Nông Dân Bức Xúc Vì Phân Bón Kém Chất Lượng
Là tỉnh có thế mạnh về phát triển kinh tế nông nghiệp nên nhu cầu sử dụng phân bón cho cây trồng ở Bình Phước rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề phân bón giả, kém chất lượng theo nghi vấn của người dân còn nhờ đến các cơ quan chức năng phân tích, đánh giá. Mới đây, người dân thôn Bàu Đỉa, xã Phước Tân (Bù Gia Mập) mua hơn 10 tấn phân NPK nhưng không dám đem bón vì nghi ngờ phân giả, chất lượng kém.
Vì sao hơn 10 tấn phân phải “trùm mền”?
Theo phản ánh của người dân thôn Bàu Đỉa, trước khi bước vào vụ điều 2013-2014, 13 hộ dân đăng ký mua phân bón của đại lý Hoàng Xuân ở xã Thuận Lợi (Đồng Phú) theo hình thức trả chậm - người dân nhận phân về bón trước cho cây trồng, đến mùa thu hoạch điều sẽ trả tiền. Tổng cộng 13 hộ dân thôn Bàu Đỉa đã mua gần 11 tấn phân NPK, với giá 550 ngàn đồng/bao 50kg.
Đến mùa điều, họ phải trả cho đại lý khoảng 120 triệu đồng. Những tưởng hình thức này sẽ giải quyết được khó khăn về vốn trước mắt, tạo điều kiện cho nông dân kịp thời chăm bón nhằm tăng năng suất cho cây điều, nhưng sau khi nhận hơn 10 tấn phân về, người dân lại không dám đem bón. Anh Đàm Văn Điện cho biết: “Khi đem ngâm nước, thấy chất lắng quá nhiều, chúng tôi không dám bón vì sợ tiền mất mà cây điều sẽ không cho thu hoạch”.
Để minh chứng, anh Điện lấy 1kg phân NPK đem thử nước. Sau khi hòa tan, quan sát bằng mắt thường, chúng tôi nhìn thấy màu nước trắng đục, phía dưới đọng lại rất nhiều cát mịn. Theo đó, cứ 1kg phân NPK sau khi hòa tan sẽ đọng lại khoảng 400g cát mịn. Theo anh Điện thì khi người dân phản ánh về chất lượng phân, đại lý cung cấp xin chở số phân trên về.
Vì không đồng ý với cách giải quyết này nên các hộ đã liên hệ với nơi sản xuất phân bón được ghi trên bao bì tại khu công nghiệp ở thị xã Đồng Xoài. Sau đó, công ty sản xuất đồng ý giảm 50 ngàn đồng/bao và khuyên người dân đem bón. Do nghi ngờ chất lượng nên hàng chục tấn phân hiện vẫn đang phủ bạt chờ cơ quan chức năng xử lý.
Cùng ở thôn Bàu Đỉa, gia đình ông Nguyễn Tiến Lý mua 500 kg phân NPK với giá 6,5 triệu đồng của một đại lý ở xã Nghĩa Bình (Bù Đăng) để bón cho 1 ha cà phê nuôi trái. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng mưa nhiều mà phân vẫn không tan hết, dưới gốc cà phê còn trơ lại nhiều hạt trắng giống như đất sét. Nghi ngờ mua nhầm phân giả, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, ông Lý đã làm đơn gửi lên công an xã.
Làm thế nào để phân biệt thật, giả?
Hình thức mua phân trả chậm tuy rẻ hơn giá thị trường, giải quyết khó khăn về vốn trước mắt nhưng rất dễ bị các đối tượng lợi dụng trà trộn phân không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới năng suất cây trồng. Hiện nay đã bước vào thời kỳ chăm bón cho cây điều ra hoa và đậu trái.
Tùy theo khả năng tài chính của nông hộ và niềm tin đối với nhãn hiệu phân bón, mỗi nông dân có cách lựa chọn theo kinh nghiệm của mình. Ông Nguyễn Thanh ở thôn Bàu Đỉa cho biết: “Phân đắt, mình bỏ ít hơn nhưng hàm lượng vẫn đảm bảo. Mua phân rẻ, số lượng nhiều thêm nhưng chất lượng kém thì chỉ tốn công sức”.
