Không ngừng nâng chất tiêu chí nông thôn mới
Chỉ sau 3 năm triển khai xây dựng NTM, vào cuối năm 2013, xã Đại Thành vinh dự là xã hoàn thành tiêu chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh và khu vực ĐBSCL. Nối tiếp Đại Thành, chỉ một năm sau, xã Tân Thành cũng hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, riêng xã Hiệp Lợi cũng vừa được UBND tỉnh ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM vào tháng 6.
Với những kết quả đạt được, UBND tỉnh đã đề nghị Trung ương xem xét công nhận thị xã đạt chuẩn NTM theo tiêu chuẩn cấp huyện, trở thành đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh và khu vực ĐBSCL hoàn thành chương trình xây dựng NTM sau gần 5 năm thực hiện.
Thưa ông, trong quá trình xây dựng NTM, thị xã có những mặt thuận lợi, khó khăn gì ?
- Khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thị xã có thuận lợi là cả ba xã trên địa bàn đều là xã văn hóa, công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương cũng như ý thức của người dân qua quá trình xây dựng xã văn hóa đã có bước chuyển biến tích cực trong sản xuất và sinh hoạt.
Đồng thời, xã Đại Thành được tỉnh chọn là xã điểm để chỉ đạo xây dựng NTM nên bước đầu cũng có một số mặt thuận lợi nhất định. Tuy nhiên, khó khăn cũng không ít vì chưa có xã đạt chuẩn để học tập, quá trình thực hiện phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm; nhu cầu đầu tư hoàn thiện các tiêu chí rất lớn trong khi nguồn lực đầu tư hạn chế; đánh giá hiện trạng các xã so với bộ tiêu chí quốc gia đạt ở mức thấp…
Mặc dù có những khó khăn, nhưng Ban chỉ đạo xây dựng NTM thị xã đã tập trung và triển khai nhiều giải pháp, trong đó, xác định đúng thực trạng của các xã để có kế hoạch, lộ trình xây dựng NTM cho từng xã; đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền để cán bộ, công chức các cấp và người dân nhận thức rõ về NTM; xác định nhiệm vụ của các cấp, các ngành và người dân trong từng tiêu chí để không chồng chéo trong chỉ đạo và không trông chờ khi thực hiện nhiệm vụ; đặc biệt, lồng ghép nhiều chương trình, mục tiêu khác vào địa bàn xã để hoàn thành NTM như: chiến dịch giao thông, thủy lợi và trồng cây hàng năm, chương trình quốc gia về y tế, giáo dục, điện, môi trường…
Thị xã Ngã Bảy xác định vấn đề cốt lõi của chương trình xây dựng NTM muốn hướng tới là gì, thưa ông ?
- Với 19 tiêu chí được đặt ra, từng tiêu chí đều hướng đến việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân vùng nông thôn, thông qua các tiêu chuẩn về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, y tế, việc làm, môi trường, an ninh trật tự…
Việc xây dựng kế hoạch, lộ trình xây dựng NTM trên địa bàn thị xã là điều cần thiết để cải thiện môi trường sống và chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa đô thị và nông thôn, đặc biệt nâng cao nhận thức của người dân trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất.
Trong quá trình thực hiện quy hoạch sản xuất, thị xã đã tập trung ưu tiên hoặc hình thành những vùng sản xuất ra sao; đồng thời, có những chính sách gì để giúp người dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo ?
- NTM là sản xuất phải phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Muốn vậy, phải hình thành vùng sản xuất tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình điểm chỉ đạo và nhân rộng…
Đối với xã Đại Thành và Tân Thành, với điều kiện thổ nhưỡng thích hợp với cây cam sành, thị xã đã tập trung khép kín đê bao đảm bảo chủ động nguồn nước, tập huấn kỹ thuật canh tác và phòng trừ dịch bệnh, đặc biệt thị xã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa “Cam sành Ngã Bảy” được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ chứng nhận. Hoàn thiện hệ thống giao thông tạo thuận lợi cho vận chuyển nguyên vật liệu và nông sản của người dân
. Từ cây cam sành, hiện xã Đại Thành có 18 hộ có thu nhập trên 1 tỉ đồng/năm trở lên, 110 hộ thu nhập từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng và 450 hộ thu nhập từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; xã Tân Thành đã có CLB thu nhập trên 1 tỉ đồng với 52 thành viên.
