Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đóng Tàu Vỏ Sắt Cho Ngư Dân Cần Thí Điểm Trước Khi Làm Đại Trà

Đóng Tàu Vỏ Sắt Cho Ngư Dân Cần Thí Điểm Trước Khi Làm Đại Trà
Ngày đăng: 17/06/2014

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa chủ trì Hội nghị họp bàn về dự thảo Nghị định một số chính sách phát triển thủy sản tại Đà Nẵng. Tham dự hội nghị có 9 tỉnh, thành phố ven biển cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt, tại hội nghị lần này có sự tham gia của các ngư dân nên đã có nhiều ý kiến, đề xuất sát với thực tế.

Nhiều ưu đãi cụ thể

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cho rằng: Đây là dự thảo có nhiều điểm mang tính đột phá trong chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới. Đối tượng hưởng lợi chính là ngư dân, những người trực tiếp làm ra sản phẩm từ biển.

Các đại biểu dự hội nghị đã tán thành chủ trương dành nguồn vốn ưu đãi và ngân sách để hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản và hoạt động dịch vụ tàu cá xa bờ như dự thảo của Nghị định. Theo đó, các tổ chức, cá nhân đóng mới, gia cố bọc vỏ thép cho tàu có tổng công suất máy chính từ 380CV trở lên để khai thác hải sản xa bờ và cung cấp dịch vụ hậu cần có thể vay tối đa đến 95% giá trị đầu tư với lãi suất 5%/năm. Trong đó, chủ tàu trả lãi chỉ 1%, ngân sách nhà nước cấp bù cho ngân hàng thương mại 4%/năm.

Đối với tàu vỏ gỗ đóng mới, chủ tàu được vay tối đa 85% và trả lãi 2%/năm, nhà nước cấp bù ngân hàng thương mại 3%/năm, thời gian vay tối đa 11 năm (bao gồm 1 năm ân hạn). Chủ tàu còn được vay đến 70% chi phí cho các chuyến đi biển với lãi suất ưu đãi 7%/năm.

Đồng thời, nhà nước sẽ có nhiều ưu đãi về thuế, bảo hiểm và các chính sách khác như hỗ trợ chi phí đào tạo thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa, xăng dầu phục vụ tàu hoạt động...

Về chính sách đầu tư, dự thảo quy định ngân sách Trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng cảng cá loại 1, khu neo đậu tránh bão cấp vùng; hỗ trợ đầu tư tối đa 90% đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Trung ương cũng đầu tư 100% đối với các hạng mục hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất giống tập trung... do các bộ, ngành quản lý.

Ngân sách nhà nước ưu tiên bố trí vốn hàng năm để thực hiện, đảm bảo đẩy nhanh và hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án theo quy định; tập trung ưu tiên xây dựng, nâng cấp công trình tại các đảo Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc, Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Cồn Cỏ...

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, dự thảo lần này nhằm phát triển đồng bộ các chính sách phát triển ngành thủy sản của Việt Nam, khuyến khích được ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“Lâu nay chúng ta nói rất nhiều trong việc khuyến khích, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, nhưng thực tế chưa làm được bao nhiêu. Lần này sẽ làm quyết liệt để ngư dân mỗi khi vươn khơi đánh bắt yên tâm hơn, đi được dài ngày hơn, bán sản phẩm được giá hơn” - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.

Tàu vỏ sắt phải gắn với hiệu quả

Tuy nhiên, tại hội nghị đã có nhiều ý kiến cho rằng, cần phải nghiên cứu kỹ, bổ sung thêm nhiều vấn đề để phù hợp với điều kiện thực tế.

Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng: Nếu cứ tập trung phát triển tàu to, tàu vỏ sắt mà hạ tầng không đồng bộ, thì cũng không mang lại hiệu quả. Ngoài việc hỗ trợ đóng tàu vỏ sắt, tàu gỗ công suất lớn, nhà nước cũng cần phải hỗ trợ cho việc cải hoán tàu thuyền của ngư dân. Bởi đây là nhu cầu hết sức thiết yếu trong thời điểm hiện nay. Chỉ tính riêng trong năm 2013, ngư dân Quảng Ngãi đã cải hoán, nâng công suất tàu thuyền tổng cộng trên 100.000 CV.

Bên cạnh đó, ông Phạm Trường Thọ cũng đề xuất cần xây dựng những nhà máy, xí nghiệp sửa chữa tàu vỏ sắt. Bởi hiện nay, ở hầu hết các địa phương chỉ có những nhà máy đóng, sửa chữa tàu vỏ gỗ.

Trong khi đó, bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề xuất nên tập trung đầu tư nạo vét, khơi thông những khu neo đậu tàu thuyền, cảng cá. Ở Bình Định hiện nay có cảng cá Tam Quang nhưng đã bị bồi lấp nghiêm trọng, hơn 2.000 tàu cá của tỉnh ra vào hết sức khó khăn, nếu đầu tư đóng tàu công suất lớn, tàu vỏ sắt thì chắc chắn sẽ không ra vào được.

