Khởi Sắc Xã Vùng Cao Kim Thượng

Theo con đường nhựa từ quốc lộ 32, chúng tôi về xã vùng cao Kim Thượng của huyện miền núi Tân Sơn. Không quản ngại nắng hè, trên những cánh đồng lúa vàng, bà con đang phấn khởi thu hoạch lúa chiêm xuân. Người cắt lúa, người gánh lúa tấp nập cùng tiếng cười nói rộn ràng trước thành quả vụ sản xuất chiêm xuân, tạo nên “bức tranh ngày mùa” sinh động.
Chia sẻ về thành quả của bà con nông dân, chị Hà Thị Tuyết Lực - Chủ tịch UBND xã Kim Thượng phấn khởi: “Kinh tế của Kim Thượng phát triển chủ yếu nhờ trồng lúa, trồng rừng và chăn nuôi. Mặc dù đầu vụ chiêm xuân năm nay thời tiết có nhiều bất lợi, gây sâu bệnh trên cây lúa, song chúng tôi đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ cây lúa để có được năng suất bước đầu ước đạt 55 tạ/ha như hiện nay”.
Xã Kim Thượng có tổng diện tích gần 7.900ha, 1.400 hộ với trên 6.300 nhân khẩu của 13 khu hành chính, trong đó có 4 khu vùng cao, 9 khu vùng thấp chủ yếu sinh sống bằng nghề nông. Điều kiện tự nhiên đã tạo cho xã nét đặc thù trong phát triển kinh tế, đó là chăn nuôi, kết hợp với trồng rừng ở những khu vùng cao và trồng lúa ở vùng thấp.
Được thụ hưởng các chương trình 135, 30a, xây dựng nông thôn mới nên Kim Thượng có nhiều thuận lợi để triển khai các đề án trọng tâm: Phát triển cây lương thực; kinh tế đồi rừng; chăn nuôi trâu, bò; phát triển kinh tế du lịch. Từ việc triển khai các đề án, nhiều mô hình sản xuất được đầu tư, cơ sở vật chất được tăng cường, tạo ra sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập cho nhân dân.
Phát huy thế mạnh vùng thấp, xã Kim Thượng gieo cấy lúa trên diện tích 486,5ha, trong đó lúa lai chiếm 64% diện tích, năng suất bình quân đạt 52 tạ/ha, sản lượng trên 2.400 tấn. Xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con đưa các giống lúa lai vào sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào đồng ruộng, nhằm nâng cao năng suất, tăng hiệu quả kinh tế.
Vừa nhanh tay gặt lúa, chị Hà Thị Hương - dân tộc Mường, ở khu Chiềng 1 phấn khởi nói với chúng tôi: “Vụ chiêm xuân năm nay được mùa lắm. Gia đình tôi cấy 4 sào lúa lai, ước đạt gần 2 tạ/sào. Như thế là đủ gạo ăn cho cả nhà rồi”.
Bên máy tuốt lúa cùng chồng và người thân, chị Phùng Thị Yến - khu Xuân 2 hồ hởi: “Tuy phải “một nắng hai sương” nhưng giờ được mùa như thế này gia đình tôi rất phấn khởi, quên hết mệt nhọc, cố gắng để năm nào cũng được mùa thế này cho gia đình bớt vất vả”.
Những năm qua, phát huy thế mạnh của địa phương, ở Kim Thượng đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đồi rừng, kết hợp giữa chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản với trồng rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như gia đình chị Nguyễn Thị Tám ở khu Xuân 1.
Với diện tích 3ha, gia đình chị đầu tư trồng rừng kết hợp chăn nuôi lợn rừng, gà và làm thêm dịch vụ xay xát, bán hàng tạp hóa cho thu nhập mỗi năm từ 150-200 triệu đồng/năm. Hay gia đình các chị Hà Thị Nhung ở khu Xuân 1, chị Phùng Thị Kim ở khu Chiềng 2 với mô hình chăn nuôi gà nhiều cựa, lợn rừng lai và trồng rừng trên diện tích 4 ha, cũng cho thu nhập bình quân 100-150 triệu/năm.
Đồng hành cùng với người dân trong phát triển kinh tế, chính quyền địa phương có nhiều chủ trương, cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ cho người nông dân sản xuất như: Hỗ trợ máy làm đất, máy tuốt lúa, hỗ trợ cây, con giống, hỗ trợ mô hình nuôi gà nhiều cựa… phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng trong riêng năm 2013.
Xã cũng đã đẩy mạnh công tác khuyến nông thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dạy nghề cho hàng trăm lượt người, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân.
Tuy là một xã miền núi còn nhiều khó khăn, song dịch vụ, thương mại của Kim Thượng đang có những bước phát triển mới, 6 tháng đầu năm 2014 giá trị dịch vụ ước đạt gần 1 tỷ đồng, đã có gần tám chục hộ kinh doanh, làm dịch vụ.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng bằng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị cũng như mỗi người dân, so với vài năm trước, giờ bức tranh kinh tế - xã hội của xã vùng cao Kim Thượng đã có nhiều khởi sắc.
Có thể bạn quan tâm

Dù lịch thời vụ mới qua được gần 2 tháng nhưng 80% diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được người dân thả giống. Tuy nhiên, khan giống, dịch bệnh, thời tiết diễn biến phức tạp... là những khó khăn mà người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đang gặp phải.

Thời tiết tương đối thuận lợi cho các hoạt động khai thác cá Nam ở Khánh Hòa, các loại thủy sản xuất hiện ngay từ đầu vụ, giá một số loại thủy sản tăng và tương đối ổn định nên đã khuyến khích các hộ ngư dân trong tỉnh đồng loạt ra khơi bám biển.

Những năm gần đây, chăn nuôi trong tỉnh Bắc Ninh có sự phát triển cả về quy mô và phương thức với tổng đàn lợn đạt hơn 404 nghìn con; đàn trâu, bò đạt gần 70 nghìn con; đàn gia cầm, thủy cầm đạt gần 4,5 triệu con mỗi năm.

Những năm gần đây, người nông dân Nghĩa Đàn (Nghệ An) chú trọng trồng cây dưa hấu nhưng giá cả bấp bênh lại sâu bệnh nhiều nên thất thu. Năm 2014 nhiều xã đã định hướng cho người dân chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Ở xã Nghĩa Bình, nhờ nắm bắt được nhu cầu thị trường nên nông dân đã chuyển từ cây dưa sang trồng 20 ha cây bí xanh và bí đỏ cho thu nhập cao...

Sáng 9/5/2014, Trại sản xuất lúa giống xã Định Thành phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang và Tập đoàn Yanmar tại Việt Nam, tổ chức hội thảo về cơ giới hóa trong sản xuất lúa tỉnh An Giang và trình diễn máy cấy lúa Yanmar AP25; máy cắt gặt đặp liên hiệp và máy xới đất kết hợp với phun thuốc phân hủy gốc gạ.