Xuất Khẩu Cá Da Trơn Vào Châu Âu Cần Giảm Bớt Trung Gian

Một trong những mục tiêu của ngành Thuỷ sản Việt Nam là giảm bớt các khâu trung gian khi xuất khẩu hàng hoá sang châu Âu.
Tuy nhiên, để xuất khẩu trực tiếp vào các siêu thị châu Âu, có thể nói là chưa doanh nghiệp Việt Nam nào đủ khả năng. Lý do là do nhiều công đoạn, trong đó có nhãn mác và tiếp thị vẫn phải cần tới các tập đoàn chế biến và phân phối thuỷ sản của nước ngoài.
Trong một siêu thị tại châu Âu, chắc chắn người tiêu dùng sẽ tìm thấy các sản phẩm thuỷ sản Việt Nam như: thăn cá basa và thăn cá tra… nhưng tất cả lại đều mang thương hiệu của những tập đoàn phân phối thuỷ sản châu Âu. Tuy nhiên, nếu tìm kĩ người mua vẫn sẽ thấy dòng chữ “có nguồn gốc Việt Nam”.
Cá Việt Nam trước khi đến được siêu thị thường đã phải qua rất nhiều khâu trung gian. Hậu quả là hàng hoá tuy được bán với giá cao tại châu Âu, nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp Việt Nam không còn mấy.
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cho biết: “Từ trước đến giờ, khách hàng của Việt Nam chủ yếu là các nhà nhập khẩu châu Âu, nhưng quyền lợi của nhà nhập khẩu không gắn với chất lượng của con cá, mà gắn với giá là chính.
Vì vậy, nếu các nhà nhập khẩu châu Âu chạy theo giá thấp cũng khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải chạy theo. Bây giờ khách hàng chính của các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi, đó phải là những người phân phối cuối cùng, tức các hệ thống siêu thị lớn, các hệ thống bán lẻ châu Âu - những hệ thống này ở châu Âu rất phát triển”.
Điểm yếu của các nhà xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam là khâu tiếp thị bán hàng. Phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản không quan tâm nhiều đến thói quen của người tiêu dùng cuối ở châu Âu.
Người tiêu dùng cuối châu Âu thích mua con cá được đóng gói ra sao? Họ thường chế biến cá như thế nào? - những chi tiết quan trọng này thường được các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam giao phó cho các công ty trung gian của nước ngoài. Vì vậy, lợi nhuận bị san sẻ rất nhiều cho khâu này.
“Tôi nghĩ rằng đầu tư cho tiếp thị còn quan trọng hơn cả tăng sản lượng. Các nhà sản xuất cần phải biết ai là người sẽ ăn con cá của mình, họ muốn gì ở sản phẩm? Ngoài ra, cũng cần phải làm sao để nhà phân phối bán lẻ giúp tiếp thị tốt hơn và từ đó bán sản phẩm với giá cao hơn. Thật đáng tiếc nếu như Việt Nam đầu tư nhiều cho chất lượng, thế nhưng giá bán sản phẩm vẫn cứ thấp”, bà Sabine Gisch-Boie - WWF Cộng hòa Áo nói.
Khác với ở Mỹ, tại châu Âu không nuôi nhiều cá da trơn, cho nên không có những rào cản kỹ thuật hay sức ép lobby (vận động hành lang) từ phía những Hiệp hội sản xuất thuỷ sản châu Âu chống lại cá đến từ Việt Nam. Xuất khẩu cá tra, cá basa vào châu Âu do vậy thuận lợi hơn nhiều.
Vấn đề chỉ còn là thuyết phục khách hàng châu Âu về một sản phẩm chất lượng, ngon và rẻ, dễ chế biến cho bữa ăn trong gia đình. Người tiêu dùng cuối ở châu Âu đang là đối tượng mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm trong lúc này.
Có thể bạn quan tâm

Xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) có tổng diện tích 200 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 106 ha nuôi công nghiệp và 94 ha vùng ngoại đê. Đối với diện tích vùng ngoại đê, UBND xã Hoằng Phụ chỉ đạo chủ ao đầm nuôi đa con, đa canh và đa thời vụ, trong đó tôm sú, cua là đối tượng chính, đồng thời mở rộng diện tích nuôi bán thâm canh các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm he chân trắng, vẹm, ngao...

Theo tin từ Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản, đợt mưa lớn kéo dài trong các ngày từ 26 đến 28/7 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Doanh nghiệp tư nhân Thịnh Long đang đầu tư mở rộng từ 2.000 mét vuông tăng lên 3.000 mét vuông diện tích mặt nước nuôi cá nước lạnh ở Quảng Thừa, Đà Lạt, dự kiến đạt tổng sản lượng trên dưới 10 tấn/năm, trong đó chiếm 70% cá tầm và 30% cá hồi. Sau 4 năm (2006 - 2010) phát triển hiệu quả nghề nuôi cá nước lạnh, từ quy mô hộ gia đình đã vươn lên thành quy mô Doanh nghiệp tư nhân Thịnh Long với lợi nhuận thu về ổn định hàng năm trên dưới 100 triệu đồng/1.000 mét vuông.

Đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa hướng tới mục tiêu khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lợi cá ngừ đại dương, hài hòa lợi ích cho các bên tham gia. Qua gần một năm triển khai, các chuỗi liên kết này đã đi vào hoạt động nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.

Ngày 29-7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, dịch bệnh trên tôm xảy ra ở nhiều hồ nuôi của các hộ gia đình ở 12 xã, phường, thuộc năm huyện, thành phố trên địa bàn, với diện tích nhiễm bệnh hơn 200 ha.