Phong Điền (Thừa Thiên Huế) Hướng Tới Vùng Nuôi Trồng Thủy Sản Bền Vững

Liên tiếp trong nhiều năm, Phong Điền (Thừa Thiên Huế) được xem là địa phương có tỷ lệ người nuôi tôm "trúng" lớn. Đó là nhờ Phong Điền đã chủ động, linh hoạt trong đầu tư, sắp xếp, quy hoạch nuôi trồng thủy sản một cách hợp lý, hướng đến vùng nuôi tôm bền vững...
Có thời điểm do đầu tư, quy hoạch thiếu đồng bộ, người dân ồ ạt nuôi trồng thủy sản, nhưng thiếu cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng dẫn đến thua lỗ. Dịch bệnh xảy ra, làm người nuôi tôm lao đao, nợ nần chồng chất. Nguyên nhân do phát triển một cách ồ ạt, không qua quy hoạch; hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung không có làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Ông Nguyễn Đại Vui, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền nhớ lại: Lúc đó, huyện có 194 ha tôm thẻ chân trắng thì có đến 75 ha bị dịch bệnh. Nếu tình trạng ô nhiễm kéo dài sẽ làm mặn hoá toàn bộ nước ngầm, dẫn đến toàn bộ vùng cát của huyện sẽ bị sa mạc hoá hoàn toàn.
Anh Nguyễn Huy, một trong những hộ nuôi tôm có kinh nghiệm ở xã Điền Hương cho biết, để nuôi tôm đạt kết quả một trong những yếu tố hết sức quan trọng đó là nguồn nước hồ nuôi. Muốn nguồn nước không bị ô nhiễm, cần xử lý thật kỹ nguồn nước trước khi thả nuôi.
Ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: Trước thực trạng người nuôi tôm bị thiệt hại nghiêm trọng, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt về nguồn giống, xử lý triệt để nguồn nước thải, nên đã ngăn chặn được những rủi ro cho người nuôi tôm. Trên cơ sở xác định quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản trên cát, huyện đã triển khai quy hoạch, xây dựng các hạ tầng cấp nước mặn, nước ngọt, với các đường ống dẫn nước khép kín, kênh thoát nước tự nhiên, hệ thống cây xanh, điện lưới...
Đồng thời, thực hiện đa dạng hoá đối tượng nuôi, nuôi tôm sú và tôm chân trắng phải cách ly hạn chế lây lan mầm bệnh khi có dịch. Thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật nuôi thuỷ sản thâm canh và bán thâm canh… Quản lý giống, kiểm dịch và chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp người dân nuôi tôm hiệu quả theo hướng bền vững. Tuyệt đối, không sử dụng nước ngầm để nuôi trồng thuỷ sản trên cát.
Trồng cây xanh ngoài khu vực ao nuôi nhằm hạn chế rủi ro do cát bay, xói lở, điều hoà khí hậu, tạo cảnh quan tự nhiên. Xây dựng các tổ hợp tác, doanh nghiệp để quản lý vùng nuôi, quy mô một vùng tập trung; có chính sách nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất. Cơ chế cho vay vốn sản xuất gắn liền với trách nhiệm của hộ nuôi về tuân thủ mùa vụ, quy trình kỹ thuật…
Chính sách hỗ trợ các hộ, nhóm hộ nuôi tôm trong việc đầu tư xây dựng ao xử lý nước thải được huyện triển khai hiệu quả. Bình quân 10 ha, xây dựng 1 ha ao hồ xử lý nước thải với kinh phí khoảng 300 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 30%... Với cơ chế thông thoáng trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh sẵn có của huyện, nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn trong và ngoài nước đã đến Phong Điền để đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản hiệu quả.
Xã Phong Hải nuôi khoảng 60 ha, trong đó Công ty Đông Phương 5 ha, còn lại của người dân. Vụ nuôi vừa qua, trên 80% hộ có lãi từ vài trăm triệu đến trên 1 tỷ đồng. Điền Lộc cũng là địa phương nuôi tôm trên cát lớn, với diện tích 70 ha tập trung hai thôn Mỹ Hòa và Tân Hội. Vụ nuôi vừa rồi có trên 50% nhóm hộ lãi từ 400 triệu đến 600 triệu đồng/1 hồ...
Quy hoạch đến năm 2020, huyện Phong Điền khai thác tiềm năng vùng cát đưa vào nuôi tôm với diện tích 900ha. Ngoài quan tâm chất lượng giống, thị trường tiêu thụ sản phẩm, huyện tiếp tục đầu tư quy hoạch ao chứa nước thải, hệ thống xử lý môi trường... đảm bảo hạn chế tối đa dịch bệnh, mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Chỉ tính từ năm 2006 đến 2014 và kế hoạch 2015, Phong Điền đầu tư hơn 63 tỷ đồng cho việc xây dựng hạ tầng nuôi trồng thủy sản; xử lý, nạo vét 47,54 ha ao hồ tập trung...
Nguồn bài viết: http://www.baothuathienhue.vn/?gd=1&cn=375&newsid=2-18-51427
Có thể bạn quan tâm

Các nhà NK tôm ở Châu Âu và Mỹ đang giảm NK và chờ giá giảm thêm trừ một số bắt buộc phải nhập để đáp ứng các đơn đặt hàng.

Việc chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc vẫn luôn là một nỗi quan tâm lớn của các cấp chính quyền địa phương. Đa phần cuộc sống đồng bào dân tộc còn khó khăn, trong đó nhiều hộ thiếu ý thức vươn lên, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Song, một thực tế phải nhìn nhận là có rất nhiều người dân tộc đầy nghị lực, vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng.

Mô hình nhân rộng nuôi cá hệ VAC ở xã Thanh Yên, huyện Điện Biên là một trong những mô hình khuyến nông điển hình giúp người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập.

Mường Ảng là 1 trong 4 huyện khó khăn nhất tỉnh, đã và đang được thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ. Huyện Mường Ảng hiện có 9 xã và 1 thị trấn, trong đó 8 xã đặc biệt khó khăn (vùng III); 1 xã vùng II; thị trấn Mường Ảng (vùng I).

Nếu 60 năm trước, cả dân tộc góp gạo cho chiến dịch Điện Biên Phủ để nuôi quân đánh giặc và sau giải phóng Điện Biên, hàng năm, người dân khu vực lòng chảo Điện Biên vẫn được nhận gạo cứu đói của Nhà nước; thì nay, cánh đồng Mường Thanh đã làm ra đủ gạo cho khu vực lòng chảo Điện Biên và chất lượng gạo xếp ngang hàng với gạo Tám xoan Hải Hậu (Nam Định) và được nhiều khách du lịch chọn làm quà sau những ngày có mặt ở Điện Biên.