Làm thế nào để nhận biết được phân bón thật hay giả, chất lượng ra sao là điều không dễ đối với người nông dân. Ông Nguyễn Đình Hà, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Để phân biệt phân kém chất lượng phải kiểm nghiệm, phân tích thành phần, hàm lượng.
Nếu thấy sau thời gian bón mà phân không tan thì chưa đủ cơ sở để kết luận phân giả, bởi hàm lượng dinh dưỡng trong từng loại được quy định theo tỷ lệ in trên bao bì. Ví dụ như phân bón đa lượng NPK (16-16-8), thành phần chính gồm đạm, lân, ka li, hàm lượng dinh dưỡng giúp cây trồng phát triển chỉ có 40%, còn lại 60% nhà sản xuất dùng các chất độn. Tùy theo nhà sản xuất sử dụng các loại chất độn khác nhau như: đất sét, axit silic... nhằm hạ giá thành hoặc dễ bón...”.
Như vậy, điều quan trọng nhất chính là uy tín và chất lượng hàng hóa mà mỗi đại lý kinh doanh hoặc cơ sở sản xuất phân bón tạo ra để khách hàng tin tưởng chọn mua. Để nông dân yên tâm, tránh mua nhầm phân bón giả, không đảm bảo chất lượng, giảm nguy cơ thiệt hại đến cây trồng, ông Nguyễn Đình Hà khuyến cáo: “Nên mua của các cơ sở phân bón có tên tuổi hoặc mua trực tiếp tại đại lý để có cơ sở xử lý.
Trường hợp mua số lượng lớn hoặc thông qua các tổ chức hội thì phải có hợp đồng ràng buộc với nhà sản xuất, chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa. Sau đó nhờ cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này lấy mẫu để kiểm nghiệm trước khi bón. Như vậy sẽ tránh được tình trạng sau khi bón phân không đạt hiệu quả mới lên tiếng, rất khó cho ngành chức năng trong việc xác định và xử lý”.
Hiện cơ quan chức năng đã vào cuộc để làm rõ chất lượng số phân bón của các hộ dân thôn Bàu Đỉa. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi có kết quả kiểm nghiệm từ cơ quan chức năng.
Có thể bạn quan tâm
So với các địa phương trong vùng biển Gio Linh (Quảng Trị) thì thị trấn Cửa Việt là địa phương có lợi thế phát triển kinh tế biển và dịch vụ du lịch với đơn vị hành chính được thành lập sau khi chia tách một số thôn của xã Gio Hải và Gio Việt có vị trí thuận lợi nhờ vào cảng biển và cửa lạch, đồng thời cư dân ở thị trấn Cửa Việt có bề dày kinh nghiệm về đánh bắt hải sản...
Mới đây qua kiểm tra, Chi cục Thú y Đồng Nai đã phát hiện 15 cơ sở chăn nuôi có sử dụng chất cấm. Ngay sau đó, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương cùng vào cuộc, giữ lại đàn heo của các trại này, xử lý thật nghiêm, không để ra thị trường làm ảnh hưởng đến thương hiệu heo Đồng Nai.
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận vừa phê duyệt quy hoạch đồng cỏ và vùng chăn nuôi gia súc có sừng đến năm 2020.
Trong chăn nuôi heo, thức ăn chiếm 70 - 80% chi phí đầu tư. Do đó việc sử dụng nguồn thức ăn hợp lý vừa đáp ứng nhu cầu dưỡng chất các loại heo ở giai đoạn khác nhau để cho sức sản xuất tối đa vừa bảo đảm chi phí thấp nhất nhằm tạo lợi nhuận cao nhất luôn là trăn trở của các nhà chăn nuôi. Gia đình ông Phùng Văn Bộ, ở ấp Tà Hách, xã An Phú, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước không ngoại lệ.
Ngày 5.8, trong khuôn khổ Chương trình “Chung tay vì cộng đồng” tỉnh Quảng Ngãi, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), chi nhánh Quảng Ngãi phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, UBND các huyện Ba Tơ, Minh Long tổ chức trao tặng bò giống cho hộ nghèo.