Cần sự quyết tâm của các địa phương
Sử dụng xung điện và chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản là hành động hủy diệt nguồn lợi thủy sản, phá hủy sinh cảnh và gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản, vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành trong cả nước đã ban hành nhiều văn bản quy định nghiêm cấm các hành vi nói trên.
Tuy nhiên, tình trạng sử dụng xung điện (thiết bị kích điện, xuyệt điện) để khai thác thủy sản vẫn còn diễn ra khá thường xuyên tại nhiều nơi.
Hiện nay, dọc theo các con sông rạch tại nhiều địa phương vẫn thấy tình trạng người dân sử dụng các xuyệt điện cầm tay hoặc sử dụng các ghe cào có gắn các thiết bị kích điện để đánh bắt thủy sản. Đặc biệt, với các thiết bị xuyệt điện cầm tay khá nhỏ gọn và cơ động, nhiều người sử dụng bắt thủy sản trong các ao mương nhỏ và trên cả các ruộng lúa, gây hại nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên.
Mặt khác, sử dụng xung điện bắt cá cả ban ngày lẫn ban đêm còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phát triển nuôi trồng thủy sản. Có nhiều hộ dân ở các vùng nông thôn đã không dám phát triển nuôi các loại thủy sản vì sợ thủy sản nuôi bị mất trộm do xuyệt điện. Dù có sẵn mương vườn và các điều kiện ao hồ rất thuận lợi cho nuôi thủy sản nhưng nhiều nông hộ cũng đành phải bỏ trống, mất đi cơ hội để cải thiện thu nhập cho nông hộ.
Thời gian qua, việc sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản tại một số địa phương ở TP Cần Thơ cũng đã giảm mạnh nhờ các cấp chính quyền địa phương quan tâm vào cuộc quyết liệt, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đơn cử, tại huyện Phong Điền, các cấp chính quyền đã quan tâm vào cuộc quyết liệt và có thành lập Ban chỉ đạo về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản từ cấp huyện đến cấp xã, với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện. Các cấp chính quyền liên tục tiến hành các đợt kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và rà soát, nắm cụ thể các các hộ sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản và đến tận nhà vận động giao nộp thiết bị và cho làm cam kết không tái sử dụng. Đồng thời, huyện cũng có chế độ "khen thưởng nóng" cho những ai tố giác người vi phạm và bắt giao nộp được thiết bị xuyệt điện cho ngành chức năng.
Nhờ vậy, tình trạng sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản trên địa bàn huyện đã được kéo giảm một cách hiệu quả. Nhiều hộ dân có thể an tâm phát triển nuôi thủy sản trong các mương vườn và ao hồ quanh nhà mà không lo bị xuyệt trộm cá. Hiện diện tích thả nuôi thủy sản trên địa bàn huyện, nhất là việc tận dụng các ao mương vườn để thả nuôi quảng canh đã đạt 800ha, tăng hơn 300 ha so với các năm trước.
Ông Nguyễn Tấn Vũ, ngụ ấp Trường Thọ, xã Trường Long, huyện Phong Điền, cho biết: "Do chính quyền địa phương quan tâm công tác tuyên truyền và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nên hầu hết bà con ở đây ai cũng ý thức. Hiện nay còn rất ít trường hợp người dân sử dụng xung điện trong đánh bắt thủy sản".
Tình trạng dùng xung điện đánh bắt thủy sản còn tồn tại được cho là do ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản của một bộ phận người dân chưa được nâng cao. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động và xử phạt các hành vi vi phạm chưa được các ngành chức năng quan tâm đúng mức, nhất là các cấp chính quyền tại xã phường và quận, huyện.
Muốn chấm dứt hoàn toàn tình trạng sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản thì những nỗ lực riêng lẻ tại từng địa phương là chưa đủ mà cần phải có sự quyết tâm vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các địa phương để tránh tình trạng người dân ở địa bàn này sang địa bàn khác đánh bắt thủy sản bằng xung điện. Đồng thời, cần có các giải pháp căn cơ để tạo sinh kế lâu dài, giúp những hộ dân sống dựa chủ yếu vào việc khai thác đánh bắt thủy sản không cần sử dụng xung điện, chất nổ và chất độc trong đánh bắt thủy sản mà vẫn đảm bảo được cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đình Vĩnh, chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (QLCL & BVNLTS) TP.HCM, cho biết bước đầu xác định trang trại Sơn Ca (TP. HCM) cung cấp lươn giống không rõ nguồn gốc, sản xuất lươn giống không có giấy phép.
Vài ngày qua, hàng chục tàu cá công suất lớn chở đầy ắp cá của ngư dân miền Trung cập cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang) - cảng cá lớn nhất Nam Trung bộ. Theo nhiều chủ tàu, trong nửa tháng qua dù sóng biển khá lớn nhưng ngư dân vẫn bám biển và có nhiều tàu trúng đậm hàng chục tấn cá sau mỗi chuyến biển, chủ yếu là cá ngừ sọc dưa.
Thọ Xuân là huyện nằm trong tốp đầu về sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Để nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị và chất lượng nông sản, huyện đã xây dựng được các vùng sản xuất chuyên canh, với vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng và hiệu quả cao lên tới 6.500 ha, năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha/năm; vùng mía có diện tích 3.526 ha, sản lượng mỗi năm đạt hơn 200.000 tấn; vùng cao su với diện tích gần 900 ha.
Ths Nguyễn Văn Tạo, Trưởng phòng Sản xuất hạt giống (Viện Lúa ĐBSCL), cho biết, trong những ngày qua đại diện các DN, đại lý bán giống và nông dân trong vùng liên tục đến liên hệ đặt mua lúa giống. Xu hướng chọn giống sản xuất cho vụ ĐX sắp tới đang chuyển hướng theo nhu cầu thị trường gạo hạt dài, mềm cơm. Các DN và nông dân chủ yếu đặt hàng những giống lúa chất lượng cao, lúa thơm.
Hôm thứ Ba, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã công bố kết quả của cuộc thanh tra gạo trên toàn quốc do thư ký thường trực Văn phòng Thủ tướng Panadda Diskul dẫn đầu tiến hành cho thấy chỉ có 10% trong tổng số 18 triệu tấn gạo lưu kho quốc gia là có chất lượng tốt, Bưu điện Bangkok đưa tin.