Cây Vải Tổ Mùa Quả Chín
Gần 200 năm bén rễ trên đất Thanh Hà (Hải Dương), cây vải tổ Thúy Lâm đã làm nên thương hiệu cho một vùng quê nông nghiệp và trở thành điểm để du khách gần xa tìm về.
Nức tiếng gần xa
Chúng tôi về thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà) đúng mùa vải đang chín. Quả vải phát mã đỏ thẫm trong các vườn nhà. Tìm về mảnh vườn có cây vải tổ, chúng tôi như lạc vào một nếp nhà nông thôn Việt Nam xưa. Chủ nhân mảnh vườn là cụ Hoàng Văn Thu, 82 tuổi.
Cụ Thu cho biết, hai năm nay vợ chồng cụ về dựng căn nhà nhỏ sống hẳn ở đây để trông nom cây vải và miếu cụ tổ. Vườn vải của cụ Thu có khoảng 20 gốc. Cây vải tổ nằm ngay sau miếu thờ cụ tổ Hoàng Văn Cơm, tán lá trùm kín một khoảng vườn. Từ gốc cây, chúng tôi ước đếm được gần 20 cành lớn nhỏ. Dưới gốc cây có tấm bia ghi dòng chữ: “Nhân dân huyện Thanh Hà nhớ ơn cụ Hoàng Văn Cơm có công trồng cây vải thiều tổ”.
Mời chúng tôi ra vườn nếm thử quả cây vải tổ, cụ Thu cho biết: "Năm nào cây vải tổ cũng cho quả. Năm nhiều khoảng hơn tạ, năm ít cũng một vài chục cân". Quả của cây vải tổ vỏ đỏ hơn các cây khác, nhỏ nhưng cùi dày, bóc ráo nước. Ăn thấy giòn và ngọt, vị đậm đà đọng mãi nơi đầu lưỡi. Chẳng thế mà ai về đây cũng muốn nếm thử quả của cây vải tổ.
Cây vải tổ từng được nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ về thăm. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hai lần đến thăm cây vải tổ khi có dịp về Hải Dương. Đài Truyền hình Việt Nam cũng từng làm bộ phim về huyền thoại cây vải tổ. Cuối năm 2011, một đoàn làm phim của Bỉ cũng đã làm bộ phim về cây vải này.
Về mùa vải, mỗi ngày vườn vải cụ Thu đón hàng chục đoàn khách trong, ngoài nước đến tham quan, thưởng thức vải. Có vị khách Nhật khi đến đây mê không gian làng quê, mắc võng dưới gốc vải nằm.
Ông Hoàng Văn Tuận, con trai của cụ Thu cho biết: “Từ đầu vụ vải đến nay đã có hơn 10 đoàn khách đến thăm cây vải tổ. Trong đó có một đoàn khách Úc thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Được ăn vải Thanh Hà, họ gật gù khen ngon mãi”.
Có mặt tại vườn vải nhà cụ Thu buổi sáng, chúng tôi gặp 3 đoàn khách từ TP Hải Dương, TP Hà Nội với trên 50 người về thăm và thưởng thức vải. Dưới gốc vải tổ, ai cũng quay phim, chụp ảnh làm kỷ niệm. Ông Nguyễn Lam Phương ở TP Hải Dương cho biết: “Đây là lần thứ tư tôi về thăm cây vải tổ. Mỗi mùa vải chín đều đưa bạn bè về đây để thưởng thức thứ quả đặc sản của Hải Dương”.
Sau khi thăm cây vải tổ, thưởng thức vải trong vườn nhà cụ Thu, các vị khách rủ nhau đi bộ vào làng Thúy Lâm để thăm các vườn vải của các gia đình khác. Với nhiều sông rạch chảy qua cùng những vườn vải trĩu quả, Thúy Lâm không chỉ mang dáng dấp một ngôi làng nông thôn xưa mà còn là chốn phong cảnh hữu tình, hoa trái trù phú. Tò mò, chúng tôi nhập vào đoàn khách của Công ty CP Tư vấn Sông Đà.
