Cá Ngừ Bình Định Sẽ Đấu Giá Ở Nhật
Lần đầu tiên ngư dân Bình Định bắt đầu tiếp cận với năm bộ câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản và được huấn luyện đánh bắt theo cách Nhật.
Từ phương pháp đánh bắt mới này đang mở ra một cơ hội lớn cho việc xuất khẩu cá ngừ vào thị trường Nhật, nâng cao thu nhập cho ngư dân...
UBND tỉnh Bình Định đã chọn bà con ngư dân cửa biển Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) để triển khai thí điểm, từ đó lan tỏa sang các vùng lân cận...
Trao cần câu cho ngư dân
Trước đó, hai chuyên gia Nhật Bản là ông Hirosuke Kato và ông Masakazu Shoga, theo lời mời của chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc, từ Osaka bay qua để trực tiếp hướng dẫn ngư dân cách sử dụng bộ câu, cách thức câu, cách sử dụng thiết bị để giữ con cá ngừ còn sống lên boong tàu, cách lấy sạch máu cá và làm lạnh đột ngột như thế nào để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật.
"Tôi muốn bắt đầu từ năm bộ câu lần này, sau đó số lượng bộ câu sẽ nâng lên nhiều hơn. Bình Định có hơn 2.700 tàu lớn đánh bắt cá ngừ khắp các ngư trường xa. Sản lượng đánh bắt cá ngừ đại dương mỗi năm khoảng 10.000 tấn. Hi vọng với chất lượng cá ngừ tốt, xuất sang Nhật giá cao hơn thì đời sống của ngư dân Bình Định sẽ dần đổi thay"
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định LÊ HỮU LỘC
Để có năm bộ câu cá ngừ nói trên (và một số thiết bị kèm theo) trang bị cho năm tàu cá đầu tiên của ngư dân xã Tam Quan Bắc, UBND tỉnh Bình Định đã trích ngân sách gần 1,5 tỉ đồng mua tận Osaka mang về.
Sau khi tận mắt chứng kiến ông Masakazu Shoga hướng dẫn từng chi tiết, từng thao tác sử dụng bộ câu mới, hơn 50 ngư dân Tam Quan Bắc vô cùng phấn chấn.
Ông La Phải (66 tuổi, ngụ Tam Quan Bắc), một trong những ngư dân được tiếp nhận bộ câu cá ngừ và có thâm niên trên 40 năm đi biển, cho biết lâu nay bà con ngư dân câu cá ngừ bằng đèn cao áp, mặc dù sản lượng đánh bắt cao nhưng thu nhập thấp do chất lượng cá bị đánh giá kém, giá chỉ từ 70.000-80.000 đồng/kg. Gần đây bà con chuyển sang câu vàng, tương đối giống với cách câu của Nhật hiện nay, giá tăng lên 180.000-200.000 đồng/kg.
“Bộ câu của Nhật rất hay, khi cá cắn mồi sẽ chạy đều do máy tự động buông dây. Sau đó thu dây, kéo cá cũng rất nhẹ nhàng. Cái hay nhất mà ngư dân mình chưa từng biết là thiết bị chích cá tê bằng điện sau khi kéo lên gần boong tàu và cách chích máu trước khi cấp đông để thịt con cá rất trắng và đẹp. Biết được kỹ thuật này bà con ngư dân chúng tôi mừng lắm”- ông Phải nói.
Với cách đánh bắt cá ngừ truyền thống lâu nay, khi đưa cá lên boong tàu, phần lớn ngư dân thường lấy búa đập đầu cá cho chết rồi chuyển xuống hầm đông lạnh. “Giờ nghe các chuyên gia Nhật phân tích cách làm này dẫn tới chất lượng cá ngừ đại dương của Bình Định kém, không thể xuất khẩu sang Nhật. Do vậy, sắp tới chúng tôi phải thay đổi cách làm để nâng cao giá trị con cá” - ông Trương Văn Sanh, một ngư dân ở Tam Quan Bắc, bộc bạch.
Là người trực tiếp hướng dẫn ngư dân, chuyên gia Masakazu Shoga cho biết có mười năm làm thuyền trưởng khai thác cá ngừ đại dương cho một công ty thủy sản của Tập đoàn Nippon nên rất hiểu cần cung cấp những kỹ năng gì cho ngư dân ở Bình Định. “Ngư dân ở địa phương này thật ra cũng không khác ngư dân Nhật, họ hiểu và tiếp thu nhanh, nắm rõ yêu cầu khắt khe về kỹ thuật. Tôi tin họ sẽ làm tốt và sử dụng bộ câu hiệu quả” - ông Masakazu Shoga nhận xét.
