Phát Triển Trồng Cây Đinh Lăng Dược Liệu Ở Hải Hậu
Huyện Hải Hậu (Nam Định) có 15.000ha đất nông nghiệp, trong đó 11.000ha đất trồng lúa, 4.000ha trồng màu và vườn tạp. Những năm qua, nhân dân trong huyện đã nỗ lực phát triển kinh tế, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh việc thâm canh 2 vụ lúa, huyện còn phát triển thế mạnh về cây cảnh, cây hoa, cây ăn quả và các loại cây màu, trong đó có cây dược liệu. Theo số liệu của Chi cục Thống kê huyện, hiện nay, trên địa bàn huyện có 457ha trồng cây dược liệu gồm: đinh lăng, diệp hạ châu, thìa canh, bạc hà, ngải cứu...
Với thế mạnh về phát triển cây dược liệu, Hải Hậu là 1 trong 2 huyện của tỉnh được chọn thực hiện Dự án “Phát triển các hoạt động thương mại sinh học trong lĩnh vực hợp chất tự nhiên tại Việt Nam” (BioTrade) ở nội dung: Phát triển dược liệu đinh lăng theo Hướng dẫn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).
Theo y học cổ truyền, cây đinh lăng là vị thuốc nam có tính năng chống dị ứng, giải độc thức ăn, chống mệt mỏi...; rễ và lá đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, chữa ho ra máu, kiết lỵ. Ngoài các tác dụng trên, những tính chất khác của đinh lăng gần giống như nhân sâm.
Cây đinh lăng đã được trồng rất nhiều năm trên đồng đất của huyện Hải Hậu và trong mười năm gần đây diện tích trồng đinh lăng ngày càng được mở rộng. Năm 2013, tất cả các xã trong huyện đều trồng cây đinh lăng với tổng diện tích khoảng 46,3ha, tập trung nhiều tại các xã Hải Ninh, Hải Quang, Hải Châu, Hải Giang, Hải Lộc, Hải Đông, Hải Hà...
Nhiều hộ tận dụng đất chuyển đổi, đất lúa kém hiệu quả sang trồng đinh lăng với quy mô 1.000-3.000m2, điển hình như hộ ông Lâm Văn Tinh xóm 10 xã Hải Hà trồng gần 10.000m2, hộ ông Nguyễn Văn Thích xóm 2 xã Hải Quang trồng trên 2.000m2…
Thu nhập từ trồng đinh lăng cũng ngày càng tăng lên. Đối với các hộ mới trồng đinh lăng, sau 2 năm sẽ cho thu hoạch, cứ 1 sào đinh lăng cho thu nhập 30-45 triệu đồng, trừ chi phí lãi 19-21 triệu đồng. Với giá bán như hiện nay là 23.000 đồng/kg, nhiều hộ trên địa bàn huyện đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây đinh lăng.
Để trồng và thu hái cây đinh lăng đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn của GACP-WHO, Viện Dược liệu và Cty CP Traphaco đã thường xuyên mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng và thu hái cây thuốc cho các hộ dân trồng đinh lăng trên địa bàn huyện.
Hiện, Cty CP Traphaco đang có quy hoạch cụ thể về vùng trồng đinh lăng ở Hải Hậu với mục tiêu nhằm phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách bền vững, tiến tới thực hiện mục tiêu cung cấp nguồn dược liệu lâu dài, đảm bảo về chất lượng, ổn định về số lượng cho các Cty dược liệu trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh những thành công trong phát triển cây dược liệu, nâng cao hiệu quả kinh tế, qua thực tế trồng cây dược liệu đinh lăng ở Hải Hậu vẫn còn những tồn tại: Do chưa có quy trình sản xuất cây dược liệu áp dụng chung trên địa bàn nên trong cùng một ruộng người dân trồng lẫn nhiều loại đinh lăng (giống lá nhỏ, lá trung, lá to), chủ yếu canh tác theo kinh nghiệm nên trong các khâu từ chọn giống, thời vụ trồng, chăm sóc, thu hái sản phẩm đều không tuân thủ thống nhất theo một quy trình dẫn đến năng suất, chất lượng giảm sút. Hơn nữa, thời gian gần đây, giá trị thương phẩm 1kg cây đinh lăng có tăng, nhưng vẫn tồn tại nguy cơ tiềm ẩn, như “được mùa rớt giá”, trồng ít thu cao, trồng nhiều không có người mua, tư thương ép giá.
Năm 2012, huyện Hải Hậu xuất ra thị trường từ 1.200-1.500 tấn sản phẩm đinh lăng tươi, Cty CP Traphaco thu mua một lượng rất nhỏ, còn chủ yếu xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Hiện, trên địa bàn huyện có khoảng 10 hộ thu mua mỗi năm khoảng trên 100 tấn và có nhiều hộ đầu tư lò sấy khô nhưng với quy mô nhỏ. Việc sản xuất, tiêu thụ cây đinh lăng trong thời gian qua chưa có kế hoạch, quy hoạch vùng, chưa có sự liên kết “4 nhà”.
Để phát triển đinh lăng dược liệu, thời gian tới huyện đề nghị Dự án Thương mại Sinh học tại Việt Nam, Viện Dược liệu, Cty CP Traphaco phối hợp với huyện xây dựng quy trình sản xuất từ khâu chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến cây đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP-WHO; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua, hỗ trợ xây dựng tổ hợp tác sản xuất, cơ sở sơ chế..., từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu cây đinh lăng Hải Hậu được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận. Trước mắt, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn làm tốt công tác quy hoạch vùng phát triển dược liệu đinh lăng theo hướng bền vững nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho các Cty dược liệu và góp phần thiết thực trong việc nâng cao thu nhập cho người dân.
Có thể bạn quan tâm
Đây là cây dễ trồng, mùa nắng thì rụng hết lá, đến tháng 4 - 5, khi có vài đợt mưa đầu mùa thì ra lá non, phát triển trở lại và bắt đầu trổ bông.
Mày mò nghiên cứu và ứng dụng thành công việc nuôi ếch trong nhà kính, anh Nguyễn Văn Kết (36 tuổi) duy trì nghề nuôi này quanh năm để cho nguồn thu nhập cao.
Việc xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao mặc dù yêu cầu vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả thành công rất cao, lợi nhuận khá, kiểm soát được dịch bệnh
Anh Võ Văn Chín, huyện Trà ôn, tỉnh Vĩnh Long là một nông dân chuyên nuôi trồng thủy sản từ hơn mười năm nay.
Vườn bưởi da xanh 7 năm tuổi của ông Phan Hữu Hà (49 tuổi) tỉnh Đồng Nai là một trong số vườn đẹp, đem lại lợi nhuận khá hấp dẫn.