Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phù Thủy Trồng Mai Ghép Ra Tiền Tỷ

Phù Thủy Trồng Mai Ghép Ra Tiền Tỷ
Ngày đăng: 27/11/2014

Những năm gần đây, do thị trường tiêu thụ khó khăn nên nhiều nhà vườn tại TP.HCM đã chuyển từ trồng mai sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Nhưng với Mã Văn Phương (khu phố 7, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) lại khác, anh quyết bám nghề, và được mệnh danh là “phù thủy” trồng mai ghép.

Tại khu phố 7, phường Hiệp Bình Chánh, anh Mã Văn Phương được xem là “thổ địa” nên được nhiều người biết đến, và vườn mai của anh cũng là một trong số ít vườn mai còn sót lại giữa khu dân cư đông đúc.

Thu nhập tiền tỷ

Lúc chúng tôi đến anh Phương vừa làm xong công việc ngoài vườn với mồ hôi nhễ nhại. Anh cho biết nghề trồng mai này bận rộn quanh năm, dù chỉ thu hoạch một vụ tết. Hiện nay thời điểm gần cuối năm nên công việc của anh càng bận hơn. Theo anh Phương vào thăm vườn, chúng tôi không khỏi trầm trồ với những gốc mai với đủ những vóc dáng khác nhau.

Nhiều gốc mai hàng chục năm tuổi, được anh chăm sóc kỹ nên cây phát triển xanh tốt. Anh Phương cho biết, tại vườn mai nhà anh các gốc mai giá hàng chục triệu đồng là không hiếm, có nhiều gốc khi khách đến thăm rất mê nhưng không dám mua mà chỉ thuê về trưng.

Trên mảnh vườn với diện tích hơn 1.600m2 của mình, anh Phương trồng hơn 1.000 gốc mai ghép để cung cấp cho thị trường tết. Bên cạnh đó, anh còn thuê thêm một mảnh đất diện tích 2.200m2 ở trong khu vực để trồng mai đất với trên 1.000 gốc. “Những năm gần đây, thị trường mai tết ảm đạm, người mua ít, thay vào đó người thuê mai về trưng tết ngày càng nhiều hơn, nên không thể… bán đứt được”- anh Phương tâm sự.

Cho tới nay, trung bình mỗi năm vườn mai nhà anh có đến vài trăm chậu được người dân, xí nghiệp, công ty thuê về trưng. Theo anh Phương, việc thuê lại như vậy giá chỉ bằng khoảng ½ so với bán, do đó nhìn chung thu nhập của gia đình bị ảnh hưởng. “Do khó khăn chung, nên khách hàng họ có nhu cầu vậy thì mình vẫn sẵn sàng đáp ứng. Mình làm theo nhu cầu của thị trường mà, tùy theo lúc mà mình cần có điều chỉnh phù hợp”- anh Phương chia sẻ thêm.

Nói về kỹ thuật chăm sóc mai, anh Phương thổ lộ: “Cây mai ghép là cây mai kiểng, nên khâu chăm sóc khá cầu kỳ. Nhiều người mua cây mai ghép về trồng do chăm sóc chưa đúng kỹ thuật nên mai hay bị chết, nhất là nhánh mai ghép là mai màu trắng. Có nhiều giống mai ghép, như cây mai xanh Phước Lộc Thọ, mai Huỳnh Tỷ, mai 48 cánh, mai 120-150 cánh... Do cây còn nhỏ, các năm đầu có thể rụng trên 50% nụ hoa, nhưng đến lúc cây già cỡ 2-3 năm trở lên, sẽ đậu được nhiều hoa hơn. Các giống này cần chăm sóc đặc biệt, đến tháng 9-10 âm lịch, phải bón thúc thêm phân DAP hay phân tổng hợp NPK với tỷ lệ lân cao để kích thích ra nhiều hoa”.

Cũng nhờ có kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng mai và làm lâu năm trong nghề nên so với các nông dân khác, anh Phương vẫn sống khỏe nhờ trồng mai. Lượng khách hàng đến thuê, mua mai nhà anh trong dịp tết vẫn ổn định. “Vào dịp tết, nhiều công ty, xí nghiệp, ngân hàng thường đến vườn thuê mai về trưng, hết tết mình lại chở về chăm sóc. Khách hàng của mình dạng này ngoài tập trung tại thành phố có nhiều người ở tận Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…” - anh nói.

Bên cạnh đó, do là người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề cũng như có cách tạo dáng, chăm sóc mai tốt nên những năm gần đây có nhiều người mang mai đến vườn gửi nhờ anh chăm sóc với số lượng vài trăm chậu. Anh cho biết hiện trong vườn mai nhà anh có hơn 300 chậu mai được khách gửi nhờ chăm sóc. Với các chậu mai này anh lấy phí chăm sóc từ 1 - 5 triệu đồng/năm/gốc.