Ông Phạm Đức Tiêm, thành viên trong đoàn cho biết: “Tôi quê Thái Bình, công tác trên Hà Nội. Ngày trước, bố tôi từng dạy học ở xã Thanh Sơn này nên đã được nghe cụ kể nhiều về cây vải tổ và vải thiều Thanh Hà. Thế nhưng đến ngày hôm nay tôi mới được về đây thăm và thưởng thức quả. Tới đây nếu có dịp, tôi sẽ cùng cả gia đình trở lại”.
Trong cuốn sổ lưu niệm, chúng tôi cũng đọc được rất nhiều dòng lưu bút sâu sắc: “Gia đình chúng con Đỗ Văn Huynh, Trần Thị Dàng..., nhớ ơn cụ Hoàng Văn Cơm (ông tổ vải thiều). Chúc gia đình luôn luôn mạnh khỏe, chúc cây vải tổ mãi mãi xanh tươi, là cây cổ thụ để con cháu nương tựa.
Chúng con vô cùng biết ơn cụ Hoàng Văn Cơm”; “Thật ngưỡng mộ cụ Hoàng Văn Cơm, từ một hạt giống ban đầu đã tạo nên một loại cây trồng trở thành đặc sản cho vùng vào đầu hạ đó là vải thiều Thanh Hà. Từ nay trở đi, mỗi lần được nếm vị ngọt của vải Việt Nam cháu cùng hàng vạn người Việt Nam không bao giờ quên ơn cụ"…
Cây vải tổ làm nên thương hiệu
Cụ Thu kể: cụ nội Hoàng Văn Cơm sinh năm 1848 trong một gia đình có chức sắc trong làng cuối thời Nguyễn. Thời trai trẻ, cụ thường cùng bạn bè buôn bán hoa quả ra Hải Phòng. Một lần dự tiệc với người Hoa kiều ở một nhà hàng lớn được ăn một loại vải ngon, cụ lấy 3 hạt về ươm ở vườn nhà, nảy thành 3 cây.
Do gia đình chăm sóc thiếu chu đáo nên chỉ sống một cây. Cây vải trồng ở vùng đất có thổ nhưỡng đặc biệt, lại thích nghi với khí hậu nên phát triển tốt, cho loại quả ngon nổi tiếng, được nhân dân ca ngợi: "Cau Phù Tải, vải Thúy Lâm". Từ cây vải quý, cụ chiết cành nhân ra vườn nhà, tặng người ruột thịt. Qua thời gian, vải phát triển ra cả làng, xã, rồi khắp huyện, làm nên thương hiệu vải thiều Thanh Hà nổi tiếng.
Riêng xã Thanh Sơn có trên 760 ha, mỗi năm thu hoạch trên 3.000 tấn, thu lãi gấp nhiều lần trồng lúa. Đặc biệt, ngày 20-6-1958, vải Thúy Lâm (Thanh Sơn) được ông Lê Vi Vận đại diện cho nhân dân mang lên Phủ Chủ tịch biếu Bác Hồ. Bác khen Thúy Lâm có giống vải quý, ăn rất ngon và khuyên nhân dân nên phát triển trồng loại cây này.
Từ gốc vải thiều vườn nhà, người Thanh Hà chiết cành rồi bán ra các tỉnh ngoài tăng thu nhập. Nhờ đó cây vải Thanh Hà đã lan rộng, bén rễ trên nhiều miền quê trong cả nước như Đông Triều (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Ao Châu (Phú Thọ), Đông Hưng (Thái Bình), Lục Ngạn (Bắc Giang).
