Quản Lý Dịch Bệnh Trên Cá Chình Nuôi
Cá chình rất mẫn cảm với các yếu tố môi trường. Khi môi trường thay đổi sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của cá và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại bệnh phát triển. Cá chình nuôi trong ao, trong lồng bè hay gặp các lọai bệnh sau:
1. Rận cá
Rận cá sống trên da, vây, xoang miệng và mang cá. Rận cá xuất hiện và hại cá từ giai đoạn cá giống đến trưởng thành. Trùng gây bệnh là một số loài thuộc giống Argulus và Altitropus. Các loài rận này cũng sống trên cá bống tượng, cá chép, cá mè, cá lóc. Chúng hút máu, tiết chất độc làm cho cá bị tổn thương và tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm ký sinh khác tấn công cá. Các chân bò của rận có các móc bám chặt vào ký chủ.
Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng vào mùa mưa nặng hơn so với mùa nắng. Ở giai đoạn cá còn nhỏ chỉ cần 1-2 con rận ký sinh là có thể làm cá chết, với cá lớn gần 1 kg thì khoảng 20-25 con rận bám sẽ làm cá chết. Cá chình có tập quán sống chui rúc nên rất dễ bị rận cá tấn công.
Phòng và trị rận cho cá bằng cách vệ sinh môi trường trước khi nuôi cá bằng vôi bột. Khi thấy có rận bám vào cá thì cần tắm cho cá bằng thuốc tím trong một giờ, hoặc thả thuốc vào lồng bè hay ao nuôi (pha 20-25 g/m3 nước), cần kiểm tra độ pH của nước, tạo môi trường kiềm sẽ hạn chế rận cá.
2. Sán đơn chủ và giun tròn
Có 2 loài sán đơn chủ là Psuedodactylogyrus bini và P.anguillae, giun tròn Anguillicola crassus là những loại bệnh nguy hiểm cho cá chình nuôi, chúng ít gây bệnh cho cá chình sống ngoài tự nhiên. Loài Psuedodactylogyrus bini sẽ gây hại nghiêm trọng cho cá chình khi có điều kiện cho chúng phát triển, chúng sinh sống ở mang cá, hút máu cá làm cho cá còi cọc, chậm lớn.
Sán sẽ làm cho mang cá bị sưng đỏ và viêm loét, sợi mang có mủ, nhiều nhớt, xuất huyết, hoại tử. Điều trị sán này bằng cách dùng thuốc Fresh water với lượng 1 kg/1.500 m3 nước hay Kill-Algae 1 lit/1.000 m3 nước.
3. Bệnh thối vây
Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Flexibacte columnaris. Vi khuẩn này phát triển mạnh ở nhiệt độ thấp dưới 15oC. Triệu chứng cá xuất hiện nhiều đốm trắng ở đầu và vây. Tia vây bị hoại tử và tưa rách, cá cũng sẽ bị nhiễm độc do độc tố của vi khuẩn tiết ra và sẽ gây tổn thương cho hệ thống tuần hoàn.
Khi cá bị dịch bệnh nặng sẽ làm cá chết rất nhiều trong vòng 2 ngày. Điều trị bằng thuốc Doxery (1 kg cho 5 tấn cá), cũng có thể dùng Vime-Glucan (1 kg cho 5-10 tấn cá), trộn với thức ăn Glusome (1 kg/500 kg thức ăn) để tăng cường hệ thống miễn dịch và sức đề kháng tự nhiên ở cá.
Tóm lại: Phòng bệnh cho cá chình đóng vai trò quan trọng trong quá trình nuôi. Trước khi nuôi cần chọn cá giống khỏe, sạch bệnh, cá đồng cỡ. Cần mua cá tại các cơ sở có uy tín. Tránh bắt cá làm xây xát, không để cá bị bệnh ngoài da sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công.
Tránh để cá bị sốc sẽ mẫn cảm với dịch bệnh. Cần cho cá ăn đầy đủ và thường xuyên bổ sung các chất dinh dưỡng như premix, vitamin để tăng sức đề kháng của cá. Khi thời tiết lạnh, nhiệt độ thấp cần tạt vôi nông nghiệp (CaCO3) với lượng 30 kg/1.000 m3 nước.
Luôn luôn giữ cho môi trường nước nuôi được sạch, tránh ô nhiễm bởi hóa chất nông nghiệp và chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp thải ra.
Có thể bạn quan tâm
Cá Chình hoa (Anguilla marmorata) có thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng là loài đặc sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao và được coi như (nhân sâm dưới nước)
Nhờ nuôi cá chình trong lồng bè ven sông, sau đây là kinh nghiệm quý báu về nuôi cá chình qua nhiều năm của ông Sanh để bà con tham khảo.
Nuôi ghép chạch đồng và cua đồng trong ruộng lúa là một hướng đi mới khả quan, được nhiều người dân quan tâm do vốn đầu tư ít, dễ nuôi, hầu như không bị bệnh, thức ăn sẵn có trong tự nhiên.
Kinh nghiệm nuôi ghép cá chạch đồng với cua đồng - Phần 2
Kinh nghiệm nuôi ghép cá chạch đồng với cua đồng - Phần 3 (Phần cuối)