Kinh Nghiệm Nuôi Cá Chình Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long
Những năm gần đây nghề nuôi cá chình phát triển rất mạnh ở ĐBSCL do cá chình có giá trị kinh tế lớn. Cá chình được xếp vào loại cá đắt tiền và quí hiếm, giá cá thương phẩm rất đắt.
Hiện nay cá chình được nuôi phổ biến trong ao đất, nuôi trong lồng bè nhiều ở Bạc Liêu, Cà Mau và các tỉnh vùng nước ngọt như An Giang, Đồng Tháp. Điển hình thành công trong việc nuôi cá chình trong lồng bè là anh Võ Văn Linh (ấp 3, xã Phú Hội, huyện An Phú, An Giang).
Hiện nay anh Linh có 20 lồng bè nuôi cá chình, mỗi năm anh thu lãi vài trăm triệu đồng từ nuôi cá chình xuất khẩu đi Trung Quốc, giá cá thương phẩm anh bán cho các cơ sở thu mua ở TP.HCM là 300.000 đ/kg. Cá càng lớn thì chất lượng càng cao và có giá cao hơn, nuôi nhiều năm cá chình có thể đạt trọng lượng 22 kg/con.
Sinh học cá chình:
Cá chình có khả năng thích ứng rộng với sự biến động của độ mặn và nhiệt độ. Chúng có thể sống được ở nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Với nhiệt độ biến động từ 1-38oC cá đều có thể sống được nhưng trên 12oC cá mới hoạt động mạnh và bắt mồi, nhiệt độ sinh trưởng là 13-30oC, thích hợp nhất là từ 25-27oC.
Cá chình ưa bóng tối và sợ ánh sáng nên ban ngày chúng thường tìm những nơi có ánh sáng yếu như các đám chà, hang, đám bèo để chui rúc, tối chúng mới bò ra kiếm mồi và di chuyển đi nơi khác. Hàm lượng ô xy hòa tan thích hợp cho cá sinh trưởng từ 2-12 mg/lít, trên lượng này cá dễ bị bệnh bọt khí.
Cá chình là loài cá di cư, đến mùa sinh sản cá mẹ di chuyển từ những vùng nước ngọt, cửa sông ra biển và tìm chỗ thích hợp để đẻ trứng (chính vì đặc điểm này mà việc cho cá chình sinh sản nhân tạo rất khó). Cá con sau khi nở trôi dạt vào bờ biển, cửa sông, vùng nước ngọt kiếm mồi và lớn lên.
Khi trưởng thành cá lại di cư ra biển sâu đẻ trứng. Cá con mới lớn có hình lá liễu, trải qua nhiều quá trình biến thái trở thành cá chình hương màu trắng và sau đó chuyển dần sang màu nâu đen. Nguồn cá giống hiện nay đều được khai thác từ tự nhiên ngoài cửa sông hay ven biển. Ở nước ta cá chình sống nhiều trong tự nhiên từ Quảng Bình đến Bình Định.
Nguồn thức ăn tự nhiên của cá chình là tôm, cá con, động vật đáy và các sinh vật thủy sinh. Cá chình là loài cá ăn tạp. Khi còn nhỏ thức ăn chính của chúng là động vật phù du thuộc nhóm Cladocera và trùn ít tơ. Cá chình có tốc độ tăng trưởng chậm, trong năm đầu cá chỉ đạt trọng lượng 200 g với điều kiện cho ăn tốt. Khi còn nhỏ tốc độ tăng trưởng của cá trong đàn tương đương nhau, nhưng khi có chiều dài 40 cm thì con cái sẽ lớn nhanh hơn con đực.
Hiện nay chưa có thông tin về việc cho sinh sản nhân tạo thành công cá chình mà nguồn giống đều được đánh bắt trong tự nhiên. Bà con nông dân thường thu gom cá chình giống trong tự nhiên theo các phương pháp như: (1) Dùng đèn tập trung cá theo tập tính hướng quang của nó vào ban đêm rồi dùng vợt để vớt; (2) Đặt lưới đăng cố định ở cửa sông, nơi có cá con phân bố để đánh bắt; (3) Dùng 2 thuyền lưới vây để vây cá con ở cửa sông ven biển rồi phân loại giữ lại cá chình.
