Phát Triển Thủy Sản Từ Khảo Nghiệm Đến Thực Tế
Phát triển thủy sản có vai trò quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lào Cai. Đánh giá đúng vai trò của phát triển thủy sản, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã đầu tư cơ sở vật chất nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất khảo nghiệm một số giống cá chất lượng cao. Đi vào thực tế sản xuất hàng hóa, người nuôi thủy sản đã đón nhận một cách hồ hởi, hiệu quả bước đầu được xác định là có tiềm năng lớn.
Mô hình nuôi cá của anh Bùi Văn Hiến, thôn Làng Trung, xã Bản Qua (Bát Xát) được nhiều người biết đến bởi quy mô và tổng lợi nhuận thu được hằng năm. Anh Hiến nuôi thủy sản từ năm 1994 với những loại cá thông thường như rô phi, trắm, chép với diện tích ao khá nhỏ. Sau nhiều lần mở rộng, đến nay, diện tích ao cá nhà anh Hiến là 1.700 m2, ngoài các loại cá truyền thống, hiện, anh Hiến đang nuôi một số giống cá chất lượng cao như lăng chấm, nheo, bỗng.
“Đầu năm 2013, tôi nuôi 600 con cá lăng chấm nhờ hỗ trợ giống, một phần thức ăn từ Trung tâm Thủy sản của tỉnh. Nếu có hiệu quả cao, sẽ mở rộng quy mô sản xuất” - anh Hiến nói. Đến nay, cá lăng chấm trong ao của anh Hiến đạt khoảng 1 kg/con trở lên, một phần trong số đó đã được xuất bán ra thị trường. Với mô hình nuôi thủy sản này, mỗi năm anh Bùi Văn Hiến thu lãi trên 100 triệu đồng.
Những năm gần đây, nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh có bước phát triển mạnh, với diện tích và sản lượng không ngừng tăng lên. Năm 2013, diện tích mặt nước dành cho nuôi thủy sản đạt 1.766 ha, tăng 1,5 lần so với năm 2005. Sản xuất thủy sản có thành công bước đầu là đã chủ động về con giống, mỗi năm ngành sản xuất giống thủy sản đạt sản lượng 10 triệu con giống các loại, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Sản xuất thủy sản đang được chú trọng nâng cao chất lượng khi nhiều giống cá đặc sản được đưa vào khảo nghiệm trước khi áp dụng sản xuất đại trà tại các vùng chăn nuôi. Trung tâm Thủy sản tỉnh đã xây dựng Dự án phát triển thủy đặc sản hàng hóa giai đoạn 2012 - 2014, trong đó nhiều giống cá mới được đưa vào sản xuất khảo nghiệm với sinh sản và cá thương phẩm.
Trại giống thủy sản cấp I tại xã Phú Nhuận (Bảo Thắng) mới đây đã thực hiện thành công việc cho sinh sản nhân tạo cá rô đầu vuông và cá trắm đen với sản lượng đạt 1,5 vạn cá rô đầu vuông và 4 nghìn con cá giống trắm đen. Những con giống này được đánh giá là đủ chất lượng để cung cấp ra thị trường với ưu điểm là thích nghi nhiều điều kiện sống. Bên cạnh đó, Trung tâm Thủy sản đang nuôi cá lăng nha thương phẩm tại xã Phú Nhuận và giống cá chẽm tại xã Quang Kim (Bát Xát). Đến nay, cá thương phẩm đã đạt mức trung bình trên 1 kg/con.
Hiện đã có 690 hộ dân tham gia nuôi cá thương phẩm chất lượng cao như lăng chấm (5 ha), cá rô đầu vuông (5 ha), cá chép lai chịu lạnh (20 ha), cá trắm đen (20 ha) tại 10 xã thuộc thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng, Bát Xát, Bảo Yên, Văn Bàn và Sa Pa. Kết quả là cá rô đầu vuông, cá chép chịu lạnh có năng suất bình quân đạt 8 - 10 tấn/ha, nguồn thu đạt từ 110 - 120 triệu đồng/ha.
Từ kết quả tại các mô hình khảo nghiệm và thực tế sản xuất đã cho thấy tỉnh có nhiều điều kiện để phát triển nuôi thủy sản chất lượng cao. Ông Trần Minh Sáng, Giám đốc Trung tâm Thủy sản tỉnh cho biết: Nhiều giống cá mới có chất lượng cao đã bước qua giai đoạn khảo nghiệm và đi vào thực tế sản xuất như cá rô phi đơn tính, cá chép lai. Các loại giống này được người nuôi thủy sản vui mừng đón nhận vì mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với thành công trong sinh sản nhân tạo giống cá rô đầu vuông, cá trắm đen, Trung tâm Thủy sản đang chủ động sản xuất, lai tạo thêm các giống cá đặc sản mang tính thế mạnh của địa phương.
Thực tế, một số mô hình sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn khảo nghiệm có kết quả tốt, nhưng đi vào thực tế sản xuất lại không phù hợp. Riêng với lĩnh vực thủy sản, sự thành công từ các mô hình nói trên cho thấy năng lực của ngành thủy sản của tỉnh trong hiện thực hóa các mô hình thử nghiệm.
Có thể bạn quan tâm
Từ giữa tháng 3 đến nay, dịch cúm gia cầm (DCGC) đang tái phát trên địa bàn tỉnh Bình Định. Hiện các địa phương đang thu hoạch rộ lúa Đông Xuân, đây là điều kiện thuận lợi cho vi-rút cúm gia cầm phát tán, lây lan ra diện rộng do tình trạng vịt chạy đồng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đáng lo ngại nhất là sự chủ quan của người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Đó là nhận định của ông Võ Văn Mùi, Chủ tịch UBND xã Long Sơn về tình hình khai thác và nuôi trồng thủy sản 9 tháng đầu năm 2013 tại xã Long Sơn. Hiện xã Long Sơn có khoảng gần 1.500 hộ dân sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản trên tổng diện tích nuôi trồng 173,4ha.
Thời gian qua, thấy nhím có giá nên nhiều người dân đã ồ ạt đầu tư nuôi nhím, có thời điểm giá nhím giống lên đến gần 10 triệu đồng/cặp và nhím thịt hơn 300 ngàn đồng/kg.
Đến nay, nông dân ở các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ và Châu Thành thuộc tỉnh Long An đã thu hoạch dứt điểm hơn 6.830 ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng với sản lượng đạt hơn 16.000 tấn
Ngày 27-3, ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang cùng đại diện các sở, ngành có liên quan của tỉnh và lãnh đạo Huyện ủy Gò Công Đông đã đến khảo sát vùng nuôi nghêu cồn Ông Mão, cồn Vạn Liễu thuộc khu vực nuôi 350 ha của Ban Quản lý cồn bãi của huyện.