Phú Yên Tái Cơ Cấu Ngành Thủy Sản Huy Động Nhiều Nguồn Lực, Tập Trung Nâng Cao Giá Trị Sản Phẩm
Phú Yên đang đặt ra mục tiêu cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng phát triển bền vững trong khâu nuôi trồng, khai thác và chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Theo đó, từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, giá trị sản xuất ngành Thủy sản tăng bình quân từ 8 đến 9%/năm, chiếm từ 36 đến 37% tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp.
Ứng dụng công nghệ cao
Các hoạt động tái cơ cấu ngành Thủy sản được Phú Yên thực hiện từ năm 2014, với mục tiêu tập trung nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm chủ lực trong nuôi tôm hùm, tôm thẻ chân trắng và khai thác cá ngừ đại dương; đồng thời xây dựng thương hiệu các sản phẩm này nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế.
Hiện ở các vùng ven biển của TX Sông Cầu, huyện Tuy An và Đông Hòa đã tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực như tôm hùm, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá biển... trên diện tích mặt nước hơn 3.000ha. Tại các khu vực này, nông dân đang áp dụng các mô hình nuôi theo VietGAP, GlobalGAP; tăng cường hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản và hệ thống kiểm nghiệm, hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế rủi ro.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 6.150 tàu cá công suất trên 90CV khai thác thủy sản. Nhằm ổn định sản lượng và nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Phú Yên đề ra định hướng giảm dần tỉ trọng, tiến tới ổn định sản lượng khai thác ven bờ (từ 6 hải lý trở vào); chuyển các hoạt động khai thác gần bờ sang khai thác bằng tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ; tập trung khai thác các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ lớn như cá ngừ đại dương, cá thu…; phát triển khai thác hải sản xa bờ theo tổ đội, liên kết chuỗi giá trị.
Để nâng cao giá trị và đảm bảo sự phát triển bền vững trong tái cơ cấu ngành Thủy sản, UBND tỉnh xác định, cần ứng dụng công nghệ cao trong chế biến, nhất là khâu bảo quản sau thu hoạch.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, hiện công nghệ bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm thủy sản ở Phú Yên còn lạc hậu, nhất là bảo quản cá ngừ đại dương trên biển, gây thất thoát hơn 25% giá trị sản phẩm. Nếu có sự đột phá trong áp dụng công nghệ sau thu hoạch thì giá trị của ngành Thủy sản sẽ nâng cao gấp nhiều lần.
Hướng đến thị trường khó tính
Theo Sở NN-PTNT, được sự hỗ trợ của Bộ KH-CN, tỉnh đang thí điểm triển khai đổi mới công nghệ bảo quản cá ngừ đại dương, tiến tới mở rộng ra bảo quản tôm hùm theo công nghệ CAS. Đây là công nghệ cấp đông tiên tiến nhất thế giới do Công ty ABI (Nhật Bản) chuyển giao, nhằm nâng cao giá trị của cá ngừ, mà còn mở ra nhiều hướng phát triển mới trong chế biến xuất khẩu cho doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Bá Hải cho biết, nếu áp dụng thành công công nghệ mới này thì chất lượng và giá trị sản phẩm hàng thủy sản được nâng lên rất nhiều. Mục tiêu của công ty là phát triển các mặt hàng tươi và cấp đông ăn liền (sashimi, sushi) chất lượng cao, hướng tới thị trường Nhật Bản khoảng 50%, Hoa Kỳ 40%, còn lại là các thị trường khác.
Theo Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc, từ nay đến năm 2016, tỉnh ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành Thủy sản; đồng thời triển khai các dự án đầu tư hạ tầng vùng nuôi, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão và các cơ sở dịch vụ hậu cần nhằm hỗ trợ ngư dân và doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh thủy sản. Hy vọng, với hướng đi này sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản trong thời gian tới.
Năm 2014, giá trị sản xuất ngành Thủy sản đạt 3.213 tỉ đồng, tăng 0,4% so với năm 2013. Sản lượng khai thác đạt 49.000 tấn, trong đó cá ngừ đại dương hơn 4.000 tấn, tôm hùm 630 tấn. Tuy nhiên, hoạt động tái cơ cấu ngành Thủy sản của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tỉnh có 28.759 lao động hoạt động trong ngành Thủy sản, nhưng phần lớn chưa qua đào tạo nghề; các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá còn đang trong giai đoạn quy hoạch xây dựng.
Có thể bạn quan tâm
Vài năm trở lại đây, gừng ở huyện Đà Bắc (Hòa Bình) bán rất được giá và khá hơn so với cây trồng khác cùng vụ. Nhưng năm nay giá gừng đột ngột giảm mạnh, nhiều hộ trồng gừng “sốc” với giá rẻ như bèo, bán ra thì lỗ nặng, để lại chờ giá thì khó bảo quản được lâu vì khi gừng héo và nhú mọng sẽ mất giá trị.
Sau 1 trận mưa, hàng chục hộ dân xã Hải Thanh (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) nuôi cá bè, lồng trên sông Kênh Than bỗng dưng trắng tay vì cá chết hàng loạt.
Đi dọc tuyến quốc lộ 12B qua xóm Lạng, xã Kim Bình, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) người đi đường sẽ thấy rất nhiều những “trại gà” của những hộ nông dân ngay trên những cánh đồng ruộng sau mỗi vụ thu hoạch. Trên từng khoảnh ruộng, khu ruộng có đến hàng trăm con gà đang tìm kiếm thức ăn.
Vụ mía năm nay Công ty đường Quảng Ngãi thực hiện mua theo phương thức xác định chữ đường tại ruộng, được nông dân đồng tình ủng hộ. Sự minh bạch này đã xóa những nghi ngờ của nông dân về cách tính chữ đường của đơn vị thu mua. Tuy nhiên, gần 1/2 diện tích mía lại không được thực hiện theo phương thức này, gây ra tình trạng chậm trễ khiến mía già, trổ bông, sản lượng sụt giảm.
Xoài cát Hòa Lộc được thương lái mua tại vườn với giá cao, từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, giúp nhà vườn chuyên canh trái xoài đặc sản này ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) đạt lợi nhuận cao.