Phong Châu Phát Huy Nội Lực Xây Dựng Nông Thôn Mới
Được chọn làm xã điểm chỉ đạo của tỉnh về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay xã Phong Châu (Trùng Khánh) đã tạo được bước chuyển biến rõ riệt trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân địa phương.
Công tác xây dựng quy hoạch, đề án xây dựng NTM được đơn vị tư vấn thiết kế lập phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương. Sau đó, xã tổ chức lấy ý kiến đối với từng xóm để hoàn thiện quy hoạch, đề án. Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về Chương trình, Đảng ủy, UBND, các tổ chức đoàn thể xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, từ đó nhân dân hiểu rõ mục đích ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng NTM.
Xã khảo sát tại 12 xóm, lập nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình; nội dung công việc cần thực hiện. Xác định rõ các tiêu chí do Nhà nước đầu tư thực hiện, các tiêu chí Nhà nước và nhân dân cùng làm, tiêu chí do nhân dân thực hiện để xây dựng kế hoạch triển khai. Phát động phong trào Thi đua xây dựng NTM giữa các xóm, trong đó có một số nội dung nhân dân trực tiếp làm, khắc phục tư tưởng trông chờ sự đầu tư của Nhà nước.
Ban Chỉ đạo Chương trình xã giao các tổ chức đoàn thể hướng dẫn hộ nghèo vay vốn Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đầu tư phát triển chăn nuôi. Được Nhà nước hỗ trợ 120 triệu đồng, xã đầu tư mua 3 máy cày, thành lập tổ hợp tác gồm 5 thành viên cày ruộng dịch vụ với giá rẻ cho người dân có nhu cầu. Thông qua các dự án, chương trình phát triển kinh tế do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ, xã đầu tư 150 triệu đồng mua máy móc phục vụ sản xuất và thành lập tổ hợp tác xã đan lát ở xóm Tân Phong.
Tập trung phát triển trên 200 ha rừng sản xuất ở 4 xóm: Phia Bó, Cô Mây, Nà Mằn, Bản Piên. Gia đình anh Nông Văn Tuấn, xóm Bản Piên đã thu được 160 triệu đồng từ bán gỗ thông. Gia đình 2 ông: Hoàng Văn Tâm, Hoàng Văn Soòng, xóm Bản Piên cho doanh nghiệp khai thác nhựa thông, thu trên 10 triệu đồng/năm. Thành lập Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản ở hồ Bản Viết, giải quyết việc làm cho 40 lao động ở 2 xóm Tân Phong, Bản Viết.
Xây dựng NTM đã làm diện mạo nông thôn ở xã Phong Châu thay đổi. Đến nay, 100 hộ dân của xã được sử dụng điện lưới. Toàn xã có 7 tuyến mương được xây dựng kiên cố, đảm bảo nước tưới cho 150 ha đất sản xuất. Xã mời đơn vị tư vấn, thiết kế khảo sát, thiết kế xong 30 km đường nội đồng, trong đó, nhân dân hiến 700 m2 đất. Các tuyến đường liên xóm cơ bản được bê tông hóa, giúp nhân dân đi lại thuận tiện. Toàn xã còn 4,7% hộ nghèo.
Qua 2 năm xây dựng NTM (2011 - 2013), xã hoàn thành 8/19 tiêu chí. Đối với 11 tiêu chí chưa hoàn thành, xã xây dựng kế hoạch với nội dung chi tiết, cụ thể. Phấn đấu từ năm 2013 - 2015, hoàn thành thêm các tiêu chí xây dựng NTM, gồm: Giao thông, trường học, chợ nông thôn, bưu điện văn hóa xã, nhà văn hóa xóm có Internet, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, văn hóa, hệ thống chính trị vững mạnh. Phấn đấu đến năm 2015, toàn xã không còn hộ nghèo, 100% hộ dân có nhà khang trang, không còn nhà dột nát.
Đồng chí Nông Thế Thuần, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Châu cho biết: Hiện nay, xã có 4 tiêu chí khó thực hiện nhất, đó là: Môi trường, thu nhập bình quân đầu người gấp 1,2 lần so với bình quân chung của tỉnh, tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp chiếm 45% tổng số lao động, 100 xóm có nhà văn hóa và khu thể thao.
Để thực hiện 4 tiêu chí này, trước mắt xã Phong Châu tổ chức cho cán bộ, đảng viên gương mẫu đăng ký chuyển chuồng trâu, bò ra khỏi gầm sàn, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Sau đó, cán bộ, đảng viên tuyên truyền, vận động nhân dân làm theo. Chỉ đạo các xóm huy động nhân dân góp tiền mua đất trước sân nhà văn hóa, xây dựng thành sân chơi thể thao...
Có thể bạn quan tâm
Những ngày này, trên cánh đồng đậu nành (ĐN) 51 ha của xã Trường An (TP Vĩnh Long), nông dân đang dồn sức thu hoạch. Tất bật nhưng ai cũng vui bởi vụ ĐN năm nay không chỉ được mùa mà còn được giá.
Theo định hướng phát triển ngành mía đường ĐBSCL đến năm 2020, các tỉnh này sẽ mở rộng diện tích vùng mía nguyên liệu rộng khoảng 60.000 ha, tập trung tại Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, tăng 8.000 ha so thời điểm hiện tại.
Tiền Giang là địa phương có vùng chuyên canh sơ ri lớn với diện tích đất trồng khoảng 300 hecta, tập trung chủ yếu ở vùng đất nhiễm mặn thuộc huyện Gò Công Đông và thị xã Gò Công. Hơn 3 năm qua, đầu ra cây sơ ri được ổn định, có giá cao, người trồng sơ ri lãi gấp 3 lần trồng lúa.
Khi cấy, gốc và rễ mạ bị dúi sâu 3-5 cm trong bùn đất do vậy cây lúa lâu hồi xanh, đẻ nhánh muộn và hay bị bệnh nghẹt rễ làm giảm năng suất, tăng chi phí phân bón, kéo dài thời gian sinh trưởng. Ném mạ trong phương pháp gieo mạ ném bằng khay nhựa khắc phục được những nhược điểm này.
Huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau có 17 hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu, thu hút 1300 lao động, hiện có 11 HTX tan rã. Sau gần 2 năm thành lập, mặc dù đây là mô hình có hiệu quả kinh tế, xã hội hóa tốt, nhưng do các HTX ở lĩnh vực này còn chưa tạo được sự liên kết, vẫn thường xuyên tranh giành lợi nhuận và mạnh ai nấy làm dẫn tới không tạo được uy tín, thương hiệu cho nghề nuôi nghêu.