Gom tiền kiện gà Mỹ
“Dù có nhiều ý kiến bàn lùi hoặc cho rằng khó thắng kiện nhưng các thành viên của Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ vẫn quyết tâm theo đuổi vụ kiện đến cùng” - ông Nguyễn Minh Khanh, Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, khẳng định.
Củng cố hồ sơ
Theo ông Khanh, đến thời điểm này, hiệp hội đã chọn được công ty luật để tư vấn và lo các thủ tục pháp lý, chuẩn bị hồ sơ nộp cho Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) trong tháng 11 này.
Kinh phí vụ kiện được phân bổ cho các doanh nghiệp thành viên và được đóng góp theo tiến độ.
“Vụ kiện nhận được sự đồng thuận của các thành viên nên việc góp tiền tưởng chừng khó khăn nhưng lại diễn ra rất thuận lợi” - ông Khanh cho hay.
Cũng theo ông Khanh, dù có thông tin thịt gà Brazil đang bán sang Việt Nam với giá rẻ hơn cả gà Mỹ nhưng trước mắt, hiệp hội sẽ tập trung cho vụ kiện đầu tiên vì 95% đùi gà nhập khẩu là đến từ Mỹ, các nước còn lại chiếm thị phần không đáng kể.
Ông Âu Thanh Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, người được phân công sang Mỹ thu thập thông tin cho vụ kiện đã “tìm” được nhiều bằng chứng quan trọng cho thấy đủ cơ sở để khởi kiện.
“Khảo sát tại siêu thị giá rẻ của Mỹ là Wallmart, giá bán lẻ đùi gà là 2,79 USD/kg trong khi họ bán sang Việt Nam chỉ 0,8 USD/kg là hết sức bất thường, có dấu hiệu bán phá giá, bán dưới giá thành.
Kết quả khảo sát tình hình chăn nuôi gà công nghiệp tại Mỹ cũng cho thấy giá thành không chênh lệch so với Việt Nam.
Bởi, dù giá thức ăn chăn nuôi ở Mỹ thấp hơn Việt Nam 15% vì họ có lợi thế về nguyên liệu bắp, đậu nành nhưng chi phí nhân công, điện, vật liệu cao hơn Việt Nam.
Hơn nữa, đùi gà Mỹ nhập về Việt Nam còn phải tốn chi phí vận chuyển, bảo quản, thuế, phí...” - ông Long phân tích.
Cũng theo ông Long, các đơn vị tham gia vụ kiện đang chiếm khoảng 90% thị trường gà công nghiệp trong nước nên đủ đại diện cho ngành bị thiệt hại (luật quy định trên 25%).
Dự kiến, kinh phí cho vụ kiện là khoảng 10 tỉ đồng.
Hiệu ứng tốt
Theo ông Nguyễn Minh Khanh, tuy hành trình kiện gà Mỹ còn dài nhưng hiệu ứng thị trường rất tốt.
“Theo dõi thị trường 2 tháng qua, từ khi chúng tôi lên tiếng về việc thưa kiện, lượng đùi gà Mỹ nhập về Việt Nam giảm rõ rệt.
Điều này cho thấy các doanh nghiệp xuất khẩu bên Mỹ tự xem xét lại việc bán phá giá và nhà nhập khẩu ở Việt Nam cũng đã “chùn tay”, không dám nhập ồ ạt nữa.
Đối với người tiêu dùng, vì lo ngại chất lượng gà Mỹ giá rẻ có thể là hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng nên đã chuyển sang dùng thịt gà tươi trong nước.
Nhờ vậy, sau nhiều tháng bán dưới giá thành, nay giá gà lông xuất chuồng tại trại đã nhích lên và người chăn nuôi có lời chút đỉnh” - ông Khanh nói.
Chị Nguyễn Thị Tình (ngụ quận 8, TP HCM) cho biết trước đây, chị chỉ kỹ lưỡng khi chọn mua thịt gà ta vì chủ yếu làm món luộc; với gà công nghiệp, do còn phải qua khâu chế biến gia vị nên chị khá dễ tính.
Nhưng nay thì khác, sợ gặp phải hàng hết “đát” nên chị thường mua gà tươi, không dám mua gà đông lạnh đổ đống như trước.
“Để ý mới thấy, gà đông lạnh tủy thường đen do để quá lâu, không đỏ hồng như gà mới, phần thịt thì bở như bột, không mềm và ngọt như gà tươi” - chị Tình chia sẻ.