Giá cao hơn 20%
Chiều 12.6, mặc dù đã hướng dẫn xong cho ngư dân từ hai ngày trước đó, nhưng hai ông Hirosuke Kato và Masakazu Shoga vẫn từ TP Quy Nhơn đến cửa biển Tam Quan Bắc hơn 100km để gặp lại ngư dân, tập dượt bà con thật kỹ lần cuối trước khi lên đường về nước. “Chúng tôi đại diện cho Công ty Kato Hitoshi General Office, đơn vị sẽ mua lô hàng cá ngừ đầu tiên của bà con ngư dân Bình Định để xuất sang Osaka (Nhật) trong thời gian tới.
Và nếu không có gì thay đổi, cá ngừ Bình Định sẽ chính thức xuất hiện trong những phiên chợ đấu giá cá ngừ ở Osaka để bán cho các nhà hàng. Hi vọng đây là sự khởi đầu tốt đẹp giúp ngư dân Bình Định có thu nhập khá hơn” - ông Hirosuke Kato nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc cho biết trước mắt ngư dân câu cá ngừ đại dương bằng bộ câu và kỹ thuật của Nhật sẽ được Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định mua giá cao hơn 20% so với mức giá cao nhất hiện nay. Sau đó, toàn bộ số cá ngừ sẽ được vận chuyển bằng máy bay từ Bình Định vào TP.HCM và chuyển sang Nhật trong ngày.
“Phải đảm bảo thời gian cá ngừ Bình Định đưa sang Osaka dưới mười ngày kể từ khi câu được trên biển. Công ty Kato Hitoshi General Office sẽ giúp tiêu thụ cá ngừ Bình Định tại Osaka và tiếp tục chia sẻ lợi ích này một lần nữa cho ngư dân” - ông Lộc tự tin nói.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù không phải là nghề chính, thế nhưng mùa ruốc biển (còn gọi là khuyết) năm nay, ngư dân các vùng bãi ngang Lệ Thủy (Quảng Bình) được cả mùa lẫn giá khiến cho nhiều người vô cùng phấn khởi. Khai thác ruốc biển đã mang lại khoản thu nhập không hề nhỏ cho những ngư dân nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Hòa bắt đầu nuôi ba ba từ năm 2000. Ban đầu, ông xây ao nuôi thử nghiệm 15 con ba ba giống nhưng do chưa biết cách chăm sóc, phòng bệnh nên ba ba chết dần dần. Học hỏi kinh nghiệm từ mô hình nuôi ba ba ở các tỉnh khác và tự rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi, trong vòng 4 năm ông Hòa đã ổn định được tay nghề và bắt đầu kiếm được thu nhập 100 triệu đồng/năm.
Theo Sở NN&PTNT, đến thời điểm này diện tích có tôm thả nuôi trong toàn tỉnh Bạc Liêu là 84.000ha. Trong đó, tôm nuôi theo mô hình thâm canh và bán thâm canh 6.277ha. Trong tuần qua, nông dân đã thu hoạch 53.436ha tôm nuôi, sản lượng đạt gần 1.500 tấn. Sau khi thu hoạch, nông dân tiếp tục cải tạo ao vuông và thả tôm nuôi hơn 19.200ha. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đã có 5.408ha tôm nuôi bị thiệt hại.
Công ty TNHH liên doanh Thung Lũng Nắng đang tiếp tục đầu tư hoàn thành Dự án Trang trại nuôi cá “Thung lũng cầu vồng” tại xã Đạ Sar và xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Với tổng nguồn vốn 1,7 triệu USD, trên địa bàn 2 xã này, công ty thực hiện dự án trên 100ha rừng thuộc Khoảnh 3, Tiểu khu 115 và các Khoảnh 3, 7, 8, 9, Tiểu khu 99, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim.
Năm 14 tuổi, anh Trần Trọng Hoài ở khu 1, phường Tuần Châu (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã lặn lội về quê gốc tại huyện Phù Mỹ (Bình Định) để học nghề nuôi trồng thuỷ sản. Năm 1993, trở về Tuần Châu, anh nhận thấy tại khu vực Nuỗng Đầm có thể cải tạo để nuôi thuỷ sản. Anh đã xin chính quyền cấp cho 10ha để phát triển kinh tế.