Phú Thọ Hướng Phát Triển Bền Vững Cho Ngành Thủy Sản
Giáp Tết Nguyên đán, ông chú ở quê gọi điện bảo tôi: Gần Tết, chú tát ao, về quê chú gửi cho ít cá ăn Tết. Vừa mới định từ chối thì ông bảo: Bây giờ Tết thịt nhiều, có nồi canh cá chua để đổi món cho dễ ăn thì quá tuyệt. Tết này, chú lãi to nhờ cá đấy!
Nhiều loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao, chất lượng thịt ngon đang được nuôi thâm canh sẽ giúp cho người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn từ mặt hàng thủy sản. Thu hoạch cá diêu hồng ở xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ).
Quả thật, khoảng chục năm trở lại đây, những phiên chợ sát ngày Tết bên cạnh những quầy bán gà, thịt lợn thì mặt hàng thủy sản cũng được khá nhiều người ưu tiên lựa chọn để đổi món trong những bữa ăn ngày Tết. Những hàng cá ngon, mỗi con to từ 3 đến 6kg với các loại trắm đen, trắm cỏ, trôi… luôn đắt khách.
Vì vậy, nhiều hộ nuôi cá, nhất là những nhà có diện tích ao khoảng vài sào đã chuyển chuyên nuôi các loại cá, để bán vào dịp gần Tết, bán được giá cao hơn ngày thường.
Cá trắm đen là một trong những loại có giá trị kinh tế cao, giá bình quân hiện vào khoảng 80.000-100.000 đồng/kg ngày thường, tết 120.000 - 180.000 đồng/kg. Theo tính toán, cá giống khi thả có trọng lượng khoảng 0,6kg, có giá khoảng 60.000 đồng/con. Sau 1-2 năm nuôi đạt trọng lượng từ 4 - 4,5kg/con.
Với tỷ lệ sống của cá giống đạt khoảng 70% trở lên, nếu nuôi thâm canh tốt mỗi ha có thể cho thu đến 10 tấn; trừ các chi phí như giống, thức ăn công nghiệp, thức ăn bổ sung, thuốc chữa bệnh, công lao động… vẫn có lãi trên vài trăm triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Xuân Hùng, xã Sơn Dương, huyện Lâm Thao cho biết: Tổng diện tích thả cá trắm đen của nhà là 0,4ha, thả 2.000 con cá giống. Tỷ lệ sống đạt khoảng 70%.
Sau hơn một năm nuôi, thu được hơn 5 tấn cá thương phẩm. Tổng thu đạt gần 400 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 152 triệu đồng. Nhìn chung, nuôi cá trắm đen cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với các loại cá khác nhưng cũng cần vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn. Nếu ém để đến Tết mới thu bán thì chắc chắn sẽ được giá cao hơn.
Chị Nguyễn Việt Hà, một người nội trợ ở phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì cho hay: Ngày Tết, hầu như cả nhà đều thích món canh cá nấu chua nên phiên chợ cuối cùng trong năm bao giờ tôi cũng phải mua sẵn 1, 2 con cá.
Tuy nhiên, nếu ngày thường giá cá trắm đen vào khoảng 80.000 – 100.000 đồng/kg thì ngày Tết phải 130.000- 150.000 đồng/kg; cá trắm cỏ, cá trôi (loại từ 2,5kg/con trở lên) từ khoảng 50.000 đồng/kg cũng lên đến 70.000 – 75.000 đồng/kg khiến người tiêu dùng như chúng tôi nhiều khi cũng phải đắn đo mỗi khi muốn mua sắm.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản, năm 2014, tổng diện tích nuôi đạt xấp xỉ 10.000ha, trong đó có hơn 1.400ha nuôi thâm canh; sản lượng thủy sản toàn tỉnh ước đạt trên 27.300 tấn (sản lượng nuôi đạt khoảng 25.200 tấn). Xu thế nuôi cá lồng với các loại cá có giá trị kinh tế cao như trắm cỏ, trắm đen, diêu hồng, lăng chấm… ngày càng được nhân rộng.
