Quả Tết Chín Sớm, Người Trồng Thiệt Hại
Còn hai tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng tình trạng cam Canh, bưởi Diễn tại các huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ (Hà Nội) đồng loạt chín vàng từ cách đây gần một tháng đã gây thiệt hại không nhỏ đến thu nhập của người nông dân…
Về xã Kim An, huyện Thanh Oai những ngày gần đây, không khí mua bán tấp nập không khác gì vào dịp giáp Tết mọi năm. Rất đông thương lái đến mua cam Canh nhưng nông dân Kim An thì rầu rĩ vì phải bán cam sớm, giá không được cao. Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Kim An Đỗ Hùng Cường cho biết, toàn xã có khoảng 60ha trồng cam Canh, tập trung chủ yếu tại vùng bãi, trong đó trên 40ha đang cho thu hoạch, còn lại là cây mới trồng.
Dự kiến sản lượng cam Canh toàn xã đạt 700 - 800 tấn, không giảm nhiều so với năm trước nhưng chất lượng không đồng đều do chín sớm. Theo ông Nguyễn Quang Viễn ở thôn Tràng Cát, gia đình ông có 5 sào trồng cam Canh với khoảng 400 gốc đang cho thu quả. Mọi năm, diện tích này mang lại 300-400 triệu đồng thu nhập cho gia đình ông, nhưng... "Năm nay cam vẫn phát triển đều, thậm chí sai quả hơn mọi năm, gia đình tôi mừng lắm.
Nhưng cách đây hơn một tháng, nhiều cây xuất hiện lá vàng, quả bắt đầu chín vàng. Do chín sớm bất thường, nên cam không ngọt. Cả vườn mất khoảng 20% kém chất lượng, phải bỏ đi"- Ông Viễn than thở.
Cũng như nông dân xã Kim An, nông dân xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức cũng điêu đứng vì cam Canh chín sớm, nhiều cây phải bỏ quả không bán được do chất lượng kém. Bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Đông Hạ xót xa vì hơn 4 sào cam Canh của gia đình có đến gần nửa bị chín sớm, chất lượng quả không đạt phải cắt vứt bỏ.
"Cả Tết chỉ trông chờ vào mấy sào cam, vậy mà cam chín sớm thế này, lại bỏ đi tới một nửa thì làm gì có tiền chi tiêu"- Bà Lan buồn rầu cho biết. Cùng chung cảnh ngộ với cam Canh, nhiều vườn bưởi Diễn cũng đã chín vàng. Tuy chín sớm nhưng bưởi Diễn có thể để được lâu, dễ bảo quản hơn cam Canh nên người trồng cũng đỡ băn khoăn hơn.
Lý giải về tình trạng cam Canh, bưởi Diễn chín sớm, ông Phạm Ngọc Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết, năm nay mưa kéo dài gần 3 tháng, đúng vào độ cây đang ra quả và phát triển mạnh. Nhiều vùng trồng cam Canh, bưởi Diễn bị ngập 3-5 ngày, rễ cây bị ngâm nước, thối nhiều, nên không cung cấp được dinh dưỡng cho cây, dẫn đến hiện tượng quả chín sớm, chất lượng không được như mọi năm.
Hiện cam Canh bán tại vườn cho thương lái với giá 45- 50 nghìn đồng/kg, những quả không đạt chất lượng thì giá chỉ bằng một nửa. Theo thống kê, Hà Nội hiện có 16.000ha trồng cây ăn quả, trong đó diện tích cam Canh khoảng 850ha, phân bố chủ yếu ở các huyện Thanh Oai, Thường Tín, Hoài Đức… và ở các vùng này cam đều có tình trạng chín sớm bất thường.
Phát triển cây ăn quả là hướng đi đúng của ngành nông nghiệp Thủ đô. Nhiều vùng cam Canh, bưởi Diễn đã xây dựng được thương hiệu, có thị trường tiêu thụ ổn định, nhờ vậy đời sống nông dân được cải thiện. Song, do sản xuất cây ăn quả đặc sản của Hà Nội còn phân tán, manh mún, phát triển chưa có định hướng, chưa quy hoạch thành vùng tập trung, vườn tạp chưa được đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nên dễ gặp khó khăn, lúng túng, thậm chí thiệt hại nặng khi bị ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh. Vấn đề này rất cần được ngành nông nghiệp và các cơ quan có trách nhiệm quan tâm để nghiên cứu, tìm ra giải pháp để giúp nông dân chủ động khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại cho người trồng.
Related news
Dùng chấn lưới, chỉ từ 17 giờ ngày hôm trước, đến 3 giờ sáng ngày hôm sau, bình quân mỗi ngư dân tại đây khai thác được từ 60 đến 80kg tôm tít. Có nhiều ngư dân khai thác được hơn 150kg tôm tít. Ước sản lượng tôm tít khai thác được trong 3 ngày qua ở huyện Tuy An (Phú Yên) lên đến 15 tấn.
Cá Còm còn gọi là cá Nàng hai, sống ở nước ngọt và lợ, đây là loại cá có chất lượng thịt ngon, có thể chế biến thành nhiều món ăn cao cấp. Hiện tại loài cá này bị khai thác quá mức, đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Tuy nhiên, những năm gần đây có nhiều cơ sở, trung tâm nghiên cứu và sinh sản thành công loài cá còm này và cung cấp giống cho người nuôi, không phải phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên.
Khu vực miền núi tỉnh Nghệ An có hàng trăm hồ đập thủy lợi nhỏ và hàng ngàn ao chuôm. Xác định đây là môi trường rất thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nên thời gian qua hệ thống KN-KN đã tập trung xây dựng các mô hình ương nuôi cá giống...
Cánh đồng mẫu (CĐM) nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) được thực hiện tại xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Qua hơn 5 tháng triển khai thực hiện, kết quả lợi nhuận tăng bình quân16,4 triệu đồng/ha. Mô hình này được nông dân trong xã khẳng định hiệu quả và đang triển khai nhân rộng cho vụ nuôi tới.
Rủi ro rình rập, chi phí sản xuất tăng cao, giá cả bấp bênh hay có lúc “khát” lao động đi biển nhưng vụ khai thác, đánh bắt thủy sản chính trong năm 2014, ngư dân trong tỉnh vẫn bội thu. Có điều, “quả ngọt” ấy cũng chưa mang lại cho họ niềm vui trọn vẹn khi mà tình trạng ép giá, cửa biển bồi lấp... vẫn xảy ra.