Bà Trần Thị Thu Hà cũng cho rằng, việc đóng tàu vỏ sắt cần phải nghiên cứu kỹ, có mẫu trước cho ngư dân xem xét rồi quyết định. Mỗi loại tàu cần phải phù hợp với lĩnh vực đánh bắt. Tàu câu cá ngừ đại dương khác, tàu câu mực khác. Ngoài ra, việc trang bị ngư lưới cụ phục vụ đánh bắt của ngư dân cũng cần được đầu tư. Nếu sắm tàu to nhưng thiết bị đánh bắt lạc hậu thì chẳng những không hiệu quả mà còn lãng phí.

Đối với chính sách tín dụng, ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đề nghị cần bổ sung thêm đối tượng được vay ưu đãi trong nghị định này là các doanh nghiệp. Bởi không chỉ ở Phú Yên mà hầu hết các tỉnh, thành miền Trung hiện nay có các doanh nghiệp hình thành đội đánh bắt, dịch vụ nghề cá khép kín. Họ cũng như những ngư dân ngày đêm vươn khơi bám biển.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng trong đề án đóng mới tàu vỏ sắt cũng cần phải phân vùng cụ thể. Nếu vùng nào phù hợp với tàu vỏ sắt thì đầu tư, vùng nào chỉ cần tàu vỏ gỗ truyền thống thì tập trung hỗ trợ.

Hội nghị trở nên sôi nổi bởi những ý kiến của ngư dân khi đưa ra nhiều thực tế mà họ chính là những người tường tận nhất.

Ngư dân Bùi Thanh Ninh (Bình Định), cho rằng: “Thật sự trong hàng chục năm làm ngư dân tôi chưa biết tàu cá vỏ sắt như thế nào, vận hành ra sao... Vì vậy, Nhà nước cần làm thí điểm để ngư dân chúng tôi biết rồi làm theo. Chứ bây giờ đi vay 7 - 8 tỷ đồng đóng tàu vỏ sắt thì không dám”.

Ngư dân Lê Văn Chiến (Đà Nẵng) đề xuất: “Theo tôi, trước hết nhà nước nên bỏ vốn ra đầu tư đóng tàu vỏ sắt. Sau đó giao cho một doanh nghiệp hay tổ chức nào quản lý, khai thác. Ngư dân chúng tôi sẵn sàng vào làm thuê trên những tàu cá vỏ sắt này. Nếu thấy hiệu quả, từ đó chúng tôi mới dám đứng ra vay vốn, đầu tư được”.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ghi nhận những đóng góp, kiến nghị của các đại biểu, đồng thời khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo nghị định và các vấn đề liên quan để ngư dân được hưởng các chính sách ưu đãi này trong thời gian sớm nhất.


Có thể bạn quan tâm

Giống Bò Lai Zebu Chiếm Tỷ Trọng Cao Trên Tổng Đàn Gia Súc Giống Bò Lai Zebu Chiếm Tỷ Trọng Cao Trên Tổng Đàn Gia Súc

Điểm nổi bật về phát triển chăn nuôi thời gian qua là chuyển mạnh từ hình thức chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi thâm canh, hình thành nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại theo hình thức tập trung, thâm canh, bán công nghiệp và công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.

24/10/2014
Phú Yên Nuôi Trâu, Bò Lai Thu Lãi Cao Phú Yên Nuôi Trâu, Bò Lai Thu Lãi Cao

Hiện nay các địa phương đã thu hoạch xong lúa hè thu, các cánh đồng bỏ hoang chờ gối vụ, rất thuận lợi cho việc thả trâu không chăn giữ. Bên cạnh đó, thời điểm này là mùa mưa nên cũng rất thuận lợi cho việc trồng cỏ nuôi bò lai.

24/10/2014
Cà Chua Lại Rớt Giá Cà Chua Lại Rớt Giá

Theo đa số chủ vựa thu mua cà chua, giá cà chua quá thấp thì cả nhà vườn và người buôn đều lỗ. Vựa cà chua Thắng Bảy (Thạnh Mỹ, Đơn Dương) cũng cho biết: “Chúng tôi cố lắm thì chỉ thu mua cà loại 1, trái to đẹp xuất đi cũng chỉ được gần 1.000 đồng/kg”.

24/10/2014
Vựa Nếp Giống Ở Cù Lao Phú Tân (An Giang) Vựa Nếp Giống Ở Cù Lao Phú Tân (An Giang)

Với khả năng cung ứng mỗi năm 1.000 tấn nếp giống cho hơn 75% nông dân trồng nếp chuyên canh trong huyện và một số vùng lân cận, Tổ liên kết (TLK) sản xuất nếp giống xã Phú Hưng (Phú Tân - An Giang) được bà con ví như vựa giống của huyện cù lao. Không chỉ mạnh về số lượng, TLK sản xuất giống Phú Hưng còn đi đầu về giống nếp CK92 chất lượng cao, phục vụ nhu cầu sản xuất nếp hàng hóa của người dân.

24/10/2014
TTCS Công Bố Chính Sách Thu Mua Mía Vụ 2014 – 2015 TTCS Công Bố Chính Sách Thu Mua Mía Vụ 2014 – 2015

Các giống mía khác cũng có giá thu mua cơ bản 10CCS 900.000 đồng/tấn, có mức trợ giá tương tự hai giống mía trên nhưng mức bảo hiểm chữ đường thấp hơn. Cụ thể, từ đầu vụ thu hoạch đến trước tết Nguyên đán là 8CCS, sau tết là 8,5CCS.

24/10/2014