Trong đó, riêng huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) diện tích vải thiều chiếm gần 20 nghìn ha, trở thành cây chủ lực. "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", hằng năm đến mùa vải chín, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) lại cử đoàn đại biểu về Thúy Lâm dâng hương cụ tổ Hoàng Văn Cơm. Trong miếu, ngoài pho tượng còn có bức trướng ghi: “Nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn biết ơn cụ Hoàng Văn Cơm, ông tổ vải thiều”.
Từ khi bén rễ trên đất Thúy Lâm, đến nay, cây vải tổ đã gần 200 tuổi. Ở Thúy Lâm hiện còn 8 cây thuộc thế hệ cây con của cây vải tổ, trong đó vườn nhà ông Thu có 3 cây. Nguyên nhân là do thời kỳ vải rớt giá, một vài gia đình đã chặt vải thay bằng cây trồng khác.
Bao giờ thành tour du lịch?
Mặc dù được du khách xa gần viếng thăm, song các hoạt động hầu hết là tự phát, chưa được tổ chức thành các tour thường xuyên. Khách đến Thúy Lâm cũng chỉ vào mùa vải chín. Các hoạt động đón tiếp khách cũng chủ yếu do gia đình tự đảm nhiệm, do vậy việc giới thiệu với du khách về sản vật địa phương còn hạn chế.
Ngoài ngôi miếu nhỏ thờ cụ tổ, căn nhà cấp bốn tạm bợ, vườn vải nhà cụ Thu không có công trình xây dựng nào để đón tiếp khách. Quanh vùng cũng không có bất cứ công trình nào để khách lưu trú. Hiện trạng đó khiến du khách đến, ở lại với vải tổ Thúy Lâm và đất vải Thanh Hà chỉ vài tiếng.
Trong những năm qua, huyện Thanh Hà đã có nhiều biện pháp quảng bá, giới thiệu hình ảnh của cây vải tổ, giá trị của đặc sản vải thiều. Gần đây, địa phương cũng đã cho làm một tấm biển lớn ở đầu làng Thúy Lâm chỉ đường đến cây vải tổ. Tuy nhiên, để hình ảnh cây vải tổ và thương hiệu vải thiều Thanh Hà đi vào trái tim người tiêu dùng thì bấy nhiêu vẫn chưa đủ.
Trên đường về, chúng tôi cứ day dứt câu nói của một vị khách: “So với miệt vườn Nam Bộ, Thanh Hà chẳng kém cạnh gì, vậy sao địa phương không tổ chức được các tour du lịch như các địa phương ở Nam Bộ đã làm?”
Có thể bạn quan tâm
Giờ đây, chuyện nông dân làm du lịch không còn mới, lạ. Ngoài ý nghĩa mưu sinh, những “hướng dẫn viên chân đất” và “nhà tổ chức du lịch chân đất” này đã, đang góp phần không nhỏ vào sự phát triển ngành “công nghiệp không khói” của đất nước.
Những cây xoài Ngự ở chùa Đá Trắng (Phú Yên) đã được nhiều người biết đến trước khi được công nhận là Cây di sản (cuối năm 2013). Ngày xưa, xoài chín ở đây đều phải dâng hết cho triều đình.
7 học viên là cán bộ hội nông dân (ND), hội viên, ND vừa hoàn thành khóa thực tập sinh 4 tháng ở các trang trại của CHLB Đức. Đây là đợt thực tập sinh đầu tiên sang Đức học làm nông nghiệp trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Hội ND Đức và Hội NDVN.
Đó là thành quả khi tham gia Dự án "Nâng cao năng lực quản lý ngành trồng trọt của Việt Nam với mục tiêu cải thiện sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng" do Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) phối hợp với cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện.
Thời gian gần đây, bên cạnh việc đưa sâm Ngọc Linh (huyện Nam Trà My - Quảng Nam), Công ty cổ phần thương mại dược sâm Ngọc Linh Quảng Nam còn đưa thêm cây sâm Cao Ly (Hàn Quốc) di thực về trồng thử nghiệm tại huyện miền núi biên giới Tây Giang.