Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát Triển Nghề Nuôi Chim Yến Trong Nhà

Phát Triển Nghề Nuôi Chim Yến Trong Nhà
Publish date: Monday. February 24th, 2014

Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà” do Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên (MTV) Yến sào Khánh Hòa làm chủ nhiệm vừa được nghiệm thu đạt loại xuất sắc.

Đây là tiền đề quan trọng cho việc áp dụng công nghệ phát triển quần thể chim yến, góp phần thúc đẩy nghề nuôi chim yến trong nhà phát triển bền vững, hiệu quả.

Trên cơ sở ứng dụng kết quả đề tài khoa học cấp tỉnh “Bước đầu nghiên cứu ấp nuôi nhân tạo chim yến làm cơ sở khoa học cho việc phát triển đàn chim yến trong nhà ở tỉnh Khánh Hòa” (2007 - 2009), Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa đã thử nghiệm thành công việc phát triển nuôi yến trong nhà tại Khánh Hòa và một số địa phương.

Tuy nhiên, kết quả thực nghiệm trong các năm trước đây chưa nghiên cứu sâu những biện pháp kỹ thuật nuôi, chăm sóc chim non, âm sinh học chim yến; chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào về kỹ thuật xây dựng nhà nuôi chim yến tại Việt Nam.

Để phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà, trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu cũng như triển khai thử nghiệm nuôi chim yến trong nhà trước đó, Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà”.

Đề tài tập trung nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến; các biện pháp kỹ thuật để hoàn thiện quá trình nuôi ấp nhân tạo chim yến và âm sinh học của chim yến; hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà. Đề tài thực hiện trong 2 năm với kinh phí hơn 950 triệu đồng, trong đó kinh phí đối ứng của Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa chiếm hơn 40%.

Trong 2 năm, Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng và cộng sự đã thực hiện khối lượng công việc rất lớn. Nhóm thực hiện đề tài đã tập trung nghiên cứu chuyên sâu về đặc điểm sinh học, sinh sản chim yến; đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật xây dựng nhà yến, nghiên cứu thiết kế mô hình nhà yến, cải tiến vật liệu, nghiên cứu các dung dịch, hợp chất, thiết bị dùng trong xây dựng và lắp đặt nhà yến, hệ thống âm thanh dẫn dụ chim yến tự động hoàn toàn.

Nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu kỹ thuật nuôi chim con và phát triển quần thể đàn chim yến; xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà. Kết quả sau nghiên cứu cho thấy, số lượng chim đã tăng lên đáng kể và ổn định.

Các chỉ tiêu đạt cao như: tỷ lệ trứng ấp nở thành chim con đạt hơn 90%; tỷ lệ sống của chim con đạt 70% và tỷ lệ chim trưởng thành bay về tổ đạt hơn 35%...

Trong phạm vi đề tài, nhóm nghiên cứu đã áp dụng các giải pháp kỹ thuật, bí quyết công nghệ trên 4 mô hình: 1 mô hình ở thành phố với 2.000 con đã làm tổ với hơn 1.000 tổ yến; 3 mô hình ở nông thôn với số lượng ổn định 250 con đã làm tổ với hơn 50 tổ/mô hình.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng Sơn - Ủy viên phản biện Hội đồng Khoa học và Công nghệ đánh giá: “Các mô hình nghiên cứu có thể chuyển giao ngay, mở ra triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong cả nước”.

Theo Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng, đề tài đã xây dựng thành công bí quyết kỹ thuật vận hành nhà yến với 5 bước: Dẫn dụ chim vào nhà yến, dụ chim ở lại nhà yến, kích thích chim làm tổ trong nhà yến, phát triển bầy đàn chim yến trong nhà yến và nâng cao năng suất sản lượng nhà yến, phòng chống địch hại cho nhà yến... Nhóm thực hiện đề tài cũng đã nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm như: tổ yến mô phỏng, dung dịch tạo mùi bầy đàn chim yến, giá tổ, bộ âm thanh dẫn dụ chim yến...

Dẫn chúng tôi tham quan nhà nuôi yến, ông Võ Văn Cam - Trưởng Ban Kỹ thuật Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa cho biết: Năm qua, Công ty đã tổ chức lớp tập huấn, mời người dân các nơi đến tham quan mô hình ấp nở và di đàn. Nếu người dân có nhu cầu, Công ty sẵn sàng hợp tác hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, công nghệ nuôi yến trong nhà.

Nuôi chim yến, đưa nghề nuôi chim yến trong nhà phát triển rộng rãi đến người dân nhiều địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng, Công ty cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình khai thác yến nhà đảm bảo khoa học, hiệu quả; nghiên cứu cách chế biến tổ yến đạt chất lượng tốt nhất; nghiên cứu các vật liệu xây dựng nhà yến có giá thành thấp mà vẫn đảm bảo kỹ thuật để giảm chi phí đầu tư; thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về âm sinh học. Đặc biệt, cần nghiên cứu đặc điểm di truyền ADN để bảo toàn nguồn gen quý của đàn chim yến...


Related news

Mô Hình Nuôi Cá Dứa Mô Hình Nuôi Cá Dứa

Cá Dứa (Pangasius kunyit) là một loài cá da trơn sống ở vùng nước lợ. Với ưu thế là loài cá quý, từ lâu được người dân ĐBSCL cho là thịt thơm ngon hơn cá tra, cá basa nhiều lần. Nhu cầu tiêu thụ rất lớn, là món đặc sản ở các quán, nhà hàng. Vì vậy cá Dứa đã và đang là đối tượng nuôi có triển vọng trong tương lai ở vùng Nhà Bè và Cần Giờ

Monday. October 10th, 2011
Phân Bón Diệt Cây Trồng Phân Bón Diệt Cây Trồng

Hàng chục hộ nông dân ở xã Phong Hiền (huyện Phong Điền, tỉnh TT- Huế) đang rơi vào cảnh khốn đốn vì mua phải phân bón kém chất lượng, đã “giết” hàng chục ha lúa và hoa màu. Trong khi người dân kêu cứu nhiều nơi thì Công ty sản xuất phân bón lại im hơi lặng tiếng!

Wednesday. March 7th, 2012
Tôm Sú Thiết Lập Giá Mới Tôm Sú Thiết Lập Giá Mới

Bước sang đầu tháng 10, tôm sú thương phẩm ở Cà Mau thiết lập mặt bằng giá mới khi tăng bình quân 5.000 đồng/kg so với tuần trước. Đây cũng là mức giá cao nhất tính từ đầu năm đến nay

Monday. October 10th, 2011
Phương Pháp Nuôi Ếch Đồng Phương Pháp Nuôi Ếch Đồng

Ếch không chịu được rét, suốt mùa đông ếch ẩn nấp trong hang tránh rét, sang mùa xuân ấm áp mới đi lại kiếm ăn. Nên bắt đầu nuôi ếch từ mùa xuân, tháng 2-3 dương lịch

Sunday. June 12th, 2011
ĐBSCL: Nông Dân Tan Tác Mùa Tôm ĐBSCL: Nông Dân Tan Tác Mùa Tôm

Tôm sú nuôi ở Sóc Trăng, Bạc Liêu... đã và đang chết trên diện rộng, mức độ thiệt hại lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Hàng chục ngàn hộ nuôi tôm như “ngồi trên đống lửa” khi tôm mới thả nuôi được chừng 2 - 3 tháng bỗng dưng lủi đầu vô mé chết hàng loạt

Sunday. May 15th, 2011