Chủ Động Hỗ Trợ Người Trồng Cà Phê
Biến đổi khí hậu, mất cân bằng sinh thái và việc khai thác, sử dụng nước bừa bãi trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đang khiến nguồn nước ngầm, nước mặt cạn kiệt. NHNN chi nhánh Đăk Lăk đã có chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục tạo mọi điều kiện giúp nông dân và DN tiếp cận vốn vay với mức lãi suất ưu đãi.
Biến đổi khí hậu, mất cân bằng sinh thái và việc khai thác, sử dụng nước bừa bãi trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đang khiến nguồn nước ngầm, nước mặt cạn kiệt. Vì vậy, môi trường không duy trì được yếu tố bền vững để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhất là phục vụ tưới cho các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu...
Điều này làm cho chi phí đầu tư tưới nước phục vụ sản xuất bị đẩy lên cao, khiến hàng ngàn nông hộ và DN ở Tây Nguyên bị “hụt hơi” về vốn đầu tư, nhất là chi phí đầu tư cho công tác tưới nước, chăm sóc cây cà phê.
Trước thực tế đó, NHNN chi nhánh Đăk Lăk đã có chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục tạo mọi điều kiện giúp nông dân và DN tiếp cận vốn vay với mức lãi suất ưu đãi.
Ông Tăng Hải Châu, Phó giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đăk Lăk cho biết: Chi nhánh chỉ đạo các TCTD phối hợp chặt chẽ với các DN, người nông dân kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn, tuyệt đối không để thiếu vốn cung ứng cho các DN, người nông dân phục vụ sản xuất, trong đó có ưu tiên vốn phục vụ cho trồng chăm sóc cây cà phê, một trong những loại cây trồng chủ lực, đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho địa phương.
Hưởng ứng chủ trương của NHNN chi nhánh tỉnh Đăk Lăk, ông Phạm Xuân Cam, Phó giám đốc Agribank Đăk Lăk cho hay: Trước diễn biến thất thường của thời tiết, Agribank Đăk Lăk đã tạo mọi điều kiện để các DN, người trồng cà phê tiếp cận vốn vay phục vụ sản xuất. Chi nhánh cam kết đồng hành, cung ứng đủ vốn và kịp thời theo nhu cầu của DN và người nông dân, không để tình trạng thiếu vốn xảy ra.
Đồng thời, ông Cam khẳng định, Agribank Đăk Lăk sẽ linh hoạt trong nghiệp vụ bảo đảm tiền vay, ngoài những hộ nông dân vay đến 50 triệu đồng không phải thế chấp tài sản như Nghị định 41 của Chính phủ, những hộ có mức vay cao hơn mà đã thế chấp hết tài sản vẫn chưa đủ thì được xem xét tính thêm cả giá trị cây trồng trên đất, giá trị vườn cây hình thành từ vốn vay ngân hàng. Trường hợp cá biệt cho vay một phần không có tài sản đảm bảo…
Ngoài những hoạt động cho vay hỗ trợ người nông dân, DN theo phương thức thông thường, HDBank đã chủ động xây dựng gói sản phẩm phục vụ người nông dân và các DN trong việc cầm cố sản phẩm cà phê để vay vốn phục vụ sản xuất. Cái ưu việt của sản phẩm là người nông dân gửi hàng vào kho mà không tốn phí, đảm bảo an toàn, không bị tổn thất sau thu hoạch.
Ông Phan Ngọc Diễn, Giám đốc HDBank Đăk Lăk cho biết: Thời gian qua, do tác động của thời tiết khô hạn làm giảm sản lượng của người nông dân, cùng với đó giá cà phê liên tục duy trì ở mức thấp, đặc biệt là việc làm ra sản phẩm đã khó, nhưng bảo quản sản phẩm lại càng khó hơn, nhiều nông dân đã ký giá cà phê tại các đại lý trôi nổi dẫn đến tình trạng bị lừa, vỡ nợ, quỵt tiền…
Do đó, HDBank Đăk Lăk nỗ lực tăng khả năng chủ động giữ hàng khi giá còn thấp, tạo cơ hội liên kết giữa người bán và mua, với một phương thức vừa bảo đảm lượng hàng gửi kho của nông dân, vừa bảo đảm tính an toàn cho nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng nên cho ra đời “gói sản phẩm hỗ trợ ngành cà phê”.
