Phát Huy Thế Mạnh Của Đệm Lót Sinh Học Trong Chăn Nuôi
Những năm qua, nhờ áp dụng hiệu quả mô hình chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học nên nhiều hộ dân đã giải quyết triệt để vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi cũng như tiết kiệm được nhiều chi phí, công lao động trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Hiện tại, nhiều hộ dân tin tưởng và chủ động nhân rộng mô hình này.
Anh Nguyễn Thanh Toàn - hộ chăn nuôi heo ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) tâm sự: “Sau khi được tham dự lớp dạy nghề nông thôn do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức, tôi nhận thấy mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học là mô hình thiết thực, dễ làm, tiết kiệm được thời gian và công sức chăm sóc. Vì vậy, tôi mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng với diện tích 15m2 và thả nuôi 11 con heo thịt. Sau khi thu hoạch, trừ các khoản chi phí, tôi lãi trên 10 triệu đồng. Đợt này, tôi quyết định xây dựng thêm 1 chuồng nữa, tiếp tục thả nuôi để phát triển kinh tế gia đình”. Những năm qua, nhiều hộ chăn nuôi đã có bước chuyển biến, thay đổi nhận thức tích cực trong chăn nuôi và tìm đến các mô hình chăn nuôi hiệu quả theo hướng an toàn sinh học.
Tiếp tục phát huy thế mạnh của đệm lót sinh học vào chăn nuôi, năm 2013, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Khuyến Ngư tỉnh, Trạm khuyến nông huyện Lai Vung cho triển khai xây dựng thí điểm mô hình nuôi gà nòi lai trên đệm lót sinh học cho 5 hộ dân ở xã Vĩnh Thới và xã Định Hòa với qui mô 5 ngàn con. Bước đầu nhận thấy, người nuôi đánh giá cao và rất phấn khởi trước những hiệu quả của mô hình này.
Qui trình xử lý nền đệm lót ở mô hình nuôi gà cũng gần giống như mô hình nuôi heo. Tuy nhiên, do lượng chất thải của gà không quá lớn nên người nuôi chỉ cần phủ lớp đệm dày khoảng 10 - 12cm. Nguyên liệu chủ yếu là mùn cưa, trấu và chế phẩm men vi sinh Balasa N01. Ông Hồ Thanh Hoàng - Phó trưởng trạm Khuyến nông huyện Lai Vung cho biết: “Mô hình này rất thích hợp cho cả chăn nuôi với qui mô lớn và qui mô nhỏ vì nó làm giảm thiểu chất thải trong chăn nuôi, giảm mùi hôi trong chuồng trại, hạn chế ô nhiễm môi trường. Ưu điểm nổi bật khác của mô hình là người chăn nuôi sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong việc đầu tư xây dựng chuồng trại cũng như hao hụt trong chăn nuôi đối với các mô hình nuôi thường. Bên cạnh đó, mô hình này không những giải quyết hiệu quả bài toán kinh tế mà còn đảm bảo chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hạn chế tối đa các loại dịch bệnh cũng như dịch cúm gia cầm”.
Qua hơn 2 tháng tham gia thực hiện mô hình, anh Nguyễn Thanh Tuấn ở ấp Thới Mỹ 2, xã Vĩnh Thới, phấn khởi cho biết: “Hiện tại, đàn gà của tôi có 1.000 con được thả nuôi trên diện tích đệm lót 60m2 (kết hợp thả vườn) đang sinh trưởng và phát triển tốt. Nếu so với thả nuôi thông thường thì nuôi theo mô hình đệm lót sinh học tỷ lệ gà hao hụt giảm từ 5 - 10%, gà tăng trọng nhanh, độ đồng đều cao, ít bị dịch bệnh, môi trường được giải quyết một cách cơ bản, không còn mùi hôi thối...”.
Tuy nhiên, theo thông tin của nhiều hộ chăn nuôi, hiện tại mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học rất hiệu quả nhưng nếu phát triển trên diện rộng sẽ rất khó khăn cho người nuôi trong việc tìm mùn cưa, một trong những nguyên liệu chính của đệm lót sinh học.
Mô hình chăn nuôi gà trên nền chuồng đệm lót sinh học là mô hình phù hợp với phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, phát triển bền vững, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi diện tích đất cho phát triển chăn nuôi gia trại và trang trại đang gặp khó khăn, đặc biệt là đối với các nơi tập trung dân cư đông đúc.
Có thể bạn quan tâm
Vào đầu mùa mưa, trên sông Đồng Nai xuất hiện nhiều loại cá đặc sản, như: cá lăng vàng, cá leo, cá chình, cá chạch, cá chốt chuột... Đây là thời điểm các ngư dân đánh bắt trên sông tranh thủ “săn” cá đặc sản, và có đêm họ kiếm được cả chục triệu đồng.
Ngày 15-7, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức hội nghị đánh giá tình hình và giải pháp thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT–TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là hạn chế tác hại của việc sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản trên địa bàn Đồng Nai.
Phát triển Đề án “2 con, 1 cây” (gà, cây dược liệu, tôm), hiện huyện có 445 hộ gia đình nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích 1.355ha, tăng 96% so với năm 2014. Trong đó, nuôi bán thâm canh 124 hộ, nuôi quảng canh 321 hộ.
ThS. Lê Văn Bảo Duy và nhóm nghiên cứu Khoa Thuỷ sản, Trường đại học Nông Lâm Huế vừa nghiên cứu thành công quy trình sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá dìa quanh năm với tỉ lệ sống cao, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nghề nuôi cá dìa nói riêng và sản xuất giống cá nói chung tại Thừa Thiên Huế.
Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau Nguyễn Thành Huy nhận định, mấy năm gần đây, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và tôm nuôi không xảy ra theo quy luật mùa như trước đây mà bùng phát bất cứ thời điểm nào trong năm. Nếu chủ quan, lơ là, ngay lập tức dịch bệnh sẽ tái bùng phát.