Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát Triển Cây Bắp Lai Chịu Hạn Nhiều Ưu Điểm

Phát Triển Cây Bắp Lai Chịu Hạn Nhiều Ưu Điểm
Ngày đăng: 04/11/2014

Sau gần 2 năm triển khai dự án “Xây dựng mô hình phát triển cây bắp lai chịu hạn LVN61 tại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa)” cho thấy, giống bắp mới có tính chịu hạn cao, phù hợp với đất đai, điều kiện thời tiết và cho năng suất cao hơn.

Dự án này triển khai 3 mô hình: Phát triển cây bắp lai chịu hạn LVN61 phù hợp với điều kiện đầu tư hạn chế của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Thành Sơn; thâm canh tổng hợp tại các xã: Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam, Sơn Bình, Sơn Hiệp và Thành Sơn; xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp kết hợp trồng xen đậu tại xã Sơn Bình.

Có hơn 50 hộ tham gia trực tiếp vào dự án với tổng diện tích gieo trồng 51ha. Ngoài ra, dự án còn tổ chức hội thảo đầu bờ, chuyển giao kỹ thuật cho gần 400 người dân trong vùng thực hiện dự án.

Vụ Hè Thu năm 2014 là vụ thứ 3 triển khai mô hình. Tuy gặp 2 đợt hạn hán vào cuối tháng 6 và đầu tháng 8 vừa qua nhưng diện tích bắp lai vẫn phát triển tốt. Ông Cao Nanh (thôn Dốc Trầu, xã Ba Cụm Bắc), hộ dân tham gia dự án phấn khởi nói: “Qua mấy niên vụ, tôi thấy giống bắp mới có nhiều ưu điểm như trái to, chịu hạn tốt. Gia đình tôi trồng 1,2ha, năng suất bình quân đạt 61 tạ/ha/vụ.

Trừ chi phí lãi gần 10 triệu đồng, nhiều hơn 4 triệu đồng so với kiểu trồng cũ”. Chị Bo Bo Thị Chi (thôn Cô Lắc, xã Sơn Bình) cho biết, gia đình chị tham gia mô hình thâm canh tổng hợp bắp lai chịu hạn LVN61 kết hợp trồng xen đậu trên 1ha đất. Kết thúc mỗi vụ (2 vụ/năm), gia đình chị thu hoạch được 7,2 tạ đậu và 57 tạ bắp. Trừ chi phí, lãi khoảng 18 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với canh tác kiểu truyền thống trước đây.

Với hơn 1.000ha đất trồng hàng năm, cây bắp là cây trồng lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hạn hán cùng tập quán canh tác cũ, năng suất bắp luôn thiếu ổn định, hiệu quả chưa cao.

Thạc sĩ Phạm Vũ Bảo, Phó bộ môn Hệ thống nông nghiệp - Viện Khoa học kỹ thuật Duyên hải Nam Trung bộ cho biết, để giúp bà con khắc phục các nhược điểm trên, nâng cao năng suất, dự án đưa giống bắp lai LVN61 có khả năng chịu hạn tốt thay cho các giống cũ; đồng thời hướng dẫn bà con thay đổi cách thức gieo trồng, bón phân, chăm cây theo đúng định kỳ…

Qua 3 vụ, mô hình đã chứng minh được giống bắp này có khả năng chịu hạn tốt so với các giống bắp khác đang trồng ở địa phương. Khi gặp hạn, năng suất thấp nhất cũng đạt 52 tạ/ha, cao nhất trên 65 tạ/ha, trong điều kiện không gặp hạn năng suất đạt trên 70 tạ/ha. So với canh tác kiểu truyền thống, mô hình mới cho năng suất cao hơn từ 20 - 30%.

Hiện nay người trồng bắp lai ở Khánh Sơn đang gặp khó khăn khi giá bắp giảm. Bà con cho biết, đầu vụ mỗi kg bắp tươi bán được khoảng 5.000 đồng nhưng đến thời điểm này chỉ còn khoảng 3.500 đồng/kg. Sản phẩm bán ra hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết: “Phòng đang tham mưu cho huyện một số giải pháp tìm đầu ra nông sản cho bà con. Bên cạnh đó, huyện mong dự án này tiếp tục được duy trì, chuyển giao, mở rộng để người dân được hưởng lợi”.

“Xây dựng mô hình phát triển cây bắp lai chịu hạn LVN61 tại huyện Khánh Sơn” là một đề tài nghiên cứu khoa học thuộc chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015” của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Sự hợp tác, hỗ trợ của các cơ quan nghiên cứu đã chứng minh được các ưu điểm của mô hình này. Tuy nhiên, để việc ứng dụng và triển khai mô hình đạt hiệu quả cao, cần có giải pháp trong việc tìm đầu ra và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cho người dân.

Dự án “Xây dựng mô hình phát triển cây bắp lai chịu hạn LVN61 tại huyện Khánh Sơn” được triển khai từ tháng 3-2013 đến tháng 3-2015. Dự án do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn chủ trì; Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ chuyển giao công nghệ.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi cá trê vàng cho hiệu quả kinh tế cao Nuôi cá trê vàng cho hiệu quả kinh tế cao

Tại Sóc Trăng, mô hình nuôi cá trê theo hình thức công nghiệp và nuôi tự nhiên kết hợp nuôi công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao.

02/12/2016
Chàng trai 9X người Tày trồng cam thu tiền tỷ Chàng trai 9X người Tày trồng cam thu tiền tỷ

Anh Lương Tuấn Đại (dân tộc Tày) ở thôn 4 Thuốc Hạ, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang xây dựng được mô hình trồng cam với thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm.

02/12/2016
Nông dân trẻ bén duyên hoa lan, thu tiền tỷ mỗi năm Nông dân trẻ bén duyên hoa lan, thu tiền tỷ mỗi năm

Với diện tích 700m2 vườn, nông dân trẻ Tạ Công Soái (SN 1982, ở thôn Đồng Nhân, xã Đông La, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã có doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm.

02/12/2016
Tuổi chuột nuôi rắn kiếm tiền tỷ Tuổi chuột nuôi rắn kiếm tiền tỷ

Nguyễn Ngọc Quyết (1984) mát tay với nghề nuôi rắn. Quyết đang sở hữu trang trại nuôi rắn hổ trâu "khủng" với thu nhập nửa tỷ đồng mỗi năm.

03/12/2016
Mô hình nuôi bò sữa giúp đồng bào Khmer giảm nghèo bền vững Mô hình nuôi bò sữa giúp đồng bào Khmer giảm nghèo bền vững

Với nỗ lực các cấp, ngành từ T.Ư đến địa phương, nhiều năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc Khmer vùng Tây Nam Bộ giảm, đời sống người dân được nâng lên

03/12/2016