Theo khảo sát của chúng tôi vào cuối tháng 10, giá gà lông trắng (gà công nghiệp) bán tại trại chăn nuôi Đông Nam Bộ đã nhích lên 27.000-28.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2015.
Cùng với đó, giá đùi gà góc tư của Mỹ bán trên thị trường TP HCM cũng tăng lên do không còn áp lực xả hàng như trước.
Đùi gà góc tư hiệu Perdue, Simmon, Key, Tyson (tên nhà sản xuất của Mỹ) được các đầu mối bán sỉ qua mạng chào giá từ 26.000-30.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với trước (bán nguyên thùng 15 kg).
Tại khu vực chuyên bán thịt nhập khẩu nằm trên Quốc lộ 50 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), đùi gà Mỹ loại rẻ nhất có giá 22.000 đồng/kg (bán sỉ), so với cách đây 2 tháng giá thấp nhất là 17.500 đồng/kg.
Gà ngoại giá quá bèo
Theo công bố của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, lượng thịt gà Mỹ nhập về Việt Nam là 41.600 tấn, giá nhập trung bình trước thuế là 0,9 USD/kg (cả năm 2014 nhập 56.400 tấn, giá trung bình 1,1 USD/kg).
Riêng đùi gà thì Mỹ chiếm tới 98% về sản lượng, giá nhập trung bình 0,94 USD/kg và phải chịu thuế nhập khẩu 20%.
Trong khi đó, giá gà lông trắng nuôi trong nước đang ở mức 25.000-26.000 đồng/kg, gà giết mổ nguyên con có giá bán 34.000-36.000 đồng/kg.
Tại Mỹ, giá trị con gà nằm ở phần thịt ức nên những phần còn lại đều có giá rất rẻ.
Còn thị trường Việt Nam, ức gà không được chuộng nên thường dùng để chế biến và giá bán chỉ bằng gà nguyên con.
Ở thời điểm đùi gà Mỹ nhập về ồ ạt, giá rẻ nên không chỉ được bán vào quán ăn bình dân, bếp ăn tập thể mà còn vào cơ sở chế biến khiến ức gà nội bị tồn rất nhiều.
Dù giá siêu rẻ nhưng ức gà không xuất khẩu được khiến ngành chăn nuôi gà Việt Nam thua lỗ.
Thịt gà công nghiệp nội đang được bán với giá cao hơn hẳn hàng nhập nhưng với ưu thế là hàng tươi, mới giết mổ nên được thị trường chấp nhận tương đối.
Cụ thể, đùi gà góc tư (tươi) bán lẻ 40.000 đồng/kg trong khi gà nhập chỉ 30.000 đồng/kg.
Nếu mua sỉ thì giá còn chênh lệch nhiều, gà nội 38.000 đồng/kg, gà ngoại 22.000-26.000 đồng/kg nên việc các cơ sở kinh doanh, chế biến thích gà ngoại là điều dễ hiểu.
Có thể bạn quan tâm
Sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đến nay, sức tiêu thụ gia cầm, các sản phẩm gia cầm giảm mạnh, giá trứng, thịt gia cầm cũng giảm theo, làm người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.
Tại hầu hết các địa phương, nông dân đều đứng ngồi không yên bởi giá lúa giảm khá sâu ở tất cả các loại, từ lúa thường đến lúa thơm. Chính các thương lái cũng tỏ ra bất ngờ trước tình trạng này.
Từ khi thực hiện mô hình sản xuất đưa hoa màu xuống ruộng, nhiều nông dân ở xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long, Bạc Liêu) đã ăn nên làm ra. Hiện nay, cây bắp được nông dân xem như một trong những loại hoa màu chủ lực.
Hồ tiêu đang là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các cây trồng khác, nhiều nơi người dân ồ ạt trồng tiêu với diện tích lớn nhưng chủ yếu theo hình thức tự phát và chưa có sự hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia tư vấn, các nhà chuyên môn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu chết hàng loạt trong thời gian qua.
Việc nông dân lệ thuộc vào thương lái, DN lại e ngại làm các thủ tục xuất khẩu theo đường chính ngạch không chỉ làm giá trị trái thanh long giảm sút, mà còn gặp rủi ro cao khi phải xuất bán bằng đường tiểu ngạch.