Phát Triển Đàn Lợn Nái Móng Cái Thuần
Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Đề án phát triển đàn lợn nái móng cái thuần trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2012 - 2015, huyện Bạch Thông đang nỗ lực triển khai nhằm chủ động về con giống phục vụ chăn nuôi, phát triển nhanh số lượng và chất lượng đàn lợn thịt. Sau hai năm thực hiện đề án bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên tỷ lệ lợn nái móng cái thuần sinh sản đạt cao.
Theo đó, năm 2012 huyện Bạch Thông đã triển khai thực hiện đề án tại xã Phương Linh, Quân Bình và đơn vị K98 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đóng trên địa bàn. Để có giống cung cấp cho các đơn vị, huyện đã tổ chức mua ở ngoại tỉnh 70 con lợn nái và 3 con lợn đực. Trong đó cấp 26 con lợn nái, 1 con lợn đực cho xã Phương Linh, 14 lợn nái và 1 lợn đực cho xã Quân Bình và 30 lợn nái, 1 lợn đực cho đơn vị K98. Các hộ dân tham gia nuôi lợn nái móng cái thuần được hỗ trợ một lần với mức 2 triệu đồng/con, hỗ trợ 500.000 đồng/lứa đẻ đối với lợn nái móng cái thuần sinh sản mua từ tỉnh ngoài. Đối với những hộ chăn nuôi lợn đực móng cái thuần được hỗ trợ 100% chi phí mua lợn đực giống, hỗ trợ 4 triệu đồng/con/năm để mua thức ăn bổ sung hằng năm, hỗ trợ thụ tinh là 150.000 đồng/lần phối giống đạt yêu cầu. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ số nái cung cấp cho các đơn vị trên hiện còn 56 con nái, trong đó số lợn nái đã sinh sản là 53 con, sinh sản được 317 con.
Năm 2013 từ số lợn nái trên huyện đã tổ chức bình tuyển được 111 con lợn nái hậu bị đạt tiêu chuẩn làm giống và cung cấp cho các xã Mỹ Thanh 38 con, Phương Linh 13 con, Cẩm Giàng 53 con, Quân Bình 1 con, Nguyên Phúc 4 con, Ban Chỉ huy quân sự huyện 2 con với mục đích để mở rộng đề án. Qua đánh giá cho thấy số lợn giống đã cấp phát triển khỏe mạnh.
Quân Bình là địa phương thực hiện đề án phát triển đàn lợn nái móng cái thuần của tỉnh và huyện, theo đó năm 2012 thực hiện đề án của huyện xã được cấp 33 con lợn nái cho 15 hộ gia đình. Qua quá trình thải loại hiện nay đàn lợn nái được cấp còn 29 con, đã sinh sản được 286 con, nâng tổng số đàn lợn của toàn xã lên 3.062 con, trong đó tổng số lợn nái là 339 con. Gia đình ông Mai Viết Căn, thôn Thôm Mò được cấp 3 con lợn nái móng cái thuần và một lợn đực, do được chăm sóc theo đúng kỹ thuật nên số con giống được cấp phát triển khỏe mạnh, sinh sản tốt đạt tiêu chuẩn. Hiện nay đàn lợn đã sinh sản được hai lứa, mỗi lứa gia đình xuất bán bình quân 11 con. Ông Căn cho biết, giống lợn nái móng cái thuần bước đầu thích nghi tốt với điều kiện thời tiết, khí hậu của địa phương nên phát triển ổn định, tỷ lệ sinh sản đạt cao, việc lựa chọn giống lợn nái móng cái thuần để phát triển đàn lợn thương phẩm là rất phù hợp.
Xã Quân Bình vốn là địa phương có truyền thống chăn nuôi lợn, tuy nhiên trong quá trình chăn nuôi người dân còn hạn chế về nguồn giống tốt, đạt tiêu chuẩn, sạch bệnh, thiếu kỹ thuật nên chất lượng đàn lợn không cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Vì vậy việc triển khai thực hiện đề án đã tạo điều kiện để lĩnh vực chăn nuôi của địa phương phát triển bền vững, hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho người chăn nuôi lợn. Đây là kết quả bước đầu giúp các hộ dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và yên tâm thực hiện đề án.
Được biết, trong thời gian tới huyện Bạch Thông sẽ tiếp tục chỉ đạo phòng chuyên môn tổ chức bình tuyển số lợn con của các lứa tiếp theo để cung ứng giống cho các hộ dân có nhu cầu trong và ngoài huyện. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế tại một số hộ dân thực hiện nuôi lợn nái móng cái thuần thì băn khoăn lớn nhất của các hộ hiện nay là đầu ra cho sản phẩm, kể cả việc tiêu thụ số lợn con đủ tiêu chuẩn và không đủ tiêu chuẩn làm lợn nái sinh sản. Vì vậy phần lớn các hộ chăn nuôi lợn nái đều mong muốn chính quyền địa phương quan tâm tìm thị trường tiêu thụ lợn thương phẩm ổn định, giúp người dân yên tâm đầu tư mở rộng đề án, nâng cao thu nhập.
Qua hai năm triển khai thực hiện đề án lợn nái móng cái thuần trên địa bàn huyện Bạch Thông bước đầu đã đem lại thành công, số lợn bị chết, bị thải loại ít, tỷ lệ lợn nái sinh sản đạt cao. Việc phát triển đề án nhằm tạo ra giống lợn thuần, đạt tiêu chuẩn chất lượng để dần thay thế giống lợn pha tạp của địa phương, đồng thời cung ứng nguồn giống lợn tại chỗ chất lượng cao, an toàn về dịch bệnh phục vụ nhu cầu phát triển chăn nuôi của nhân dân trên địa bàn huyện.
Có thể bạn quan tâm
Vài năm trở lại đây, ở xã Lang Quán (Yên Sơn), mô hình trồng dưa lê siêu ngọt của gia đình ông Nguyễn Văn Ý, xóm 6 cho thu lãi 80 triệu đồng/năm.
Với đặc điểm có diện tích đất trồng lúa và hoa màu chiếm tỉ lệ thấp, đa số đều là đất đồi cằn cỗi, một số nơi thường xuyên khô hạn, dinh dưỡng của đất thấp nên ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng cây trồng. Để tìm được cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai như vậy luôn là bài toán khó.
Anh Đàm Đức Thuận, thôn Ngòi Xanh 2, xã Phú Lâm (Yên Sơn) trước đây có hơn 1,2 ha đất chân ruộng cao cấy lúa và trồng cây rau màu nhưng không hiệu quả kinh tế. Năm 2002, anh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng cách đưa 100 cây bưởi diễn và 50 cây cam đường về trồng thử.
Vỗ béo bò trước khi bán mang lại hiệu quả cao nhờ tăng khối lượng và chất lượng thịt. Vỗ béo là biện pháp tích cực để phát huy khả năng sinh trưởng bù của bò khi ở giai đoạn trước không nuôi thâm canh.
Anh Phan Văn Thảo ở xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận là một trong những người đi đầu trong việc trồng thử nghiệm mô hình nấm rơm trên bông thải. Bước đầu cho thấy sự khả quan, có thể mở ra cơ hội nâng cao thu nhập cho người dân.