Riêng xã Hiệp Lợi, địa phương đang phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại tập trung, nhân rộng các mô hình hiệu quả hiện nay là nuôi trăn và gà công nghiệp. Hiện, Hiệp Lợi có 9 trang trại chăn nuôi với doanh thu 3 tỉ đồng/năm.
Bên cạnh thực hiện công tác quy hoạch, thời gian qua, Ngã Bảy còn triển khai nhiều giải pháp, chính sách để giúp người dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Điển hình, vận động nhân dân chuyển đổi trên 200ha vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ cho nông dân 8.700 cây, con giống; 42 tấn giống lúa xác nhận; hỗ trợ lãi suất 4% cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để sản xuất kinh doanh (được 1.269 hộ với số tiền vay 87,2 tỉ đồng).
Nhờ làm tốt công tác quy hoạch và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ mà mức thu nhập của người dân nông thôn không ngừng nâng lên. Từ 10,83 triệu đồng/người/năm (năm 2010) nâng lên 30,7 triệu đồng/người/năm vào năm 2015, tăng 2,83 lần; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5%/năm, hiện bình quân hộ nghèo ở 3 xã chiếm 3,57%/năm, trong đó có 5/21 ấp không còn hộ nghèo.
Theo ông, thời gian tới, thị xã cần phải làm gì để phát huy kết quả đã đạt được ?
- Đạt chuẩn NTM, đây chưa phải là điểm dừng trong chỉ đạo ở địa phương, vì mục tiêu của chúng tôi là ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.
Muốn vậy, thị xã tiếp tục nâng chất các tiêu chí đã đạt, tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho nông thôn song song với việc sử dụng hiệu quả hạ tầng đã đầu tư, tiếp tục vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường sáng -xanh - sạch - đẹp.
Xin cảm ơn ông !
Có thể bạn quan tâm
Nhớ lại vào những năm 2009-2010, nuôi nhím nổi lên như một nghề góp phần xóa đói, giảm nghèo. Và trên thực tế, tại thời điểm đó, đã có một số hộ gia đình đổi đời nhờ nghề nuôi nhím. Mặc dù số vốn đầu tư ban đầu, đặc biệt là tiền mua nhím giống khá lớn, nhưng nhiều hộ dân vẫn quyết định nuôi, thậm chí có nhiều hộ không ngần ngại vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi nhím với quy mô lớn.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, diện tích cà phê già cỗi cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5-10 năm tới tại Tây Nguyên khoảng 140.000-160.000 ha (chiếm trên 20% diện tích cà phê của toàn vùng); trong đó cà phê trên 20 năm tuổi hiện có trên 86.000 ha. Nếu không kịp thời tái canh, chất lượng và sản lượng cà phê của Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng sẽ sớm bị ảnh hưởng.
Trước mắt, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Dương Minh Châu khuyến cáo nông dân nên sử dụng phân vi sinh khi trồng mì, vì trong loại phân bón này có chất Trichoderma có thể khống chế 5 loại nấm trong đất ngăn không cho chúng phát triển, hạn chế mức độ thối củ trên cây mì.
Vụ xuân năm 2014, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến lâm Bắc Kạn đã phối hợp với phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Ngân Sơn triển khai mô hình “Chống rét và giữ ẩm cho cây thuốc lá bằng màng phủ nông nghiệp", đến nay sau 5 tháng triển khai thực hiện mô hình mang lại những kết quả đáng ghi nhận.
Cách đây 6 năm, ông Nguyễn Trung (khối phố Tam Cẩm, thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh) cùng hàng trăn hộ dân trong vùng đã mạnh dạn chuyển hàng chục ha đất lúa sang trồng dưa hấu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rất lớn từ phía thương lái sau khi thương hiệu dưa hấu Kỳ Lý ra đời.