Phát Triển Chăn Nuôi Bò
Việc nuôi bò không chỉ có 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang), mà ngay cả vùng đầu nguồn, các huyện cù lao và ven sông Hậu cũng phát triển mạnh. Mô hình “2b” (trồng bắp và nuôi bò) trở nên phổ biến, khi nông dân tận dụng phụ phẩm trồng trọt để chăn nuôi, vừa giải quyết việc làm, vừa tăng thu nhập cho gia đình ở nông thôn.
Ở ấp An Thạnh (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) có ông Chau Ting cho nuôi bò rẻ trên 100 con/năm, trở thành mô hình tiêu biểu đối với phum, sóc miền núi. Tại ấp Đây Cà Hom (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên) cũng có ông Chau Siêm phát triển đàn bò gia đình theo cách làm tương tự. Để phát huy hiệu quả, các xã Văn Giáo, Tân Lợi, An Cư, Nhơn Hưng… phối hợp huyện Tịnh Biên mở lớp dạy nghề chăn nuôi bò giống, bò thịt, bò vỗ béo… cho hơn 290 hộ đồng bào Khmer và hỗ trợ vốn vay theo Đề án 25 của UBND tỉnh.
Đặc biệt, hướng dẫn phương pháp gieo tinh lai giống, tạo nguồn thức ăn xanh, chăm sóc, kỹ thuật tiêm phòng… Đối với trang trại của Chau Sóc (ấp Ninh Lợi, xã An Tức, huyện Tri Tôn) mỗi ngày bán ra trên 10 con bò giống, bò thịt cho các nơi trong tỉnh và đưa về khắp vùng lân cận. “Nhờ mấy anh Khuyến nông trên huyện, Hội Nông dân xã khuyến khích mạnh dạn mần. Hồi đó, chỉ biết mần ruộng, đâu có mua bán bò” – anh Sóc thiệt tình.
Thông qua các lớp dạy nghề và hỗ trợ vốn của các cấp, năm 2012 mô hình nuôi bò vỗ béo bắt đầu phát triển ở Hòa Lạc (Phú Tân) với hơn 100 hộ tham gia, hiệu quả đạt trên 90% yêu cầu so với trước đó; đồng thời, địa phương này còn thành lập dự án chăn nuôi bò thịt có 12 thành viên tham gia.
Tương tự, tại xã Bình Chánh (Châu Phú) có từ 60 hộ đến 70 hộ chăn nuôi khoảng 300 con bò thịt, giá bán theo thời điểm dao động 50 triệu đồng – 60 triệu đồng một cặp (2 con, một năm tuổi), khiến hộ nghèo và người tham gia chăn nuôi bò thịt rất phấn khởi.
Theo anh Hồ Trần Minh (khóm Long Qưới C, phường Long Phú, TX. Tân Châu), với 18 con bò thịt 11 tháng tuổi, nếu bán tại thời điểm 220.000đ/kg thịt hơi sẽ tổng thu 414 triệu đồng, trừ công trồng cỏ và vốn bò giống, lời trên 180 triệu đồng (1 triệu đồng/con/tháng). Từ đây, anh phát triển thêm việc lắp đặt túi biogas và xây bể nuôi trùn quế, mô hình được tuyên dương năm 2012 và nhân rộng ra các xã, phường.
Với phương pháp “Trồng màu kết hợp chăn nuôi bò vỗ béo”, mô hình của anh Võ Bát Giáo (ấp Thạnh Nhơn, xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành) được công nhận “Nông dân giỏi” năm 2012. Anh cho biết, ngoài việc trồng rau màu các loại, còn tận dụng đất theo bờ kênh trồng cỏ VA06 và kết hợp với phụ phẩm trồng trọt để nuôi thêm 3 con bò vỗ béo; sau 12 tháng bán được 60 triệu đồng, trừ tất cả chi phí lợi nhuận được 50%.
Còn anh Lê Thái Hoàng (xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới) có 2 công đất sản xuất lúa kém hiệu quả, mới chuyển sang trồng cỏ nuôi bò; cứ 6 tháng bán một đợt được 5 con bò thịt và một năm tổng doanh thu khoảng 165 triệu đồng, sau khi trừ vốn đầu tư nuôi 90 triệu đồng, còn lời được 75 triệu đồng. “Mô hình nuôi bò giống, bò thịt, bò vỗ béo… đều cho hiệu quả kinh tế do ít rủi ro, chủ yếu lấy công lao động của gia đình để làm lời” – anh Hoàng thừa nhận. Góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho mô hình, còn có sự tham gia tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò do Hội Nông dân xã Nhơn Mỹ tổ chức.
Năm 2013, mô hình “2b” phát triển mạnh ở khu vực Mỹ An – Hội An, lan rộng xuống Hòa An, Hòa Bình, Long Điền A… cho đến vùng cù lao Giêng của Chợ Mới. Trong đó, chỉ riêng ở Bình Phước Xuân, với việc hình thành 3 Tổ hợp tác chăn nuôi bò, có 37 thành viên và 9,5 héc-ta đất làm ăn hiệu quả tốt.
Để góp phần phong trào nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi, Câu lạc bộ Nông dân các ấp hoạt động đi vào chiều sâu, cung cấp thông tin, vận động hội viên, nông dân tham gia huấn luyện kỹ thuật và tích cực hưởng ứng thực hiện mô hình “2b”. Còn vùng nguyên liệu bắp ở Mỹ An, tổng đàn bò phát triển khoảng 3.000 con (giống và thịt), đem lại nguồn thu nhập kinh tế gia đình đáng kể cho nông dân và giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính về việc đưa mặt hàng thức ăn chăn nuôi sản xuất công nghiệp đang áp dụng mức thuế giá trị gia tăng là 5% về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Thành phố Ðà Nẵng có 11 xã thuộc huyện Hòa Vang tham gia xây dựng nông thôn mới. Ðến nay, đã có hai xã Hòa Châu và Hòa Tiến được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện đang phấn đấu trong hai năm 2014 và 2015, đưa chín xã còn lại hoàn thành 19 tiêu chí theo quy định, về đích trước năm năm so với cả nước.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đổi mới căn bản về công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, trong đó có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần được tiếp tục tháo gỡ...
Ông Anh Quân, nông dân ở xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) hồ hởi: “Tôi có hơn 600 gốc ca cao trồng xen với cao su trên diện tích 2 ha, nên vừa rồi dù giá mủ cao su rớt mạnh, nhưng cũng vớt vát lại được hơn 100 triệu đồng nhờ bán quả ca cao tươi”.
Nhiều giải pháp về thuế, vốn vay, chính sách phát triển công nghiệp chế biến sâu sản phẩm cao su… đã được đặt ra tại hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ cao su nguyên liệu trong nước mới diễn ra tại TP.HCM.