Phát Triển Nông Nghiệp Theo Hướng GAP
Mặc dù còn khá nhiều bỡ ngỡ, nhưng nhờ mạnh dạn áp dụng mô hình VietGAP, nhiều nhà nông tại thị xã Ngã Bảy đã khẳng định được thương hiệu sản phẩm của chính mình.
Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên vườn cây, ao cá theo hướng sản xuất an toàn, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần tạo cho nền nông nghiệp phát triển bền vững đã và đang được người dân ở thị xã Ngã Bảy thực hiện. Phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy cũng đã triển khai mô hình trồng cam sành trên diện tích 15ha và nuôi cá tra 5ha theo tiêu chuẩn VietGAP.
Quả ngọt đầu mùa
Trở lại vùng trồng cam sành ở xã Tân Thành, men theo các con đường bê tông vào sâu trong ấp, gặp những người nông dân chuyên tâm chăm sóc vườn cây mới thấy hết niềm vui của họ mỗi khi đến vụ thu hoạch. Tại HTX Đông Bình, các xã viên được tập huấn phương pháp, kỹ thuật sản xuất thực tế trên mảnh vườn của chính mình về cách phòng trừ dịch bệnh, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cấp phát sổ tay ghi chép thực hành VietGAP.
Cùng với nỗ lực của 15 xã viên, 15/17,4ha cam sành của HTX quản lý sắp sửa đón nhận giấy chứng nhận cam sành đạt chuẩn VietGAP vào tháng 11 tới.
Anh Lê Phước Hậu, ở ấp Đông Bình là một trong những thành viên tiên phong ứng dụng cách làm mới trong quy trình trồng cam sành, chia sẻ: “Kể từ lúc áp dụng VietGAP trên vườn cam, năng suất đã tăng lên ngó thấy, đạt mức từ 3-3,5 tấn/công (tăng từ 1-1,5 tấn/công).
Với diện tích 7.000m2, nếu so với thời điểm chưa áp dụng thì chi phí phân bón cũng giảm 10-12 triệu đồng. Do phần lớn là sử dụng phân hữu cơ nên phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật đã được tiết giảm. Nhờ vậy, tuổi thọ cây có thể kéo dài đến 10 năm, quả ngọt hơn. Nếu cam sành bán với giá từ 10.000-13.000 đồng/kg thì lợi nhuận thu về tăng thêm từ 7-8 triệu đồng/công”.
Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, cho biết: Khi bắt đầu áp dụng GAP, bà con còn nhiều bỡ ngỡ vì phải thay đổi thói quen canh tác, cộng thêm quy trình quá khắt khe nên địa phương cố gắng vận động từng bước một.
Thông qua mô hình triển khai, tư duy kinh tế của nông dân được nâng lên, những hạn chế trong kỹ thuật canh tác được khắc phục và con đường làm ăn tập thể được khẳng định. Hiện, địa phương đã bắt đầu chuyển đổi ở hai đối tượng là cá tra và cam sành tại xã Đại Thành và Tân Thành. Cũng trong thời gian tới, thị xã lên kế hoạch mở rộng quy mô trồng cam sành theo hướng GAP lên 50ha, dự kiến năm 2015 sẽ nâng lên 10% diện tích cây ăn trái trên địa bàn thị xã.
Riêng con cá tra tại HTX Đại Thắng, trong tháng 10 sẽ được cấp chứng nhận VietGAP cho 13 hộ với 5ha mặt nước. Những hộ còn lại do vướng nhiều khâu nên địa phương thực hiện chuyển đổi dần và tăng cường các lớp tập huấn, nâng cao trình độ hiểu biết của người dân.
Vẫn còn nhiều trăn trở
Ông Nguyễn Minh Hùng, ở ấp Mái Dầm, xã Đại Thành, lo lắng: “Nuôi cá tra sạch ai cũng muốn, quan trọng là cách làm ra sao. Người dân cần chuẩn bị những gì là điều mà ai cũng thắc mắc và mong muốn được cầm tay chỉ việc tận tình”.
Với 6.000m2 mặt nước, trước đây, ông Hùng chỉ nuôi cá theo kinh nghiệm. Thế nhưng, tình hình giá cả bấp bênh khiến ông cũng thiếu an tâm sản xuất. Mới đây, ông Hùng cũng đã quyết định đăng ký nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP.
Được biết, HTX Đại Thắng chuyên nuôi cá tra (8ha), nhưng diện tích nuôi theo VietGAP chỉ đạt 5ha do quy trình nuôi khắt khe, vốn đầu tư cao một số tiêu chí bà con khó lòng thực hiện. Ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ nhiệm HTX Đại Thắng, cho biết: Cái khó cho người nuôi cá ở chỗ là cá giống phải được kiểm định chất lượng.
Toàn thị xã chỉ có 2 cơ sở có chứng nhận đạt chuẩn, nguồn giống không đủ cung cho người dân, các khâu chăm sóc, kiểm tra nhiệt độ cũng khá lúng túng, còn quá nhiều danh mục thuốc kháng sinh cấm sử dụng vẫn lưu thông trên thị trường,…
Cùng với đó, vấn đề đặt ra cho cả cam sành và cá tra tại thị xã Ngã Bảy là phần diện tích nuôi trồng còn nhỏ lẻ, phân tán, sản lượng chưa đáp ứng được hợp đồng nên địa phương chưa tìm được doanh nghiệp bao tiêu. Mỗi đợt thu hoạch, bà con vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.
Trong khi giá bán chỉ cao hơn bình thường từ 5-10%, nhất là khi đưa ra thị trường thì khó nhận ra đâu là sản phẩm VietGAP, đâu là sản phẩm thường. Theo ông Nguyễn Hữu Trí, đây cũng là nỗi trăn trở của ngành quản lý. Địa phương cần rất nhiều hướng chỉ đạo cũng như sự hỗ trợ từ phía tỉnh để VietGAP không còn là tiêu chuẩn “làm khó” nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Sau gần một tháng trời lênh đênh, đón giao thừa trên biển, hàng chục tàu cá của ngư dân Phú Yên đã tấp nập về bến ngày 24-1 (mùng 2 tết, mang theo “lộc biển” đầu năm: hàng trăm tấn cá ngừ đại dương.
Từ nhiều năm nay, cây su su đã giúp bà con nông dân xã Quỳnh Liên, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vươn lên làm giàu ngay trên đất thổ cư của nhà mình.
Niềm đam mê và tinh thần lao động không mệt mỏi đã đưa trung úy Lê Nguyên Ngà (Đơn vị KT 90, Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật) trở thành “vua” gà sao của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.Ngoài đáp ứng thực phẩm sạch cho đơn vị, trang trại gà sao của anh còn mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.Biến ý tưởng thành hiện thựcMặc dù đã hẹn trước, nhưng cuộc gặp giữa tôi với trung úy Lê Nguyên Ngà vẫn chậm hơn dự kiến gần nửa giờ vì anh bận đi chở bèo về làm thức ăn cho gà. “Mình đầu tắt mặt tối với lũ gà, mệt nhưng mà vui”- anh mào đầu câu chuyện bằng giọng nhỏ nhẹ khi dẫn tôi vào trang trại gà sao.
Đã hơn 2 năm kể từ khi nghề sản xuất và quản lý khai thác nghêu Bến Tre chính thức được Hội đồng bảo tồn biển Quốc tế (Marine Stewardship Council) cấp chứng nhận tiêu chuẩn MSC, trở thành nghề cá đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á được cấp chứng nhận này
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Vĩnh Phúc đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công mô hình sản xuất nấm Linh Chi.