Xây dựng ao nuôi:
Tùy điều kiện và khả năng thực tế sản xuất của chủ hộ mà bố trí ao nuôi cho thích hợp. Nhưng ao nuôi cần phải gần nguồn nước sạch để thuận tiện cho việc cấp và thoát nước. Diện tích ao nuôi phù hợp là từ 500-1.000 m2, bề mặt ao cần có độ dốc về phía cống thoát nước, mỗi ao cần có ít nhất một cống thoát nước và một ống cấp nước.
Bờ ao cần cao hơn mặt nước lúc cao nhất là 50 cm và cần rào lưới xung quanh (vì cá chình rất nhạy cảm với sự biến động của các yếu tố môi trường, khi có một sự thay đổi nhỏ của môi trường cá sẽ tìm cách thoát ra khỏi ao nuôi), đồng thời cũng để tránh các dịch hại của cá xâm nhập vào trong ao. Quan sát lấp hết các hang hốc, lỗ mọi rò rỉ xung quanh bờ và diệt hết cá tạp, ốc, ếch nhái…
Trước khi thả cá giống cần phải tiến hành xử lý ao. Ao được tát cạn, vét hết bùn đáy. Tiến hành rải vôi đáy ao bằng vôi công nghiệp, tùy theo độ pH mà rải vôi với lượng 50-100 kg/1.000 m2 ao. Phơi đáy ao cho đến khô, sau đó cho nước vào đầy, khi cho nước cần qua lưới lọc ở miệng cống để tránh tất cả các sinh vật khác xâm nhập vào ao. Độ sâu nước đến 1,5 m, sau đó xử lý thuốc tím với lượng 2-3 kg/1.000 m2.
Sau khi nước ổn định khoảng 2 ngày thì gây màu nước, tạo môi trường phù hợp với tập tính của cá bằng cách bón phân DAP hoặc NPK với lượng 1,5-2 kg/1.000 m2, phân được hòa tan trong nước và té đều lên mặt ao liên tục trong 3 ngày cho đến khi nước có màu xanh nõn chuối và có các chỉ số như: Độ trong 30-40 cm, pH từ 7-8,5 là được.
Cá chình ưa bóng râm nên trong ao cần có các vật thể tạo bóng như đống chà (cành cây khô) ống sành, ống nhựa cho chúng trú ẩn.
Chọn giống:
Cá giống cần phải khỏe, nên mua ở những nơi cung cấp cá có uy tín, da cá bóng, nhiều nhớt, không bệnh tật, không mua cá bị xiệc điện. Tốt nhất là mua cá giống từ những cơ sở nuôi cá giống từ cá hương, cỡ cá khoảng 60-100 g/con, cỡ cá này khi thả sẽ nhanh thích nghi với môi trường, ít hao hụt. Mật độ thả từ 0,5-1 con/m2.
Chăm sóc cá:
Cần theo dõi hoạt động của cá hàng ngày để có hướng xử lý kịp thời khi có điều bất ổn xảy ra, theo dõi kỹ tình trạng cá ăn đến sự thay đổi của môi trường. Thức ăn của cá chình là giun, ốc, cá tạp, thức ăn công nghiệp. Thức ăn cần băm nhỏ cho vừa miệng cá. Để tránh những bệnh ký sinh từ cá tạp trước khi băm cần nhúng qua nước muối rồi rửa lại bằng nước sạch mới cho cá ăn.
Khi cá còn nhỏ thì cần xay nhuyễn thức ăn vo thành viên, thức ăn cần phải tươi, không ôi thiu. Trong ao cần bố trí các sàn ăn (sàn là các khung vuông bằng sắt, mặt lưới cước, rộng khoảng 1 m2). Phải căn không để dư thức ăn vừa lãng phí mà còn gây bệnh cho cá. Lượng thức ăn mỗi ngày bằng 5-10 % trọng lượng cá khi ở nhiệt độ 25oC vì lúc này cá hoạt động mạnh. Khi nhiệt độ dưới 20oC và cao hơn 35oC thì giảm lượng thức ăn.
