Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lào Cai Tránh Rét Cho Đầu Cơ Nghiệp

Lào Cai Tránh Rét Cho Đầu Cơ Nghiệp
Ngày đăng: 06/02/2015

Dù đã áp dụng các biện pháp như dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại để phòng, chống đói, rét cho gia súc nhưng do rét đậm, rét hại kéo dài kèm theo mưa tuyết nên nguy cơ đàn gia súc chết rét vẫn hiện hữu. Đó là lý do để bà con các thôn, bản vùng cao của huyện Sa Pa (Lào Cai) đưa trâu xuống các xã vùng thấp tránh rét.

Có mặt tại khu vực “tập kết” gia súc của người dân Sa Pa tại xã Cốc San (Bát Xát), chúng tôi gặp anh Lò Díu Vần, thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải khi anh đang lúi húi trong lều tạm với đủ những thứ lỉnh kỉnh như cửa hàng vật liệu xây dựng vậy. Theo anh Vần, đó là những thứ cần thiết để phục vụ sinh hoạt và “thiết bị tránh rét” cho đàn trâu của gia đình. Hiện cả gia đình anh Vần cũng đang “như ngồi trên đống lửa” bởi đã lùa đàn trâu xuống vùng thấp, nhưng mùa đông còn dài, rét đậm, rét hại với mức độ khắc nghiệt hơn thì đàn trâu chưa hẳn đã an toàn.

Có mặt tại khu vực Km 11 đến km14, Quốc lộ 4D thuộc địa phận ráp ranh giữa xã Cốc San và Tòng Sành (Bát Xát) vào ngày cuối tháng 1, chúng tôi nhận thấy bên các cánh rừng tái sinh là hàng chục túp lều dựng tạm làm chỗ nghỉ của những gia đình đưa trâu đi tránh rét. Gọi là lều nhưng kỳ thực chỉ là một tấm bạt và 2 cột chống, dây buộc bốn góc, chỗ ngủ có thể là đệm rơm hoặc “giường tự chế” có chôn 4 cọc gỗ, dát giường là các cây, que kiếm quanh đó.

Ở lưng một vạt dốc, cách lều của anh Vần không xa là khu tập trung của 7 gia đình đến từ xã Sa Pả, họ vừa chăn thả trâu, vừa có nghề phụ là phơi, xay sắn. Năm nào những hộ này cũng chuyển trâu tới đây từ khá sớm, nếu chỉ có chăn trâu thì quá lãng phí nhân lực và họ đã mượn, thuê đất để trồng sắn từ cách đây vài tháng.

Cũng may là mùa tránh rét lại trùng với vụ thu hoạch sắn, vậy nên hầu hết đi theo đàn trâu là thành viên của cả gia đình. Thông thường, những gia đình thân tộc hoặc cùng thôn, bản sẽ ở chung một khu vực, cùng chăn thả trâu, cùng lao động. Cảnh xa nhà nên họ càng đoàn kết hơn trong mọi công việc, nhất là việc đảm bảo an ninh trật tự cho mình.

Anh Lò Díu Vần tâm sự rằng, cảnh sinh hoạt tạm giữa đồi núi, thiếu đủ thứ nên rất vất vả. Nhưng đó là cách bảo vệ “đầu cơ nghiệp” tốt nhất. Mới chớm vụ rét đã có trâu chết nên các hộ càng lo lắng mà di chuyển đàn trâu sớm hơn.

Để di chuyển đàn trâu xuống vùng thấp không hề dễ, theo anh Vần, chuyển trâu đi xa nhà rất tốn kém, gây xáo trộn trong sinh hoạt gia đình và điều đáng lo nhất là hoạt động tái sản xuất tại gia đình bị ngừng trệ. Đi theo anh Vần là vợ và gia đình mấy người anh em, họ hàng, nhà nào cũng chỉ để một người lớn ở lại trông nhà, trong khi chính người này cũng liên tục phải di chuyển bằng xe máy để tiếp phẩm, chuyển các vật dụng cần thiết.

Vấn đề các hộ lo lắng nhất là an ninh trật tự, gần đường nên “đầu cơ nghiệp” có thể bị kẻ gian bắt trộm bất cứ lúc nào. Vậy là ban ngày người đi chăn đã không thể lơ là, đêm đến mọi người cắt cử nhau thức đêm canh gác và đốt lửa cho đàn trâu trong những ngày nhiệt độ xuống quá thấp.

Thời tiết mỗi năm lại phức tạp hơn, những kinh nghiệm dân gian không còn mấy tác dụng, trong khi mỗi lần lùa trâu đi tránh rét cần nhiều thời gian, nên hầu hết các hộ dân Sa Pa đã định cư cùng đàn trâu trong cả mùa đông ở vùng thấp. Để tạo điều kiện cho người dân địa phương, UBND huyện Sa Pa đã gửi công văn đề nghị huyện Bát Xát phối hợp giúp đỡ đồng bào Sa Pa.