Hiện cả tỉnh có trên 600 lồng cá chủ yếu nuôi trắm đen, lăng, quả với năng suất bình quân khoảng 5 tấn/lồng/năm. Nhu cầu về thủy sản ngày càng tăng cao cả trong và ngoài tỉnh là lợi thế để ngành thủy sản Phú Thọ có thể khai thác hết tiềm năng lợi thế nuôi cung cấp sản phẩm cho thị trường.
Diện tích thâm canh được mở rộng năng suất và sản lượng đều tăng đã góp phần giúp giá cá thương phẩm ở mức ổn định, không quá cao tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận với một số loại cá ngon mà trước kia họ chưa dám nghĩ đến.
Tuy nhiên, để cả người nuôi và người tiêu dùng cùng được lợi thì người nuôi thủy sản hiện nay cần phải chuyển sang hướng sản xuất an toàn, theo các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là việc sử dụng thuốc và thời gian thu hoạch hợp lý. Chi cục Thủy sản đang có kế hoạch phối hợp với các địa phương phát triển mạnh về thủy sản để xây dựng chuỗi cửa hàng giới thiệu thủy sản an toàn tại một số địa phương trong và ngoài tỉnh.
Tại các chuỗi cửa hàng đó, người mua có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm mình mua từ chủ nuôi, địa chỉ, thời gian thả, loại thức ăn, thời gian sử dụng thuốc, thời gian cách ly, thu hoạch… tạo được sự tín nhiệm và yên tâm. Bên cạnh đó, người nuôi cũng cần và nên thành lập các tổ chức như HTX, hiệp hội để có thể xây dựng kế hoạch và điều tiết thời gian thu hoạch cho các hộ, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, phòng chống dịch bệnh; chống lại sự ép giá của tư thương…
Mục tiêu mang cá ngon đến với bữa cơm của mọi nhà, không chỉ ngày Tết mà cả trong cuộc sống thường ngày đã và đang được người nuôi thủy sản dần hiện thực hóa dù vẫn còn khá nhiều khó khăn phía trước. Song, những manh nha thời gian qua là tiền đề cơ bản để tiếp tục khai thác lợi thế và tiềm năng to lớn, biến những ước mơ làm giàu trở thành hiện thực.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù không nằm trong vùng quy hoạch của tỉnh Cà Mau, nhưng thời gian qua diện tích nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Thới Bình phát triển nhanh cả về quy mô và diện tích. Huyện Thới Bình đã trình UBND tỉnh đưa nuôi tôm công nghiệp vào quy hoạch để thuận lợi trong quản lý và phát triển.
Vào ngày cuối cùng của năm, 31/12/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 101/NQ-CP thống nhất chưa thực hiện các quy định tại điểm b và điểm c Khoản 3 Điều 6 của Nghị định số 36/2014/NĐ-CP (NĐ 36) với sản phẩm cá tra philê XK là: phải đảm bảo hàm lượng nước tối đa không được vượt quá 83% so với khối lượng tịnh và tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng phải phù hợp với quy định của nước nhập khẩu, các trường hợp khác tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10% đến hết ngày 31/12/2015.
Giá dầu giảm sâu, giá hải sản giữ ổn định là động lực, niềm vui lớn để ngư dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đưa tàu vươn khơi bám biển. Với những điều kiện thuận lợi trên, ngành nông nghiệp dự báo khai thác thủy sản sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng trong thời gian tới.
Năm 2015, HTX tiếp tục chăm lo lợi ích, nâng cao lợi nhuận cho thành viên và đề ra chỉ tiêu kết nạp thêm 10 hộ thành viên mới, huy động thêm vốn điều lệ từ 900 triệu lên 1 tỉ đồng, mua bảo hiểm cho 90% người tham gia HTX, sản xuất cá thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 2.000 tấn, có 100% thành viên được học tập kỹ thuật nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP, phấn đấu lợi nhuận chung của HTX lên 4 tỉ đồng…
Đây cũng là chợ cung cấp thủy, hải sản lớn nhất thế giới. Sản lượng cung cấp mỗi ngày lên tới 1.800 tấn, trong đó cung cấp khoảng 480 loại thủy, hải sản đến từ khắp nơi trên thế giới. Tsukiji Market cũng là nơi tập hợp tất cả các sản phẩm thủy, hải sản có chất lượng cao từ khắp nơi trên thế giới.