Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phú Yên chuyển đổi đất lúa sang cây trồng cạn để tránh hạn

Phú Yên chuyển đổi đất lúa sang cây trồng cạn để tránh hạn
Ngày đăng: 23/05/2015

Chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), hiện nay, thời tiết diễn biến phức tạp, khô hạn đang xảy ra thường xuyên, bất ngờ, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, trong vụ hè thu, vụ mùa đến, đối với vùng bị hạn hán, thiếu nước tưới, có nguy cơ mất trắng cần chuyển đổi cây trồng khác chịu hạn hơn như mè, đậu… hoặc chuyển dịch sang vụ mùa gieo trồng khi có mưa. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, căn cứ nguồn nước hiện có trong các hồ đập chứa, dự báo vụ hè thu đến sẽ diễn ra nắng gắt và thiếu nước trầm trọng.

Vì vậy, Cục Trồng trọt yêu cầu các địa phương trong khu vực rà soát, khoanh vùng sản xuất lúa và chuyển đổi cây trồng phù hợp đảm bảo an toàn sản xuất; đồng thời tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại trong các ao hồ, sông suối, kênh rạch để dành cung cấp cho vụ hè thu. Bên cạnh đó, tăng cường công tác bảo vệ thực vật, phòng trừ dịch hại.

Theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT đang lên kế hoạch chuyển đổi gần 500ha đất lúa, chủ yếu là đất sản xuất lúa 1 vụ sang trồng bắp lai, cây họ đậu, rau ăn lá, dưa các loại… Những diện tích được chuyển đổi tập trung ở vùng đất cao, thiếu nước tưới, sản xuất lúa kém hiệu quả. Sở cũng khuyến khích nông dân trồng luân canh, xen canh các loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao.

Ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, cho biết: Theo kế hoạch, vụ hè thu này, toàn huyện sản xuất 620ha lúa. Tuy nhiên do các hồ đập, sông suối đang cạn dần nên địa phương đã giảm diện tích gieo sạ còn 550ha. Địa phương sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng không đảm bảo nguồn nước sang trồng những cây trồng cạn dùng ít nước nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả sản xuất.

Còn ở huyện Đồng Xuân, vụ hè thu này, ngành Nông nghiệp có kế hoạch chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa ở một số vùng cuối kênh của hồ chứa nước Phú Xuân. Nếu trời có mưa, hồ đủ nước thì sẽ mở rộng diện tích tưới bổ sung. Diện tích chuyển đổi cây trồng cạn toàn huyện gần 200ha.

Hình thành vùng sản xuất rau màu

Sở NN-PTNT cũng đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các địa phương kiên quyết không để nông dân gieo sạ trên những khu vực không bảo đảm đủ nguồn nước tưới trong toàn vụ, hoặc không có nguồn nước tưới bổ sung; chuyển những vùng đất trồng lúa không chủ động được nguồn nước tưới sang trồng các loại hoa màu khác theo những mô hình luân canh, xen canh.

Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không đảm bảo nguồn nước, năng suất thấp để hình thành những vùng sản xuất rau màu cho hiệu quả kinh tế cao. Mới đây, gia đình ông Phạm Văn Thành ở xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa) thu được 17 tạ đậu phộng, trên diện tích chuyển đổi 0,5ha, bán với giá 20.000 đồng/kg; sau khi trừ chi phí lãi trên 30 triệu đồng. Cạnh đó là thửa ruộng 3 sào của bà Trần Thị Thìn, mấy năm trước trồng lúa, nước tưới không đủ; vừa qua, bà Thìn quyết định chuyển sang trồng đậu phộng, hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa.

Không chỉ bà Thìn, ông Thành, mà 19 hộ dân ở xã Hòa Xuân Tây, trồng đậu phộng cũng mang lại hiệu quả cao. Bà Nguyễn Thị Bích Thuận, Phó phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, cho hay: Thời gian qua, mô hình trồng đậu phộng giống TB25 do Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình cung cấp, năng suất đạt từ 34 đến 42 tạ/ha, lãi ròng trên 65 triệu đồng/ha. Huyện đang khuyến khích nông dân chuyển diện tích đất lúa những vùng thiếu nước, năng suất thấp sang trồng các loại cây trồng cạn khác để đảm bảo kinh tế.

Ở huyện Phú Hòa, phong trào chuyển đổi cây lúa sang trồng rau màu cho hiệu quả kinh tế đang được nhiều người dân thực hiện. Ông Võ Đình Trọng, nông dân ở xã Hòa Định Tây, nhờ áp dụng mô hình xen canh trồng dưa hấu, ớt, bắp kết hợp trồng cỏ nuôi bò đã “phất” lên. Với 0,7ha, hàng năm, ông Trọng thu trên 110 triệu đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Trong điều kiện khô hạn, việc chuyển đổi đất lúa sang trồng rau, màu và các loại cây công nghiệp ngắn ngày là biện pháp tiết kiệm nước, tương đối an toàn, mà lợi nhuận nhiều khi cao hơn so với trồng lúa. Các địa phương tùy tình hình thực tế về điều kiện đất đai, phong tục tập quán canh tác mà áp dụng mô hình sản xuất phù hợp để đem lại hiệu quả thiết thực.


Có thể bạn quan tâm

Hội Nông dân xã Đức Nhuận chung tay phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới Hội Nông dân xã Đức Nhuận chung tay phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới

Học và làm theo Bác từ những công việc nhỏ, hoàn thành tốt công việc của mình đang làm, trở thành phương châm hoạt động và làm việc của Hội nông dân xã Đức Nhuận, để cùng nhau xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

04/06/2015
Gặt lúa nơi xứ người Gặt lúa nơi xứ người

Ngày mùa, trên cánh đồng nặng trĩu lúa vàng ở Gio Quang (huyện Gio Linh, Quảng Trị) càng thêm nhộn nhịp trong âm thanh rền vang từ những chiếc máy gặt đập liên hợp hoạt động liên tục. Cơ giới hóa trong nông nghiệp thực sự đã đem lại nhiều tiện ích và hiệu quả to lớn cho người nông dân.

04/06/2015
Hồ tiêu được mùa, được giá Hồ tiêu được mùa, được giá

Những ngày này, người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh rất phấn khởi vì hồ tiêu vừa được mùa vừa được giá.

04/06/2015
Krông Nô khảo nghiệm thành công nhiều giống lúa chất lượng cao Krông Nô khảo nghiệm thành công nhiều giống lúa chất lượng cao

Trong vụ đông xuân vừa qua, Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Krông Nô đã đưa trồng khảo nghiệm thành công 7 giống lúa mới là AC5, TL6, LH12, HBO2, Nam Định 5, Thiên ưu 8, thảo dược Vĩnh Hòa (VH1), thu hút 35 hộ dân đã tham gia và đưa lại năng suất, chất lượng cao.

04/06/2015
Vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung dân chưa mặn mà Vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung dân chưa mặn mà

Với đàn heo khoảng 1,5 triệu con, đàn gà gần 14 triệu con, Đồng Nai được xem là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước. Từ năm 2008, tỉnh đã quy hoạch các vùng khuyến khích chăn nuôi tập trung để quản lý tốt vấn đề môi trường và kiểm soát về dịch bệnh.

04/06/2015