Hiện các cơ quan chuyên môn của huyện Bát Xát, chính quyền xã Tòng Sành, Cốc San (Bát Xát) liên tục cử cán bộ nắm tình hình, hỗ trợ và tuyên truyền cho những hộ dân huyện Sa Pa đang có mặt trên địa bàn thực hiện biện pháp đảm bảo an ninh, kiểm soát dịch bệnh và sẵn sàng ứng phó với mọi tình có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Viết Hợp, Chủ tịch UBND xã Cốc San (Bát Xát) cho biết: Hiện, gia súc “tạm trú” trên địa bàn xã chủ yếu đến từ xã Trung Chải, Sa Pả, số lượng khoảng 100 con. Đến nay, chưa phát hiện gia súc di cư bị chết rét, dịch bệnh và cũng chưa có vụ việc nào liên quan đến mất an ninh trật tự.

Chúng tôi nán lại lưng đèo Quốc lộ 4D khi trời đã nhá nhem tối. Những người đàn ông khỏe mạnh bắt đầu lùa đàn trâu về bãi nghỉ, trong khi một số phụ nữ vội vàng thu sắn vào bao.

Chị Lò Thị Sú, xã Sa Pả chia sẻ: Đi tránh rét cho trâu vất vả lắm, nhưng trong khó khăn mới thấy mọi người đoàn kết, giúp đỡ và yêu mến nhau nhiều hơn. Trâu là tài sản lớn, là sức kéo, là niềm hy vọng về sự sinh sôi, phát triển của nhiều gia đình vùng cao. Bởi vậy mà nhiều người coi việc bảo vệ gia súc cũng giống như bảo vệ một phần cơ thể của mình vậy.


Có thể bạn quan tâm

Tái Cơ Cấu Ngành Thủy Sản Tiến Lên Hiện Đại Hóa Tái Cơ Cấu Ngành Thủy Sản Tiến Lên Hiện Đại Hóa

Từ chỗ toàn ngành chỉ XK được 11 triệu USD, không đủ cho việc nhập vật tư thiết bị cho SX trong nước, đến nay đã XK khoảng 6,5 tỷ USD; từ chỗ cả ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản chỉ cung cấp được 600.000 tấn thủy hải sản cho nhu cầu tiêu dùng nội địa, đến nay đã SX trên 3 triệu tấn.

18/07/2014
Thừa Thiên Huế Nuôi Trồng Thủy Sản Xen Ghép Lãi Cao Thừa Thiên Huế Nuôi Trồng Thủy Sản Xen Ghép Lãi Cao

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông lâm ngư (KNLN) Thừa Thiên Huế Bùi Thị Hải Yến cho biết, gần đây đơn vị thực hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản xen ghép mang lại hiệu quả khả quan. Mô hình nuôi tôm sú-rong câu trong ao nước lợ thực hiện thí điểm trong năm 2014 mang lại kết quả như mong đợi. Ưu điểm của mô hình là giãn khoảng cách vụ nuôi, tác động tương hỗ giữa thực vật (rong biển) và động vật (tôm) đến môi trường, hạn chế tối đa dịch bệnh và mang lại lợi nhuận cao.

05/12/2014
Khuyến Cáo Hàng Việt Nam Xuất Sang Mexico Khuyến Cáo Hàng Việt Nam Xuất Sang Mexico

Theo thông báo của Tổng cục Quản lý Vệ sinh, An toàn và Chất lượng Thực phẩm quốc gia (SENASICA) Mexico, kể từ ngày 29/7, hàng hóa của các nước có nguồn gốc động vật, thực vật và thủy sản, nhập khẩu vào Mexico phải tuân theo quy định mới về kiểm dịch.

18/07/2014
Tổ Yến Nhập Khẩu Đang Chiếm Lĩnh Thị Trường Tổ Yến Nhập Khẩu Đang Chiếm Lĩnh Thị Trường

Những người nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đang đau đầu vì sản phẩm của mình phải cạnh tranh với tổ yến nhập khẩu. Hiện chưa có đánh giá cụ thể nào về tỷ lệ tổ yến nhập khẩu đang được bày bán trên thị trường nhưng điều nhìn thấy rõ nhất là giá tổ yến trong nước đã giảm gần 50%.

18/07/2014
Hiệu Quả Mô Hình Tôm Lúa Ven Cửa Sông Tiền Hiệu Quả Mô Hình Tôm Lúa Ven Cửa Sông Tiền

Để phát huy tốt tiềm năng đất đai - lao động, Tiền Giang đã định hình được vùng sản xuất theo mô hình tôm + lúa trên đất nhiễm mặn Phú Tân (huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang) nằm ven cửa Tiểu của hệ sông Tiền, qui mô 560 ha. Đây là mô hình mới, phù hợp với đặc thù vùng đất thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn mỗi năm từ 6 tháng đến 8 tháng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.

05/12/2014