Nuôi Cá Lóc Mùa Lũ Cho Hiệu Quả Cao Ở Tiền Giang
Nhiều năm qua, phong trào nuôi cá lóc mùa lũ ở xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang thu được nhiều kết quả khả quan, được bà con nông dân ngày một nhân rộng. Mô hình này khá đơn giản, không cần nhiều diện tích, tận dụng thức ăn sẵn có trong mùa lũ, chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao. Đặc biệt, mô hình đã giải quyết việc làm lúc nông nhàn cho bà con mùa lũ.
Tân Hòa Tây trong những ngày nước lũ lên, không khí chộn rộn hơn bao giờ hết. Nhiều nông dân trồng lúa đua nhau ra đồng đặt dớn, giăng lưới, kéo cá đồng về cho cá lóc ăn. Dưới kinh, vèo nuôi cá lóc đặt san sát nhau.
Khởi điểm của mô hình này là ông Bùi Văn Chỉnh ở ấp Tân Hưng Tây. Năm 1995, sau khi tham quan ở tỉnh Đồng Tháp, ông quyết định đầu tư nuôi 500 con cá lóc đầu vuông trong mùa lũ.
Kết thúc vụ mùa, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi trên 8 triệu đồng. Hiện nay, ông đang nuôi 1.000 con cá lóc đầu vuông và đang giai đoạn lớn nhanh.
Theo ông, cá lóc tương đối dễ nuôi, ít bệnh , có thể tận dụng diện tích mặt nước xung quanh nhà và các phụ phẩm khác để nuôi. Nếu diện tích khoảng 3 m2, có thể nuôi từ 500 - 1.000 con cá lóc đầu vuông.
“Chi phí chỉ có tiền giống 400 đồng/con, tiền lưới làm vèo nuôi 200 ngàn đồng, tiền thuốc cho cá 100 ngàn đồng; còn thức ăn cho cá thì tận dụng phụ phẩm kiếm được trong mùa lũ như: cá sặt, cá rô, ốc bươu vàng… Sau 3,5 - 4 tháng nuôi, cá lóc có trọng lượng khoảng 800 gam đến 1 kg/con.
Giá cá lóc dao động từ 30 - 35 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí khoảng 2,3 triệu đồng, người nuôi còn lãi trên 10 triệu đồng” - ông Chỉnh nói. Chẳng những có kinh nghiệm nuôi, ông còn ép thành công cá lóc sinh sản, mỗi mùa cung cấp hàng ngàn con cá lóc giống cho bà con nông dân.
Thấy nhiều người nuôi có hiệu quả, ông Nguyễn Văn Quang, ấp Tân Hưng Phước cũng đầu tư nuôi cá lóc đầu vuông. Mùa lũ năm rồi, ông Quang lãi trên 12 triệu đồng/vèo nuôi 1.200 con cá. Năm nay do mực nước lũ nhỏ, thức ăn cho cá không nhiều nên ông chỉ nuôi 400 con. “Số lượng ít vậy đó chứ kiếm cũng được trên 5 triệu đồng tiền lãi” - ông Quang hy vọng.
Ông Lê Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hòa Tây cho biết, trên địa bàn xã, hàng năm khi vào mùa nước nổi người dân thường giăng lưới, bắt cá đồng, cá tạp với số lượng khá nhiều. Do vậy, một số hộ đã suy nghĩ tìm cách để tăng thu nhập cho gia đình bằng cách sử dụng nguồn cá tạp vào mô hình nuôi cá lóc trong vèo.
Ban đầu, toàn xã chỉ có 1 - 2 hộ nuôi, với 2 - 3 vèo lưới, nay tăng lên 52 hộ, với 75 vèo (mỗi vèo trung bình 700 con). Mỗi vụ, bà con thả nuôi 3,5 - 4 tháng là thu hoạch, lợi nhuận trên 10 triệu đồng/vèo nuôi.
Theo ông Tùng, thời gian qua, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện, Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức điểm trình diễn, nhiều cuộc hội thảo cho người nuôi cá lóc vùng lũ. “Thành công từ mô hình nuôi cá lóc mùa lũ ở Tân Hòa Tây đã góp phần tạo thêm một hướng mới cho nông dân trong những tháng nước lũ. Hiệu quả của mô hình này đã lan rộng sang các xã lân cận.
Điểm nổi bật của mô hình là đáp ứng được nhu cầu cải thiện cuộc sống của bà con nghèo có ít đất sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và giúp bà con nông dân vươn lên làm giàu” - ông Tùng cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Trong chương trình chuyển đổi từ vùng đất trồng lúa sang nuôi thuỷ sản, Nhà Bè là một trong những đơn vị đi đầu về những mô hình chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao. Song, tình hình nuôi thuỷ sản gặp nhiều khó khăn như nuôi tôm sú bị thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh.
Theo Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản tháng 2/2014 ước đạt 369,5 nghìn tấn (tăng 4% so với cùng kỳ 2013), trong đó sản lượng khai thác đạt 228,5 nghìn tấn (tăng 7,6%), sản lượng nuôi trồng đạt 141 nghìn tấn (đạt xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2013)
Trong những năm gần đây, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đã có nhiều chính sách đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản nhằm khai thác, sử dụng tốt tiềm năng, mặt nước, lao động và áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ trong nuôi trồng thủy sản.
Chúng tôi theo chiếc xuồng máy chở thức ăn, thăm các bè cá bớp ở bãi trước Mũi Né (Phan Thiết - Bình Thuận). Nước biển xanh trong và có phần ít sóng, và có lẽ chưa đến giờ cho cá ăn nên những người nuôi cá bè có phần thong thả. Một vài người thay vì ngồi trong các nhà lều nổi, ra đứng trên bè cá nhìn vào bờ.
Khai thác thủy sản bằng hình thức giã cào bay, giã cào điện ở vùng gần bờ đã tác động xấu đến môi trường sinh thái, làm giảm nguồn lợi thủy sản, gây nên sự tranh chấp ngư trường, ảnh hưởng xấu đến trật tự an ninh trên biển. Tuy nhiên, việc ngăn chặn kiểu đánh bắt này lại không dễ dàng.