỉ có 2 lao động nên gia đình phải đi câu cá hố từ tháng 4 đến tháng 7.
Sự thay đổi này, chúng tôi hành nghề lưới cản, lưới rê. Trái nghề nhưng phải bám biển để có cái sinh nhai” - ông Tin nói. Con tàu có công suất 400CV của gia đình ông Tin thuộc loại tàu lớn của tỉnh trong những năm 2010 trở về trước đã trở nên nhỏ bé vào thời điểm này. Vàn lưới vây ngày có chiều dài 400m cũng đã lỗi thời khi đại đa số ngư dân trang bị lưới có chiều dài từ 1.000m trở lên.
Độ sâu vàn lưới của gia đình ông Tin chỉ quét được cá ở tầng sâu từ 120m trở lại trong khi đó cá lớn lại chuyển đến tầng đáy từ 200m trở lên. Con tàu QNa-90181 chưa có máy dò ngang trong khi máy dò đứng được trang bị trước đây chỉ hoạt động tốt trong điều kiện có đàn cá dồi dào. “Năng lực khai thác hải sản của tàu cá chúng tôi đã hạn chế quá nhiều so với các tàu được đóng mới gần đây. Sản lượng khai thác thấp mà khi bán ra bị đầu nậu ép giá nên tình trạng thu không đủ dù chi đã liên tục xảy đến” - ông Tin cho biết thêm.
Có thêm điều kiện vươn khơi
Bóng chiều buông, ông Mai Thanh Hạnh (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) nhìn xa xăm ra biển từ Khu neo đậu tàu cá An Hòa. Tại đây, phương tiện QNa-91648 có công suất 410CV của gia đình đang neo đậu. “Bỏ nghề từ mấy tháng nay rồi, buồn bã lắm. Tôi đã ngoài 50 rồi, có đến gần 20 năm theo nghề lưới vây ánh sáng, gắn bó với nghề như hình với bóng, vậy mà rời xa” - ông Hạnh thở dài.
Tàu cá QNa-91648 theo nghề lưới vây bám biển Hoàng Sa, Trường Sa từ năm 2011 đến nay thì ngắt đoạn. Nguyên nhân cũng vì sản lượng khai thác chuyến biển thấp mà đầu ra hải sản không ổn định. Tàu nằm bờ vì làm ăn thua lỗ. “Trước đây, bạn biển có thu nhập đến 10 triệu đồng sau mỗi chuyến biển.
Quãng nửa tháng, ngớt tuần trăng là ra khơi. Có đến 20 triệu đồng sau lao động mỗi tháng, ngư dân ham đi biển lắm, gắn bó với tàu QNa-91648 lắm. Chừ đâu thu được vài triệu đồng, có khi thất thu nên bạn biển bỏ tôi đi hết rồi. Không có lao động nên con tàu hong mắt đó” - ông Hạnh nói.
Ông Mai Thanh Hạnh mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để cải hoán, nâng cấp lại tàu cá, tăng năng lực khai thác để trở lại sản xuất ở các vùng biển xa.
Nguyện vọng của ông Hạnh đang dần trở thành hiện thực khi Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị đinh 67) được triển khai. “Nghị định 67 được triển khai sẽ mở ra triển vọng mới cho các tàu khai thác xa bờ kém hiệu quả trong thời gian qua. Các chủ tàu này sẽ được tiếp cận vốn vay ưu đãi để cải hoán, nâng cấp tàu cá, tăng năng lực sản xuất.
Cơ chế của nghị định này đang được sửa đổi theo hướng ngư dân được phép sử dụng máy thủy đã qua sử dụng nhằm giảm thiểu chi phí. Các hồ sơ đầy đủ của ngư dân sẽ được giải quyết nhanh gọn trong thời gian đến” - ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói.
Theo Sở NN&PTNT, khi tiếp cận được vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67, các chủ tàu cá khai thác không hiệu quả trong thời gian qua sẽ có điều kiện để trang bị đầy đủ trên tàu cá các thiết bị thông tin liên lạc như máy ICOM, hệ thống định vị GPS, máy Movimar.
Qua các thiết bị này, ngư dân sẽ được liên tục thông tin về các ngư trường khai thác đang có nhiều luồng cá lớn để thu được sản lượng hải sản cao hơn. Song hành với cơ chế hỗ trợ vốn vay theo Nghị định 67 của trung ương, ngư dân Quảng Nam còn được nhận hỗ trợ lãi suất vốn vay để cải hoán, nâng cấp tàu cá theo Quyết định số 20/2010/QĐ-UBND với mức hỗ trợ lãi suất là 10% vốn vay.
Đến thời điểm này, Quảng Nam đã giải ngân hơn 1 tỷ đồng để bù lại 10% lãi suất vốn vay cho ngư dân khi vay vốn để cải hoán, nâng cấp tàu cá, hoạt động tại các vùng biển xa.
Có thể bạn quan tâm
Vài tháng trước, trên vỉa hè Hà Nội bán tràn ngập quả thanh mai rừng có nguồn gốc từ Trung Quốc với giá từ 130.000-150.000 đồng/kg. Cũng thời điểm đó, dân Hà thành sành ăn náo nức quảng bá một thứ quả đến từ nước Pháp- quả cherry- với giá khoảng 174.000 đồng/kg.
Mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học đã được triển khai tại Hậu Giang vào giữa năm 2012. Tuy nhiên sau ba năm triển khai thực hiện, nhiều người đã quay lưng và trở về với cách nuôi truyền thống.
Từ “cánh đồng mẫu lớn” của Công ty CP vật tư nông nghiệp An Giang (AGPPS) năm 2007 chỉ 200ha, đến năm 2015, “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết” đã phát triển mạnh ra nhiều tỉnh, thành với khoảng 290.000ha.
Mặc dù sản xuất muối tăng mạnh do thuận lợi về thời tiết, song nhờ triển khai mua tạm trữ, nên giá muối một số vùng trong nước tăng nhẹ so với tháng trước.
Giá lúa gạo ở ĐBSCL đang dao động ở mức thấp, sức tiêu thụ chậm khiến nông dân và thương lái như ngồi trên lửa. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng rối bời vì sản lượng tồn kho nhiều nhưng đầu ra cứ ì ạch. Thị trường lúa gạo diễn biến trong cảnh chợ chiều đìu hiu.