Phù Ninh Tập Trung Đầu Tư Phát Triển Sản Xuất Và Xây Dựng Kết Cấu Hạ Tầng Nông Thôn
Những năm qua hưởng ứng cuộc vận động “cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” (NTM) huyện Phù Ninh đã tích cực triển khai thực hiện ở 18/18 xã, ưu tiên bố trí các nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Trong phát triển sản xuất, hầu hết các địa phương đã áp dụng cơ giới hóa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, tăng diện tích lúa lai, lúa SRI, đảm bảo làm tốt các dịch vụ cung ứng giống, vật tư, phân bón, thủy lợi; phát hiện và phòng chống kịp thời các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi từ đó góp phần tăng năng suất, sản lượng. Nhiều mô hình áp dụng các tiến bộ KHKT đạt kết quả tốt như: Trồng cà chua trái vụ theo công nghệ mới, trồng ngô mật độ dày, trồng lúa chất lượng cao, nuôi cá thâm canh, nuôi gà an toàn sinh học, sử dụng men vi sinh xử lý chất thải…
Để nâng cao hiệu quả sản xuất huyện Phù Ninh còn thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm bao gồm sản xuất lương thực, phát triển cây chè, trồng rừng sản xuất, chăn nuôi bò, lợn với tổng vốn hỗ trợ trong 3 năm gần 10,5 tỷ đồng.
Ngoài ra còn khuyến khích phát triển cây ăn quả, thủy sản và nông nghiệp cận đô thị; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; hỗ trợ phân bón, giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, khuyến nông, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ rừng...
Hộ ông Nguyễn Văn Thu ở khu 9, xã Phù Ninh đầu tư mở rộng quy mô vườn ươm cây giống, cung cấp cho thị trường 100 vạn cây giống/năm, thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm. Từ nguồn thu ổn định, gia đình đã đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng NTM ở địa phương.
Cùng với hỗ trợ sản xuất huyện còn huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, phát triển mạng lưới giao thông, nâng cấp các công trình thủy lợi, trường học, y tế, văn hóa, thể thao... với tổng mức đầu tư đến nay đạt hơn 220 tỷ đồng.
Các xã trong huyện đã huy động người dân tham gia quản lý, giám sát thi công các công trình xây dựng trên địa bàn, chủ động chỉnh trang nhà cửa, cổng, vườn, đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, vệ sinh môi trường...
Nhiều nơi nhân dân đã tích cực góp công, góp sức, hiến đất để thực hiện dự án phát triển sản xuất, giao thông, thủy lợi... Điển hình như các xã: An Đạo, Phú Nham, Gia Thanh, Liên Hoa... Từ năm 2012 đến nay, huyện Phù Ninh đã có 1.449 hộ hiến 132.000m2 đất và tài sản để làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa khu dân cư, với tổng trị giá khoảng 15 tỷ đồng.
Ông Đặng Duy Quang - Bí thư Đảng ủy xã Liên Hoa cho biết: “Mặc dù thực tế địa phương còn nhiều khó khăn song trong quá trình nâng cấp, mở rộng đường giao thông hay xây dựng các công trình công cộng, người dân Liên Hoa đều sẵn sàng đóng góp kinh phí và hiến đất, hoa màu để xây dựng công trình, nhất là đường giao thông. Đến nay xã chúng tôi đã thực hiện đạt 11 tiêu chí nông thôn mới, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc so với trước”.
Tính đến nay huyện Phù Ninh đã có 4 xã đạt từ 13-16 tiêu chí là An Đạo, Phù Ninh, Tiên Du, Phú Lộc trong đó xã An Đạo cơ bản đạt xã NTM; 10 xã đạt từ 10-12 tiêu chí, còn lại đạt từ 7-9 tiêu chí. Có được kết quả trên là nhờ sự tích cực vào cuộc của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân huyện Phù Ninh trong suốt quá trình triển khai và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong đó phải kể đến vai trò của Ủy ban MTTQ huyện đã phát động và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới.
Các tổ chức đoàn thể: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới cho các đoàn viên, hội viên, tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm, tổ chức các chương trình hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn: Tu sửa đường giao thông, thu gom rác thải, trồng cây xanh...
Ngoài ra các tổ chức đoàn thể còn phối hợp tổ chức tập huấn, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, giúp vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho các hộ. Đặc biệt phong trào tương trợ giúp nhau làm kinh tế, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, mái ấm tình thương ở Phù Ninh thời gian qua được đa số nhân dân hưởng ứng, kết quả bước đầu đã giúp nhau bằng tiền 886 triệu đồng, 2.466 ngày công, 9.800 kg lương thực, 66.100 cây giống các loại cho 1.126 hộ ở các xã.
Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động và có lộ trình thực hiện cụ thể nên đến nay ở Phù Ninh đã tạo chuyển biến tích cực trong cách nghĩ, nếp làm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; khắc phục dần tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước trong xây dựng NTM.
Phát huy những kết quả đạt được, huyện Phù Ninh đang phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 4 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đạt từ 9-14 tiêu chí.
Có thể bạn quan tâm
Những tháng đầu năm 2015, cá tra, tôm là hai mặt hàng XK chủ lực của ngành thủy sản đều sút giảm về kim ngạch. Theo dự báo, dần về cuối năm, XK thủy sản có khả năng khởi sắc.
“Trồng cây gì, nuôi con gì” là câu hỏi quan trọng nhất, thường xuyên nhất, đau đầu nhất với người làm công tác quy hoạch, chính sách.
Với hy vọng đổi đời, người dân xã biển bãi ngang Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đổ xô nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhưng với cách nuôi tự phát, thiếu kỹ thuật nên sau nhiều vụ nuôi thất bại, phải ôm nợ hàng trăm tỷ đồng…
Gần 1 tháng trở lại đây, nông dân Quảng Trị vào mùa thu hoạch bơ với năng suất cao. Tuy nhiên, niềm vui không đến với họ trọn vẹn khi giá bơ năm nay thấp hơn những năm trước rất nhiều.
Mới đây, Bộ NNPTNT đã đưa ra kế hoạch sẽ “nâng cấp” vụ đông thành vụ sản xuất chính trong năm với mục tiêu sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn để nâng cao đời sống nông dân. Vậy vụ đông sẽ được phát triển ra sao?