Chuyển 200.000ha Đất Lúa Trồng Cây Màu
Theo chủ trương vừa được Bộ NNPTNT công bố, sẽ có khoảng 200.000ha đất lúa được chuyển đổi sang trồng ngô, đỗ tương, nhằm giải cơn “khát” nguyên liệu cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi.
Hiện nay, mỗi năm nước ta phải nhập khẩu khoảng 1,5 – 1,6 triệu tấn ngô hạt, 2,4 triệu tấn khô dầu đậu tương và 600.000 tấn hạt đậu tương để chế biến thức ăn chăn nuôi, với tổng giá trị khoảng 3 tỷ USD.
Hướng đi đúng
Ngày 25.6, tại hội nghị “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả ở khu vực miền núi phía Bắc” do Bộ NNPTNT tổ chức, hầu hết đại diện của sở NNPTNT các tỉnh, Hiệp hội Chăn nuôi, doanh nghiệp… đều cho rằng cần phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là trên diện tích lúa kém hiệu quả.
Việc chuyển đổi nhằm giải quyết các vấn đề nóng: Sản lượng nông sản tăng nhưng giá thấp, thu nhập của nông dân giảm; vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi với số lượng lớn... Một giải pháp mà Bộ NNPTNT đề ra là sẽ chuyển đổi khoảng 200.000ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng khác, trong đó ưu tiên là ngô và đỗ tương, nhằm nâng tổng sản lượng ngô từ gần 5 triệu tấn hiện nay lên 8,5 triệu tấn/năm vào năm 2020.
Nhiều ý kiến băn khoăn về chuyển đổi đất lúa sẽ vướng vào Nghị định 42, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám giải đáp ngay: “Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà Chính phủ đã phê duyệt ghi rõ: “Sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha đất lúa”. Vì vậy, không sợ vướng vào Nghị định 42 và chúng ta có thể chuyển đổi cả những diện tích đất lúa hiệu quả sang những cây trồng có giá trị cao hơn”.
Ông Nguyễn Trí Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng, để chuyển đổi cây trồng hiệu quả trước tiên phải hoàn thiện việc dồn điền đổi thửa, chọn cơ cấu cây trồng thích hợp, cây gì có giá trị cao hơn cây lúa để chuyển đổi. Thứ hai, cây phải phù hợp với từng địa phương, phù hợp với thị trường, đồng thời cần có cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tham gia chuyển đổi.
Ông Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia còn quyết liệt hơn khi cho rằng, không chỉ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả mà có thể chuyển đổi cả đất lúa hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả hơn lúa. “Hiện chúng ta có khoảng 4.000ha lúa nương cho năng suất thấp, đây là những diện tích có thể chuyển đổi. Ví dụ như các diện tích trên đất hai lúa ở Thái Bình và Nam Định đã được chuyển đổi 2 vụ lúa, 1 vụ màu, thậm chí có thể chuyển đổi từ đất cấy lúa 2 vụ sang 1 vụ lúa, 2 vụ màu” – ông Thông nói.
Cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ
Ông Nguyễn Đức Vinh – Giám đốc Sở NNPTNT Hà Giang cho biết, vừa qua tỉnh đã chuyển đổi hơn 1.000ha từ đất lúa 1 vụ sang trồng ngô với mức hỗ trợ 50% giống cho người dân. “Tuy nhiên, để chuyển đổi trên diện rộng, cần phải có chính sách hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ” – ông Vinh nêu ý kiến.
Bà Nguyễn Thị Vang – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nam cho hay, hiện tỉnh đã chuyển đổi được 2.500ha đất trũng kém hiệu quả sang trồng ngô, bí xanh, dưa chuột, hoa màu khác, hiệu quả tăng lên khoảng 121 - 191% so với cây lúa trước đây... Bà Vang đề nghị Chính phủ cần có chính sách cụ thể về việc chuyển đổi từ đất lúa sang cây trồng có chất lượng cao, đồng thời có chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cùng tham gia việc chuyển đổi.
Có thể bạn quan tâm
Một số hộ tuy đã từng bước chuyển đổi sang hình thức nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp nhưng diện tích còn khiêm tốn (khoảng 20 ha) và chỉ quan tâm đến qui trình nuôi tôm bằng sử dụng hoá chất, kháng sinh.
Để tổ chức tốt và phát triển thương hiệu quýt hồng ngày một bền vững, tại UBND xã Long Hậu, UBND huyện Lai Vung (Đồng Tháp) vừa tổ chức Hội nghị thành lập Hợp tác xã (HTX) Quýt hồng Lai Vung.
Hiện Bộ NNPTNT đang lấy ý kiến cho dự thảo sửa đổi các quy định tiêu chuẩn VietGAP theo hướng đơn giản các thủ tục để nông dân dễ tham gia hơn.
Từ hai bàn tay trắng, với quyết tâm và bản lĩnh, anh Thái Bá Khang ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã thành công với mô hình nuôi ngao Bến Tre trên bãi biển quê nhà, thu nhập mỗi năm hơn chục tỷ đồng.
Nhập khẩu nông sản tăng tốc mạnh đồng nghĩa với việc tiêu thụ nhiều loại nông sản “made in Vietnam” ở chính thị trường trong nước sẽ trở nên cực kỳ khó khăn.