Gói sản phẩm này hỗ trợ tích cực các nhu cầu cho vay vốn ngắn hạn, trung dài hạn của DN và người trồng cà phê tại Đăk Lăk và các vùng lân cận Đăk Nông, Gia Lai. HDBank giúp người nông dân và DN ký gửi cà phê; cho vay vốn lãi suất ưu đãi, với giá trị vốn vay đến 80% giá trị lô hàng cà phê của khách hàng ký gửi tại kho HDBank; đồng thời được miễn phí kiểm định, phí bảo hiểm cháy nổ, miễn phí hao hụt 3 tháng đầu tiên…
Có thể nói, với những giải pháp tích cực của các TCTD trên địa bàn sẽ giúp bà con nông dân và các DN có đủ nguồn vốn để tái sản xuất, tưới, chăm sóc cho vườn cà phê.
Có thể bạn quan tâm
Trong ngôi nhà mới xây, anh Thắng không giấu nổi niềm vui xen lẫn niềm tự hào bộc bạch: “Thực tế cuộc sống quá khó khăn nên vợ chồng mình bàn nhau nhận thầu toàn bộ đập Đồng Màu gần 30ha để nuôi thả cá kiếm thêm thu nhập. Ban đầu đồng nước hoang vu toàn lau sậy, nhiều người cũng nói vào nói ra nhưng được chính quyền địa phương, khu dân cư ủng hộ mình quyết tâm làm đến cùng”.
Anh Lê Thanh Học người dân tộc Mường ở xóm Múc, xã Tam Thanh, huyện Tân Sơn bắt đầu nuôi giun quế từ tháng 2-2014. Sau khi anh cùng các hội viên Câu lạc bộ sinh kế cộng đồng xã Tam Thanh đến thăm trang trại nuôi giun quế ở Đông Anh - Hà Nội thì anh mới biết tới nghề nuôi giun này.
Qua kiểm tra, đánh giá giai đoạn 2005-2010 thành phố Việt Trì đã khuyến khích khôi phục, phát triển lại; huyện Phù Ninh lập dự án trồng hồng không hạt Gia Thanh. Giai đoạn 2012-2015 UBND tỉnh phê duyệt dự án trồng mới 30 ha hồng không hạt trên địa bàn huyện Phù Ninh, đến nay đã trồng được 13 ha.
Vụ mì vừa qua bà Mai cùng một số hộ nông dân khác ở Nghĩa Điền sử dụng giống mì NA1 để trồng trên đất mì cũ. So với giống mì KM94 mà nhiều hộ dân trồng trước đó, giống mì NA1 mới này cho năng suất bình quân lên đến 40 tấn/ha. Bà Mai cho biết thêm, so với thu nhập 7 triệu đồng/vụ mì từ giống KM94 thì khi chuyển sang trồng mì NA1, vụ mì năm 2014 thu nhập lên đến 12 triệu đồng/ha.
Nhiều xã khi còn thuộc huyện Sơn Tịnh đã được phê duyệt về “Quy hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”. Tuy nhiên mọi nguồn vốn đầu tư... vẫn còn trên giấy, dẫn đến khối lượng công việc không thể thực hiện được, ứ lại, dồn qua năm sau. “Đến khi sáp nhập vào TP.Quảng Ngãi, cấp trên yêu cầu phải thực hiện lại Đề án trong khi số tiền thuê tư vấn thực hiện đề án của những năm trước vẫn còn nợ”, ông Văn Nguyên - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Thiện bày tỏ.