Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát Triển Bền Vững Cây Thanh Long Giữ Vững Thương Hiệu Thanh Long

Phát Triển Bền Vững Cây Thanh Long Giữ Vững Thương Hiệu Thanh Long
Ngày đăng: 16/05/2014

Một điểm thu mua thanh long tại Tiền Giang.

Diện tích trồng cây thanh long đang phát triển với tốc độ nhanh, tự phát, không theo quy hoạch, đã làm phát sinh nhiều bất cập trong tổ chức, quản lý điều hành, chỉ đạo sản xuất, gây nhiều khó khăn trong việc bảo vệ đất trồng lúa và các loại cây trồng đặc sản truyền thống khác. Nếu không có các giải pháp đồng bộ, kiên quyết sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường...

Rủi ro khó lường

Thời gian qua, diện tích trồng thanh long tăng nhanh, lan rộng ở nhiều tỉnh, thành phố cộng với việc một số quốc gia và vùng lãnh thổ cũng bắt đầu xúc tiến trồng thanh long đã đặt ra nhiều vấn đề trong phát triển loại cây ăn trái lợi thế này. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền nam cảnh báo: Năm 2013, ngành rau quả nước ta đã gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu "tỷ USD", trong đó thanh long đóng vai trò rất lớn trong xuất khẩu trái cây với thị trường chủ yếu vẫn là Trung Quốc.

Tuy nhiên, thời gian tới, thanh long sẽ chịu áp lực cạnh tranh quyết liệt do nhiều nước trong khu vực đã bắt đầu trồng. Ðáng chú ý, Ðài Loan đã có thể xử lý để thanh long ra hoa, trái suốt năm và Trung Quốc đã triển khai trồng khoảng 20 nghìn ha thanh long.

Sau khi Trung Quốc làm chủ kỹ thuật xử lý thanh long như Ðài Loan, việc xuất khẩu thanh long qua nước này sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Mặt khác, việc mở rộng diện tích thanh long ồ ạt, không theo quy hoạch như hiện nay sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro như: dịch bệnh phát tán nhanh, ảnh hưởng môi trường, ảnh hưởng chất lượng trái và cũng đồng nghĩa ảnh hưởng giá trị xuất khẩu trong thời gian tới khi thị trường các nước đòi hỏi nghiêm ngặt hơn.

Ðây chính là nỗi lo của các tỉnh trồng chuyên canh và tập trung cây thanh long hiện nay. Theo Sở Công thương Bình Thuận, thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc (cả chính ngạch và tiểu ngạch) chiếm khoảng 70% sản lượng thanh long của cả tỉnh, khoảng gần 300 nghìn tấn/năm.

Việc quá phụ thuộc vào một thị trường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đã được minh chứng trong thời gian qua, không chỉ riêng thanh long mà còn đối với nhiều loại nông sản khác của Việt Nam.

Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận Ngô Minh Hùng cho biết, sản phẩm thanh long ngày càng cạnh tranh gay gắt. Không riêng ở trong nước, mà ngay ở một số nước trong khu vực là thị trường truyền thống của thanh long Bình Thuận cũng đang đầu tư phát triển mạnh cây thanh long, nhất là Trung Quốc.

Trong một vài năm tới, để bảo vệ sản phẩm nội địa, họ sẽ áp dụng rào cản kỹ thuật hạn chế nhập khẩu thanh long của Việt Nam, lúc đó cả người trồng thanh long, doanh nghiệp và cơ sở thu mua sẽ đứng trước nguy cơ thiệt hại nặng.

Thực tế, thời gian qua do chưa thực hiện nghiêm túc việc sản xuất thanh long theo quy trình GAP đã ảnh hưởng lớn đến uy tín, chất lượng thanh long và làm tăng nguy cơ mất dần thị trường, nhất là ở những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...; đồng thời, tiềm ẩn, phát sinh dịch bệnh ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng trái.

Theo thống kê của Viện Cây ăn quả miền nam, số diện tích thanh long bị bệnh đốm trắng và lây lan nhanh chủ yếu xuất phát ở những vườn thanh long không sản xuất theo quy trình GAP. Ðến cuối tháng 12-2013, diện tích thanh long nhiễm bệnh đốm trắng ở Bình Thuận là 1.266 ha, Tiền Giang gần 1.500 ha và Long An 800 ha, gây thiệt hại rất lớn cho người trồng.

Cùng với đó, việc trồng thanh long tự phát với chi phí đầu tư không nhỏ (từ 200 đến 220 triệu đồng/ha) trong khi đầu ra vẫn còn là "ẩn số" chẳng khác nào người nông dân "đặt cược" một khối tài sản lớn vào loại cây này. Ông Hồ Sáu, một trong những người trồng thanh long ruột đỏ đầu tiên ở xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom (Ðồng Nai) cho biết: "Có năm, giá bán rất cao, hơn 60 nghìn đồng/kg, cũng có năm giá rớt xuống chỉ còn 30 nghìn đồng/kg, thậm chí xuống dưới 25 nghìn đồng/kg và hầu hết bán cho thương lái nhỏ lẻ. Hỏi thương lái thì nhận được câu trả lời đợt nào hàng ít thì giá cao, còn hàng nhiều thì giá giảm".

Ðể phát triển bền vững

Trước dự báo xuất khẩu trong thời gian tới gặp khó khăn ảnh hưởng đến sự phát triển và tiêu thụ thanh long, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa khuyến cáo, chúng ta cần có chiến lược, tập trung sản xuất thanh long rải vụ, bởi không khéo sẽ "đụng" thanh long từ Ðài Loan, Trung Quốc.