Nên lấy mức thức ăn mà cá ăn trong một giờ làm chuẩn, điều chỉnh thức ăn sao cho cá ăn hết trong một giờ là vừa, tăng dần lượng thức ăn theo độ lớn của cá. Cá thường ăn mạnh vào những ngày nắng tốt, có gió và giảm ăn khi thời tiết âm u, có mưa, ít gió. Cho cá ăn 1 lần/ngày vào buổi chiều mát, giờ ăn cho cá cũng cần cố định trong ngày, tránh thay đổi đột ngột.
Trong quá trình nuôi cá cần chú ý giữ cố định các yếu tố môi trường như pH, ôxy hòa tan, độ trong như đã nói ở trên, tránh thay đổi đột ngột. Thay nước cho cá khi cần thiết, mỗi lần thay nước không quá 20 % lượng nước trong ao. Vào những ngày nắng nóng thì nên thay nước lúc từ đêm đến sáng để cá không bị sốc.
Phòng và trị bệnh: Cá bỏ ăn thường là do sự thay đổi của môi trường và con giống kém chất lượng. Để giảm rủi ro, cần chú ý đến các yếu tố sau:
- Cá giống phải thật chất lượng, cần có các tiêu chuẩn như: Nhanh nhẹn, đồng cỡ, nhiều nhớt, không xây xát, không dị tật, không mắc câu, cào điện. Tốt nhất là mua cá từ những cơ sở ương cá giống.
- Ao nuôi luôn giữ được các yếu tố môi trường thích hợp cho cá phát triển. Xử lý nước định kỳ 1 lần/tháng bằng các hóa chất như Virkon 0,5 kg/1.000 m3 nước hoặc thuốc tím 1,5 kg/1.000 m3, sau đó dùng Zeolite 5 kg/1.000 m3 kết hợp với men vi sinh vật để ổn định môi trường.
- Sử dụng thức ăn tươi sống, không ôi thiu, kết hợp với vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cá hoặc trộn Oxytetrcyline để cá tăng cường hấp thu qua đường tiêu hóa.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây nghề nuôi cá chình phát triển rất mạnh ở ĐBSCL do cá chình có giá trị kinh tế lớn. Cá chình được xếp vào loại cá đắt tiền và quí hiếm, giá cá thương phẩm rất đắt.
Để phòng bệnh cho cá ta phải bắt đầu từ giai đoạn thả giống. Trước khi thả cá, ta cải tạo và xử lý nước thật kỹ bằng vôi công nghiệp và Vimekon.
Anh Lê Phúc (38 tuổi), ở thôn Phò Nam, xã miền núi Hoà Bắc (Hoà Vang – TP. Đà Nẵng) có mô hình nuôi cá chình trong hồ xi măng thu lợi nhuận cao.
Cá chình có nhiều loài khác nhau (trên thế giới có tới 20 loài). Riêng ở Việt Nam, có một số loài cá chình có giá trị cao như: Chình mun, chình bông, chình nhọn, chình Nhật Bản... Chúng có kích cỡ khác nhau, có con dài tới hơn 1m và nặng tới cả chục kg.
Ở miền Trung, cá chình bông có nhiều ở một số khe, suối trong khu vực núi rừng. Khi đến tuổi sinh sản, chúng lại xuôi theo các dòng sông ra tận ngoài biển để sinh đẻ. Cá chình bột mới sinh lại từ biển đi vào các cửa sông, ngược dòng chảy, ghềnh thác lên sinh sống tận đầu nguồn các dòng sông và trưởng thành ở đó. Biết được cách di chuyển như vậy nên một số nhân dân trong vùng đánh bắt cá chình con để bán cho người nuôi. Cá chình con xuất hiện ở khe, suối nhiều vào khoảng sau mùa mưa lụt hàng năm.