Quả Tết Chín Sớm, Người Trồng Thiệt Hại
Còn hai tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng tình trạng cam Canh, bưởi Diễn tại các huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ (Hà Nội) đồng loạt chín vàng từ cách đây gần một tháng đã gây thiệt hại không nhỏ đến thu nhập của người nông dân…
Về xã Kim An, huyện Thanh Oai những ngày gần đây, không khí mua bán tấp nập không khác gì vào dịp giáp Tết mọi năm. Rất đông thương lái đến mua cam Canh nhưng nông dân Kim An thì rầu rĩ vì phải bán cam sớm, giá không được cao. Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Kim An Đỗ Hùng Cường cho biết, toàn xã có khoảng 60ha trồng cam Canh, tập trung chủ yếu tại vùng bãi, trong đó trên 40ha đang cho thu hoạch, còn lại là cây mới trồng.
Dự kiến sản lượng cam Canh toàn xã đạt 700 - 800 tấn, không giảm nhiều so với năm trước nhưng chất lượng không đồng đều do chín sớm. Theo ông Nguyễn Quang Viễn ở thôn Tràng Cát, gia đình ông có 5 sào trồng cam Canh với khoảng 400 gốc đang cho thu quả. Mọi năm, diện tích này mang lại 300-400 triệu đồng thu nhập cho gia đình ông, nhưng... "Năm nay cam vẫn phát triển đều, thậm chí sai quả hơn mọi năm, gia đình tôi mừng lắm.
Nhưng cách đây hơn một tháng, nhiều cây xuất hiện lá vàng, quả bắt đầu chín vàng. Do chín sớm bất thường, nên cam không ngọt. Cả vườn mất khoảng 20% kém chất lượng, phải bỏ đi"- Ông Viễn than thở.
Cũng như nông dân xã Kim An, nông dân xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức cũng điêu đứng vì cam Canh chín sớm, nhiều cây phải bỏ quả không bán được do chất lượng kém. Bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Đông Hạ xót xa vì hơn 4 sào cam Canh của gia đình có đến gần nửa bị chín sớm, chất lượng quả không đạt phải cắt vứt bỏ.
"Cả Tết chỉ trông chờ vào mấy sào cam, vậy mà cam chín sớm thế này, lại bỏ đi tới một nửa thì làm gì có tiền chi tiêu"- Bà Lan buồn rầu cho biết. Cùng chung cảnh ngộ với cam Canh, nhiều vườn bưởi Diễn cũng đã chín vàng. Tuy chín sớm nhưng bưởi Diễn có thể để được lâu, dễ bảo quản hơn cam Canh nên người trồng cũng đỡ băn khoăn hơn.
Lý giải về tình trạng cam Canh, bưởi Diễn chín sớm, ông Phạm Ngọc Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết, năm nay mưa kéo dài gần 3 tháng, đúng vào độ cây đang ra quả và phát triển mạnh. Nhiều vùng trồng cam Canh, bưởi Diễn bị ngập 3-5 ngày, rễ cây bị ngâm nước, thối nhiều, nên không cung cấp được dinh dưỡng cho cây, dẫn đến hiện tượng quả chín sớm, chất lượng không được như mọi năm.
Hiện cam Canh bán tại vườn cho thương lái với giá 45- 50 nghìn đồng/kg, những quả không đạt chất lượng thì giá chỉ bằng một nửa. Theo thống kê, Hà Nội hiện có 16.000ha trồng cây ăn quả, trong đó diện tích cam Canh khoảng 850ha, phân bố chủ yếu ở các huyện Thanh Oai, Thường Tín, Hoài Đức… và ở các vùng này cam đều có tình trạng chín sớm bất thường.
Phát triển cây ăn quả là hướng đi đúng của ngành nông nghiệp Thủ đô. Nhiều vùng cam Canh, bưởi Diễn đã xây dựng được thương hiệu, có thị trường tiêu thụ ổn định, nhờ vậy đời sống nông dân được cải thiện. Song, do sản xuất cây ăn quả đặc sản của Hà Nội còn phân tán, manh mún, phát triển chưa có định hướng, chưa quy hoạch thành vùng tập trung, vườn tạp chưa được đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nên dễ gặp khó khăn, lúng túng, thậm chí thiệt hại nặng khi bị ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh. Vấn đề này rất cần được ngành nông nghiệp và các cơ quan có trách nhiệm quan tâm để nghiên cứu, tìm ra giải pháp để giúp nông dân chủ động khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại cho người trồng.
Có thể bạn quan tâm
15 ngày đầu tháng 9, giá bán heo hơi dao động từ 41.000 – 43.000đ/kg, giúp người chăn nuôi có lãi 1.000đ/kg – 3.000đ/kg so với vốn đầu tư con giống, chi phí thức ăn, thuốc tiêm phòng và công chăm sóc.
Sáng ngày 19/9, Hiệp hội cá tra Việt Nam có cuộc làm việc với UBND TP Cần Thơ về tình hình sản xuất cá tra trong những tháng đầu năm; bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi cá tra hiện nay.
Thời gian qua, người dân Đầm Dơi (Cà Mau) khốn đốn mỗi khi tôm nuôi bị dịch bệnh. Nhưng nay họ đã tìm được mô hình nuôi ổn định, mang tính bền vững, đó là mô hình nuôi sò huyết thương phẩm xen canh với cua, tôm. Nhiều hộ nông dân ở xã Quách Phẩm khá lên từ mô hình này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Chỉ thị về việc tăng cường quản lý sản xuất, tiêu thụ rau để đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vấn đề sản xuất rau theo hướng an toàn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn gặp một số khó khăn.
Những tháng đầu năm 2013, các đối tượng nhuyễn thể hai mảnh vỏ (gồm Nghêu/ngao, Tu hài) nuôi tại Việt Nam đã bị nhiễm bệnh, lây lan và phát triển thành dịch tại nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá, Khánh Hoà và một số tỉnh nuôi trồng thuỷ sản trọng điểm tại ĐBSCL (Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu). Dịch bệnh đã tiếp tục kéo dài đến khoảng giữa năm 2013.