Quyết không bỏ nghề

Trao đổi với chúng tôi, anh Mã Văn Phương cho biết, trước đây trong khu vực này nổi tiếng về nghề trồng mai. Vào thời hưng thịnh, khu phố này có đến vài chục hộ trồng. Đó là thời điểm cách đây khoảng chục năm trước, khi ấy mai là loại hoa cảnh chính trong dịp tết nên người mua rất đông. Nhưng dần dần do mất mùa, do đô thị hóa nên người dân chặt bỏ mai trồng thứ khác hoặc xây nhà trọ cho thuê. Hiện nay chỉ còn vài hộ trồng mai, quy mô vườn cũng chỉ từ 100 – 200m2. Riêng vườn mai nhà anh hiện được xem là vườn lớn nhất tại khu vực này.

Có nhiều năm mai mất mùa, người mua ít, bản thân anh từng có ý định bỏ nghề, nhưng với 25 năm gắn bó với cây mai nên anh không đành bỏ. Đối với anh, nghề trồng mai đã ăn sâu vào máu thịt. Vì vậy dù thời điểm tiêu thụ mai chỉ rộ trong dịp tết nhưng hàng ngày anh đều ra vườn chăm chút tỉ mỉ từng gốc mai. Đó không chỉ là công việc kiếm tiền mà còn là đam mê, là niềm vui của anh.

Để tồn tại với nghề, anh Phương cho biết, ngoài kinh nghiệm từ thực tế sản xuất anh thường xuyên hỏi kinh nghiệm, những cách làm hay, làm mới trong sản xuất, kinh doanh. Theo anh, hiện nay đã qua cái thời người dân dành nhau mua từng gốc mai.

Người tiêu dùng càng lúc càng khó tính hơn, vì vậy ngoài việc có kỹ thuật khéo tạo các thế mai đẹp thì cần nhạy bén, khéo léo trong kinh doanh. Đặc biệt đó là cách cư xử với khách hàng của mình. Anh chia sẻ: “Ở thời điểm kinh tế khó khăn này mình phải biết chia sẻ với nhau, tùy từng lúc mà mình nên hạ giá sản phẩm để thu hút khách hàng. Thà mình chịu thu nhập thấp một ít để giữ mối khách hàng. Phải hai bên cùng có lợi mới tồn tại lâu dài được”.

Anh Phương cho chúng tôi biết thêm, mới đây anh đã vay 1,5 tỷ đồng với lãi suất thấp để đầu tư, phát triển vườn mai và yên tâm giữ nghề. “Ai bỏ cây mai thì bỏ chứ đối với tôi hiện chưa có ý nghĩ đó. Cả đời gắn với cây mai và hiện nó đang cho thu nhập ổn định nên tôi rất yên tâm đầu tư vào nó. Khi cây mai còn mang lại giá trị cao, mình còn có kỹ thuật, còn được khách hàng tin tưởng, gởi gắm thì mình vẫn còn gắn với nghề dù biết có nhiều cây khác mang lại giá trị cao hơn” - anh Phương nói.

Nhờ biết kết hợp nhiều cách làm nên so với các vườn mai khác, vườn mai nhà anh Phương vẫn cho thu nhập cao. Anh Phương cho biết, vào năm mất mùa, giá thấp thì anh vẫn thu được khoảng 600 triệu đồng, còn năm được mùa, được giá thì thu nhập trên 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, vào những dịp tết, vườn mai nhà anh còn tạo công ăn việc làm thời vụ cho hơn 50 lao động địa phương. Với những kết quả đạt được liên tục trong những năm qua, anh Phương được bầu chọn là nông dân sản xuất giỏi cấp thành phố và từng 2 lần được bầu chọn là nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương.

Nguồn bài viết: http://danviet.vn/nha-nong/phu-thuy-trong-mai-ghep-ra-tien-ty-507619.html


Có thể bạn quan tâm

Ký kết hợp tác phát triển ngành tôm Ký kết hợp tác phát triển ngành tôm

Sáng 6/7, tại TP Cần Thơ, diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Tập đoàn tôm giống Việt - Úc và Trường ĐH Cần Thơ.

07/07/2015
Thanh Hóa dừng đề án quy hoạch phát triển cây mắcca Thanh Hóa dừng đề án quy hoạch phát triển cây mắcca

Ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã dừng xây dựng đề án quy hoạch phát triển cây mắcca trên địa bàn giai đoạn 2015-2020.

07/07/2015
Kết nối tiêu thụ nông sản Kết nối tiêu thụ nông sản

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức hội nghị kết nối giao thương giữa các nhà tiêu thụ và xuất khẩu (XK) nông sản trong nước với các doanh nghiệp SX rau củ quả của tỉnh.

07/07/2015
Làm gì với hàng chục ngàn tấn gạo mốc tại biên giới? Làm gì với hàng chục ngàn tấn gạo mốc tại biên giới?

Hàng chục ngàn tấn gạo mốc đang nằm tại cửa khẩu Lào Cai.

07/07/2015
Giá cao su khó tăng Giá cao su khó tăng

Trong những năm tới, giá cao su nếu có tăng cũng chỉ ở mức dưới 2.500 USD/tấn (50 triệu đồng/tấn).

07/07/2015