Đổi Đời Nhờ Ngô Lai

Đến xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hỏi ông Đào Ư thì ai cũng biết bởi ông là nông dân sản xuất giỏi của xã nhiều năm liền nhờ trồng ngô (bắp) lai.
Từ năm 2007 đến nay, năm nào ông cũng đạt năng suất ngô lai cao. Nếu giống ngô lai cho năng suất trung bình khoảng 8 tấn/ha thì ông Ư đã nâng lên được tới 13 tấn/ha.
Ông cho biết, trước đây nhà ông rất khó khăn, vốn liếng chỉ có 1ha đất, chủ yếu trồng ngô thường nên năng suất không cao, thu nhập chẳng đáng là bao, không đủ trang trải cuộc sống gia đình và lo cho các con ăn học.
Từ khi Công ty CP Giống cây trồng Việt Nam cung cấp giống ngô lai, qua học tập, tìm hiểu mô hình của các địa phương khác, ông mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình trồng ngô lai. Chỉ với 1ha đất trồng ngô lai, nhờ bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, tìm tòi, áp dụng phương pháp kỹ thuật hiệu quả, gia đình ông đã thu lãi ròng hơn 200 triệu đồng/năm.
Ông Ư chia sẻ kinh nghiệm: “Không chỉ áp dụng đúng phương thức kỹ thuật mà còn phải kiểm soát, phòng trừ sâu bệnh tốt cho cây ngô. Phải thường xuyên theo dõi để biết được độ ẩm của ngô, qua đó phát hiện sâu bệnh đúng lúc và có cách phòng trị hiệu quả. Ngoài ra, bí quyết của tôi còn là lúc ngô trổ cờ thì bẻ cờ cây cái, sau đó 10 ngày thì chặt cây đực, cây sẽ cho năng suất cao”.
Với những phương pháp trồng ngô lai hiệu quả, gia đình ông đã khấm khá lên nhiều. Không những lo được cho 4 người con học đại học đàng hoàng, ông còn xây được căn nhà khang trang. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Ư còn luôn nhiệt tình giúp đỡ, chỉ dẫn những người khác kinh nghiệm trồng trọt để cùng phát triển kinh tế và nhân rộng mô hình.
Bí thư Đảng ủy xã Phước Tân - ông Nguyễn Xuân Bằng nhận xét: Ông Ư là một trong những tấm gương nông dân cần cù, ham học hỏi và biết chia sẻ với cộng đồng rất đáng học hỏi.
Có thể bạn quan tâm

Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Nguyễn Hữu An thông tin: “Thời gian nghỉ Tết hàng năm, cán bộ, kỹ thuật viên của đơn vị vẫn đảm bảo công tác trực nhật và ra đồng cùng nông dân. Các trạm BVTV huyện đã phân công cán bộ xuyên suốt tại cơ quan, đồng thời nhắc nhở anh em kỹ thuật viên phải phối hợp cùng nông dân thăm đồng dịp Tết vì khả năng xảy ra sâu bệnh cao trong thời gian này”.

Gia đình anh Trần Đình Vân ở thôn 2, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn, tỉnh Dak Lak) hiện có 3 ha cà phê kinh doanh. Mỗi đợt tưới, với 2 máy bơm tiêu hao khoảng 160 lít dầu, chi phí khoảng 3 triệu đồng. Anh Vân cho biết, thời điểm năm ngoái, gia đình anh phải tốn khoảng 5 triệu đồng để mua dầu chạy máy bơm/đợt tưới. Nhưng đến nay, giá dầu giảm sâu, giúp người dân tiết kiệm khá nhiều.

Những ngày cuối năm âm lịch này, nông dân trồng khoai mỡ ở Phú Mỹ rất phấn khởi, vì thu hoạch khoai mỡ bán được giá cao. Anh Lê Văn Hồng, ấp Phú Thạnh, một trong những hộ trồng khoai mỡ lâu năm trong ấp, phấn khởi cho biết, anh có 8 công trồng khoai mỡ, qua 3 đợt thu hoạch vừa qua được trên 17 tấn khoai mỡ lớn nhỏ.

Trong khi nhiều nông dân ở các địa phương khác phải đốt rơm rạ ngay tại ruộng sau khi thu hoạch xong lúa để chuẩn bị dọn đồng, làm đất xuống giống cho vụ mùa tới thì tại các xã Vĩnh Xuân, Thiện Mỹ (Trà Ôn - Vĩnh Long), nhiều nông dân phấn khởi vì rơm rạ ngoài đồng được thương lái đến thu mua với giá khá cao, từ 1 triệu đồng/ha trở lên.

Những ngày qua, sau khi có thông tin về Công ty TNHH Sản xuất Chế biến rau an toàn (RAT) Ba Chữ (gọi tắt là Công ty Ba Chữ), xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội lấy rau không rõ nguồn gốc bán cho các siêu thị, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, làm rõ sự việc.