Mô Hình Chăn Nuôi Lợi Ích Kép
Từ khi áp dụng cách thức chăn nuôi mới theo mô hình an toàn sinh học, đến nay, huyện Phú Tân (An Giang) đã có 140 hộ tham gia. Với lợi ích thiết thực, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tận dụng được năng lượng biogas để sử dụng trong sinh hoạt, mô hình chăn nuôi mang lợi ích kép này đã được nông dân đánh giá rất cao.
Hộ của ông Nguyễn Hoàng Minh (ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tân Trung) chọn nghề nuôi heo thịt làm kinh tế chính. Với tổng số heo nái lẫn thịt lên tới 25 con nhưng ông chỉ đào một hầm bên cạnh nhà làm nơi chứa phân. Sống trên tuyến dân cư có nhiều hộ xung quanh, vấn đề mùi hôi và nguồn phân không xử lý triệt để đã làm ảnh hưởng đến nhiều hộ.
Bắt đầu từ năm 2010, ông Minh được hướng dẫn xây hầm biogas với mức hỗ trợ từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 1,2 triệu đồng. Từ ngày áp dụng mô hình mới, chuồng heo của ông không còn mùi hôi, không gian sạch sẽ, lại tận dụng được nguồn năng lượng từ biogas để thắp sáng, nấu nướng trong gia đình, tiết kiệm được đáng kể chi phí sinh hoạt.
Kết hợp với nuôi heo, ông còn nấu rượu để có thu nhập phụ, đồng thời lấy hèm để vỗ béo cho heo. Một năm bán ra 4 lứa heo, cứ một con ông còn lời từ 1 đến 2 triệu đồng. Được biết, gia đình ông Minh cũng là một trong những hộ đầu tiên ở huyện Phú Tân áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học và duy trì hiệu quả đến nay.
Theo anh Võ Chí Tân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Trung, toàn xã hiện có 12 hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas và 6 hộ nuôi thực hiện biogas nylon, chiếm 50% tổng số hộ nuôi toàn xã. Kỹ thuật mới đã giúp nhiều hộ dân giữ gìn được môi trường sống sạch sẽ, an toàn về nguồn nước, không khí, hạn chế các dịch bệnh. Bên cạnh lợi ích sử dụng nguồn năng lượng biogas, phụ phẩm khí sinh học cũng được dùng làm phân bón trong nông nghiệp. Nhận thấy lợi ích từ mô hình, hiện nay, hội đã hướng dẫn thêm cho các hộ nuôi bò, khuyến khích bà con thực hiện việc nuôi và xây hầm với mức hỗ trợ từ 1,2 đến 1,6 triệu đồng/hộ.
Mới xây dựng hầm biogas một năm nay, chị Trần Thị Kim Hoa (ấp Phú Trung, xã Phú Thọ) rất tâm đắc. Chị cho biết, chi phí xây hầm biogas và lắp đặt các thiết bị dẫn khí chuyển thành năng lượng sử dụng trong gia đình chỉ mất từ 8 - 9 triệu đồng, trong đó, mức hỗ trợ từ ngành chức năng là 1,5 triệu đồng. Từ khi sử dụng khí biogas làm chất đốt, nấu tấm và thắp đèn… mỗi tháng chị tiết kiệm được hơn 200 ngàn đồng và 30 kw điện.
Ngụ cùng ấp với chị, gia đình anh Huỳnh Thái Khương, hộ chuyển từ nghề buôn bán gỗ sang nuôi heo cũng đã được Trạm Thú y huyện vận động kết hợp xây dựng hầm biogas ngay khi mới thành công ở năm đầu tiên. Tận dụng khoảng đất trống sau nhà, chuồng nuôi được cất với diện tích 30m2, đàn heo 20 con của lứa đầu đã đem về cho gia đình trên 15 triệu đồng.
Anh nói: “Tôi được hướng dẫn, nếu nuôi khoảng 10 con heo thì xây dựng hầm biogas kèm theo với thể tích 5 mét khối, mỗi ngày sẽ phân hủy khoảng 20kg phân thải và tạo thành gần 1m3 gas đốt, thời gian sử dụng hầm biogas có thể kéo dài đến 10 năm, đem lại nhiều tiện ích. Nếu nhẩm tính, một năm có thể tiết kiệm được vài triệu đồng chi phí nhiên liệu trong gia đình”.
Theo anh Trần Thái Luyện, cán bộ kỹ thuật Trạm Thú y huyện Phú Tân thì bình quân tính trên một hộ, nếu sử dụng nguồn năng lượng từ khí biogas sẽ tiết kiệm được 200 - 300 ngàn đồng/tháng về gas, điện. Nếu năm 2010, huyện Phú Tân chỉ mới hướng dẫn cho 5 hộ trên toàn huyện thí điểm mô hình chăn nuôi an toàn thì năm 2011 đã có thêm 43 hộ tham gia, năm 2012 là 66 hộ và từ đầu năm đến nay có 26 hộ. Chính lợi ích thiết thực cho người nuôi lẫn cộng đồng đã “thuyết phục” được người dân tích cực nhân rộng kỹ thuật mới này.
Có thể bạn quan tâm
Theo ông Phan Minh Báu, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Lifsap Đồng Nai, trong năm 2014, ban quản lý sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan lập kế hoạch kiểm tra, đánh giá cấp chứng nhận VietGAP cho khoảng 500 hộ áp dụng quy trình GAHP (quy trình thực hành chăn nuôi tốt) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Hiện nay, huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) đã thu hoạch gần 70% diện tích lúa đông xuân; theo đó, đàn vịt của địa phương chạy đồng nơi khác cũng trở về khá đông, chính quyền và ngành chức năng đang tiến hành kiểm soát chặt chẽ số đàn vịt trên địa bàn
Ông Hồ Văn Ngọ, ở thôn Hoài Nhơn (xã Phước Hậu, Ninh Phước - Ninh Thuận) được người dân trong xã nhắc tới bằng cái tên “vua vịt” bởi mỗi năm, ông thu về hàng trăm triệu đồng nhờ mô hình nuôi vịt khép kín: Nuôi vịt đẻ lấy trứng, ấp trứng, bán vịt con...
Về thôn Tiên Xá, xã Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh, chúng tôi được ông chủ trang trại Ngô Văn Tốn hồ hởi giới thiệu khu chăn nuôi hiện đại, khép kín với hơn 1000 con lợn nái chăn nuôi gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. 10 năm qua, sự liên kết với doanh nghiệp này đã giúp ông Tốn có thể “bình tĩnh” trước những cơn biến động giá của thị trường.
Các đợt kiểm tra gần đây cho thấy 50% các mẫu phân bón được lấy để kiểm tra cho kết quả là kém chất lượng cả về yếu tố đa lượng và vi lượng.