Phát Triển Kinh Tế Biển Ở Cát Khánh
Xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) vừa có cửa biển Đề Gi, có đầm Đạm Thủy thuận lợi cho việc phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản. Trong những năm gần đây, Cát Khánh đã tập trung phát huy thế mạnh, khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biển.
Ông Đinh Thành Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cho biết: Trong những năm gần đây xã đã vận động ngư dân tăng cường phương tiện và thiết bị hiện đại đủ điều kiện vươn ra khơi xa để nâng cao năng lực khai thác, đánh bắt.
Xã đã có nhiều biện pháp giúp đỡ ngư dân, thực hiện Quyết định 48 của Chính phủ hỗ trợ dầu cho tàu đánh bắt xa bờ; đồng thời thường xuyên tuyên truyền cho ngư dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, tránh vi phạm lãnh hải nước khác.
Toàn xã hiện có 451 tàu cá, tổng công suất 43.450 CV, tăng gấp 2 lần so với 5 năm trước, nhiều nhất huyện Phù Cát. Trong đó có 161 tàu công suất từ 90 CV trở lên, chuyên đánh bắt xa bờ. Cảng cá Đề Gi luôn nhộn nhịp tàu thuyền ra vào, khoảng 50-70 lượt tàu/ngày.
Nhờ nâng cao năng lực đánh bắt nên sản lượng khai thác năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2013, sản lượng khai thác toàn xã hơn 9.050 tấn, đạt 100,5% kế hoạch, tăng hơn 150 tấn so năm 2012. Nhiều hộ ngư dân “ăn nên làm ra” với mức thu nhập trên 500 - 700 triệu đồng/năm. Đầu tư phát triển nghề biển đã đem lại nguồn thu nhập chính, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân và diện mạo làng biển.
Anh Nguyễn Trần Khoa ở thôn An Quang Tây, là chủ tàu BĐ 93240TS, công suất trên 410 CV, làm nghề câu cá ngừ đại dương, tâm sự: Chuẩn bị ra khơi trong năm mới này, tôi đã đầu tư trên 150 triệu đồng để sửa chữa tàu, hy vọng trời yên biển lặng, khai thác đánh bắt thuận lợi, giá cả sản phẩm được cải thiện, để ngư dân có thu nhập khá hơn…
Bên cạnh hoạt động đánh bắt xa bờ, nghề khai thác tôm hùm giống cũng đem lại thu nhập cao cho ngư dân Cát Khánh. Riêng đối với cá chua bột, với sản lượng khoảng 1,2 triệu con mỗi vụ, người dân Cát Khánh không chỉ khai thác mà đã đưa vào ươm nuôi cá chua giống, bà con nông dân ở thôn Ngãi An đã thu được hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.
Trong số 88 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản ở xã, diện tích nuôi cá chua thương phẩm chiếm khoảng 30 ha, cho thu nhập từ 50 -70 triệu đồng/ha/vụ…
Kinh tế biển phát triển đã kéo theo các dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển. Hiện toàn xã có gần 100 cơ sở thu mua, buôn bán hải sản, làm nước mắm, đan vá lưới, sản xuất nước đá, kinh doanh vật tư, xăng dầu phục vụ đi biển, đóng mới, sửa chữa tàu thuyền; qua đó tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người dân.
Có thể nói tiềm năng kinh tế biển ở Cát Khánh bước đầu đã được đánh thức, song hiệu quả chưa tương xứng, bởi số tàu thuyền công suất nhỏ còn nhiều, hạn chế trong việc vươn khơi xa; trong nuôi trồng còn manh mún, tự phát, rủi ro cao.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, ông Đinh Thành Tiến cho biết: Trong năm 2014, xã tiếp tục vận động ngư dân đầu tư nâng cao năng lực khai thác, đánh bắt, sản lượng trên 10.000 tấn hải sản các loại.
Vận động nhân dân bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Thành lập các tổ đoàn kết khai thác, đánh bắt trên biển để giúp nhau trong quá trình hoạt động, đảm bảo an toàn và tăng hiệu quả kinh tế.
Về nuôi trồng, phấn đấu đạt sản lượng trên 200 tấn, nghiên cứu từng vùng cho phù hợp với việc ươm nuôi chuyên tôm, chuyên cá, nuôi hỗn hợp để mang lại hiệu quả kinh tế cao trên diện tích ao nuôi, thực hiện tốt công tác phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng, phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá để thu hút lao động nhàn rỗi trong dân…
Có thể bạn quan tâm
Sau khi Báo NTNN đăng tải 2 bài về thương hiệu gà đồi Yên Thế (Bắc Giang) bị “đánh cắp”, lãnh đạo huyện này cho biết sẽ kêu gọi các doanh nghiệp chung tay giúp sức bảo vệ thương hiệu này.
Trước thông tin dịch bệnh xảy ra ở một số tỉnh miền Trung, phía Bắc và việc Trung Quốc cấm nhập khẩu thịt từ Việt Nam, giá heo hơi chỉ còn khoảng 3,6 triệu – 3,8 triệu đồng/tạ (giảm hơn 700.000 đ/tạ so cùng kỳ). Với mức giá này, người nuôi heo trong tỉnh An Giang lỗ từ 200.000 đ – 400.000 đ/tạ, do giá thành mỗi tạ heo khoảng 4 triệu đồng. Đây là nguyên nhân chính tác động đến phát triển nghề nuôi heo ở các địa phương, đến thời điểm 1-4, tổng đàn toàn tỉnh An Giang khoảng 167.000 con, giảm 6% so với cùng kỳ.
Ngày 27/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, dịch bệnh trên tôm xảy ra ở nhiều hồ nuôi của các hộ gia đình, theo kết quả xét nghiệm thì nguyên nhân dịch bệnh ở một số hồ nuôi được xác định là do bệnh teo gan, số còn lại chưa rõ nguyên nhân.
Năm 2013, huyện Vạn Ninh thả nuôi trên 180 ha tôm chân trắng, trong đó nuôi thâm canh theo công nghệ cao chiếm 25%, còn lại nuôi trong ao đất. Đối với tôm nuôi trong ao đất, tình hình vẫn không khả quan do tôm bị dịch. Tuy nhiên, các hộ nuôi tôm theo công nghệ cao lại được mùa do đảm bảo được các yếu tố như thức ăn, nguồn nước, môi trường.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử cho biết, sau thời gian thí điểm thành công chương trình bảo hiểm nông nghiệp, tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh chương trình theo hướng mở rộng quy mô cả hộ tham gia và diện tích đất sản xuất.