Theo Tiến sĩ Hòa, hiện nay, việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong xuất khẩu thanh long đã được giảm xuống, đồng thời mở rộng xuất khẩu sang các nước khác là tin vui cho thanh long nói riêng và trái cây Việt Nam nói chung. Ðây là hướng đi đúng và cần tiếp tục.

Ðiều quan trọng hơn là các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công thanh long ruột "tím hồng" và sẽ tiếp tục nghiên cứu tìm ra giống mới, đồng thời xây dựng bản quyền giống độc quyền, tạo cơ hội cho thanh long Việt Nam phát triển một cách ổn định, bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân.

Ðể đạt được mục tiêu này, điều đáng mừng là các tỉnh trồng tập trung thanh long đã, đang chủ động rà soát, cân đối và có kế hoạch phát triển diện tích thanh long theo hướng hợp lý, an toàn, chất lượng cao.

Trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch thanh long, không khuyến khích trồng mới mà tập trung đầu tư phát triển thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó là tập trung mở rộng thị trường nội địa, nâng dần tỷ trọng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tại chỗ từ 10 đến 15% hiện nay lên 16 đến 17% vào năm 2015 và 18 đến 20% vào năm 2020.

Ðẩy mạnh xuất khẩu thanh long chính ngạch; củng cố, phát triển, mở rộng thị trường truyền thống, đồng thời tìm kiếm phát triển thị trường mới. Phấn đấu đến năm 2015, sản lượng thanh long xuất khẩu chính ngạch đạt mức 100 nghìn tấn với giá trị khoảng 56 triệu USD.

Theo Giám đốc Sở NN và PTNT Long An Lê Minh Ðức, để đầu ra cho thanh long được bảo đảm, ngành nông nghiệp tỉnh đề ra giải pháp là giảm vụ, không thực hiện vụ trái mùa. Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng thị trường, tập trung vào thị trường Trung Ðông, Ấn Ðộ, bên cạnh đó đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước với tinh thần "người Việt Nam dùng trái cây Việt Nam".

Quan trọng hơn, hướng đi bắt buộc cho thanh long hiện nay là cần phải tập trung chỉ đạo sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Củng cố và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất thanh long an toàn để tăng năng lực sản xuất. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển cây thanh long Bình Thuận Ðào Kim Dung khẳng định: "Phải coi đây là vấn đề có tính chất quyết định, sống còn đối với sự phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả của cây thanh long không chỉ tại riêng Bình Thuận mà còn ở các địa phương khác".

Mặt khác, phải thực hiện đồng bộ từ nhà vườn đến cơ sở, doanh nghiệp thu mua và sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng của các cơ quan chức năng nhà nước, có như vậy việc sản xuất, tiêu thụ thanh long GAP mới đạt hiệu quả cao.

Song song đó, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến, đóng gói đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ điều kiện tham gia xuất khẩu vào thị trường lớn có tiềm năng. Xây dựng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân, gắn sản xuất với tiêu thụ thông qua các hợp đồng để phát triển thanh long ổn định và lâu dài.

Tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, nhất là với các đối tượng mua bán trung gian, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây rối loạn thị trường, làm thiệt hại cho chính doanh nghiệp và người sản xuất thanh long. Ðồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu mới...


Có thể bạn quan tâm

Thanh Long Đức Mỹ Đi Mỹ Thanh Long Đức Mỹ Đi Mỹ

Đầu năm mới, nhà vườn trồng thanh long ruột đỏ ấp Đại Đức, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long (Trà Vinh) phấn khởi vì lần đầu tiên sản phẩm cây ăn trái địa phương được xuất khẩu sang tận Mỹ.

27/02/2013
Khơi Dòng Tín Dụng Cho Tôm Và Cá Tra Khơi Dòng Tín Dụng Cho Tôm Và Cá Tra

Tại Hội nghị về sản xuất, tiêu thụ lúa và thủy sản vùng ĐBSCL tổ chức ngày 27/2, theo phản ánh từ các địa phương, khó khăn về thị trường, chính sách tín dụng là những thách thức đối với ngành hàng thủy sản.

28/02/2013
Trồng Khoai Lang Luân Canh Lúa Thu Nhập Cao Trồng Khoai Lang Luân Canh Lúa Thu Nhập Cao

Thực hiện đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương, những năm qua, nông dân xã điểm xây dựng nông thôn mới Định Hòa (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) thực hiện mô hình trồng khoai lang luân canh lúa. Mô hình giúp tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích canh tác, lợi nhuận cao gấp 2 lần trồng lúa, giúp nhân dân ổn định cuộc sống.

01/03/2013
Làng Nuôi Rắn Hổ Mang Ở Bạch Xá (Hà Nam) Làng Nuôi Rắn Hổ Mang Ở Bạch Xá (Hà Nam)

Khoảng mươi năm về trước, làng Bạch Xá, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên (Hà Nam) được nhiều người biết đến với nghề nuôi ba ba nổi tiếng. Nhưng vài năm trở lại đây, cái tên Bạch Xá lại được cánh lái buôn trong nam, ngoài bắc biết đến là làng nuôi rắn hổ mang.

02/03/2013
Xứng Danh “Chất Lượng Vàng Thủy Sản Việt Nam” Xứng Danh “Chất Lượng Vàng Thủy Sản Việt Nam”

HTX Thủy sản Nam Sơn (xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh) được thành lập từ tháng 6-2008 với chức năng nuôi trồng và cung ứng các loại cá giống, cá thương phẩm, cá bố mẹ.

19/06/2013