Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cánh Đồng Vàng Bình Phước Xuân (An Giang)

Cánh Đồng Vàng Bình Phước Xuân (An Giang)
Ngày đăng: 13/06/2013

Giai đoạn 2009-2012, xã Bình Phước Xuân (Chợ Mới - An Giang) chuyển đổi 177 héc-ta đất lúa sang trồng rau màu và lập vườn cây ăn trái, đưa chỉ số diện tích rau màu tăng gấp đôi và giá trị sử dụng vòng quay của đất lên 4,13 lần/năm, góp phần đảm bảo thu nhập bình quân đạt trên 45 triệu đồng/người/năm.

Theo ông Huỳnh Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã, năm 2012, nông dân Bình Phước Xuân trồng 1 công (1.000m2) bắp thu trái non lợi nhuận trên 2,9 triệu đồng, khoai cao (3 vụ) bình quân trên 21,7 triệu đồng, ớt trên 35 triệu đồng… và xoài 3 màu (4 năm tuổi) cho vụ đầu tiên trên 7,5 triệu đồng. Diện tích cây lúa ngày càng thu hẹp hoặc sản xuất xen kẽ, bởi nông dân chuyển đổi nền đất lúa sang trồng màu và vườn cây ăn trái hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hàng năm, diện tích rau màu ở Bình Phước Xuân trên 3.335 héc-ta, như: Ớt, dưa hấu, dưa leo, khổ qua, bắp, khoai cao… mỗi héc-ta thu nhập từ 120 triệu đồng đến 150 triệu đồng; còn vườn cây ăn trái như mít siêu sớm, xoài 3 màu, bưởi da xanh, mận… mỗi héc-ta thu nhập từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Với kết quả này, Bình Phước Xuân trở thành xã đầu tiên ở vùng cù lao Giêng “chuyển đổi cây trồng” thành công trên nền đất lúa kém hiệu quả và nâng cao được giá trị sản xuất trong vùng đê bao 3 vụ/năm.

Ông Lê Quang Diễn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phước Xuân cho hay, toàn xã hiện có 857 héc-ta rau màu các loại, 372 héc-ta vườn cây ăn trái và 6 héc-ta lúa. “Diện tích lúa của xã hiện còn không đáng kể, khả năng vụ 3 tới đây cũng sẽ chuyển hết sang trồng rau màu và lên vườn cây ăn trái” – ông Diễn hồ hởi. Như vậy, trong năm 2013, Bình Phước Xuân có thể công bố: “Xóa cây lúa 100% diện tích sau hơn 10 năm chuyển đổi cây trồng, tổ chức lại sản xuất ở địa phương”.

Đây là một kỳ tích của hội viên, nông dân Bình Phước Xuân và ngay cả lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã cũng rất cân nhấc khi đề ra giải pháp thực hiện. Ông Thái Văn Nhẩn (ấp Bình Trung) kể, người đưa cây xoài 3 màu về Bình Phước Xuân đâu tiên là ông ba Ngợi và sáu Chiêu (ấp Bình Phú), lúc bấy giờ ai nấy cũng dè dặt, đợi thu hoạch có kết quả mới dám làm theo. Bởi vì, mọi người sợ xoài giống lạ, vả lại chưa biết thị trường tiêu thụ như thế nào.

Bình Phước Xuân từng nổi tiếng với những mô hình trồng chanh dây, chanh không hạt, cóc xen xoài 3 màu… cho hiệu quả kinh tế khá tốt. Song kiểm nghiệm thực tế, nhà vườn ở đây chọn cây xoài 3 màu chuyên canh khoảng 400 héc-ta. “Năm nay, giá bán trung bình trên 25.000đ/kg, lúc thời điểm cao nhất là trên 40.000đ/kg. Xoài bán có giá, người lập vườn cũng thay đổi cách trồng, tăng mật độ cây giống lên gấp đôi, với khoảng 50 cây/công” – ông Thái Văn Nhẫn nói. Đầu tư cơ sở hạ tầng lập vườn trồng xoài phải mất 17 triệu đồng/công (1.000m2), đó là chưa kể vốn mua cây giống và công chăm sóc chờ thu hoạch.

Nhưng, với giải pháp “lấy ngắn nuôi dài”, nhiều hộ vẫn giữ nguyên vườn trồng cóc xen xoài, như ông Nguyễn Văn Rum (ấp Bình Trung) có 3 công trồng theo mô hình này. “Trái cóc giá bán tuy thất thường, nhưng cái được là thu hoạch giữa 2 vụ xoài gối đầu. Vừa chăm sóc cây xoài, vừa ăn được cây cóc luôn. Coi như, một công đôi việc, đàng nào cũng được lợi” – ông Rum tính.

Phong trào chuyển đổi cây trồng ở Bình Phước Xuân phát triển mạnh, những cơ sở bán giống và các vựa mua xoài cũng hình thành tại chỗ, đáp ứng nhu cầu cung cấp cây trồng và tiêu thụ sản phẩm khi vào vụ thu hoạch ở địa phương. Chỉ tính riêng khâu tiêu thụ, 3 vựa lớn có khả năng mua 250 tấn/vựa, ngoài ra còn có hàng chục vựa vừa và nhỏ khác. Ông Nguyễn Văn Vu (ấp Bình Trung) cho biết, hiện nay xoài đang vào giai đoạn bón phân cho cây phát triển và dọn cỏ vườn hạn chế sâu bệnh phát sinh, đảm bảo chu kỳ cho trái gối đầu và đạt năng suất cao. “Hồi đó, đất của tui mần lúa, kiếm ăn cũng được.

Nhưng, hổng bằng anh em lập vườn trồng xoài, thấy vậy tui mới bắt chước mần theo được bốn năm nay” – ông Vu phấn khởi. Một công xoài 4 năm tuổi, tính vụ đầu tiên lợi nhuận trên 7,5 triệu đồng, gấp nhiều lần so với một công lúa hiện nay. Do vậy, xoài 3 màu được xem là cây trồng chủ lực, hiệu quả kinh tế cao. Về xã Bình Phước Xuân, dạo qua các đường liên ấp, liên xã, đâu đâu cũng thấy cây trái và rau màu, khiến người ta nghĩ tới mô hình “Du lịch nông nghiệp” trong tương lai ở cù lao này.


Có thể bạn quan tâm

Phá Rừng Gỗ Quý Trồng Mía Phá Rừng Gỗ Quý Trồng Mía

Nhiều năm qua, người dân xã Ninh Tây, TX.Ninh Hòa (Khánh Hòa) ráo riết phá rừng căm xe để trồng mía.

31/05/2012
Nuôi Tôm Sú Kết Hợp Sò Huyết - Mô Hình Mới Nuôi Tôm Sú Kết Hợp Sò Huyết - Mô Hình Mới

Gần đây, người dân ở tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau… đã “phát minh” ra một mô hình sản xuất mới bền vững và hiệu quả: nuôi tôm sú - sò huyết

16/11/2011
Sẽ Xử Lý Dứt Điểm Tình Trạng Phá Rừng Nuôi Tôm Ở Miền Trung Sẽ Xử Lý Dứt Điểm Tình Trạng Phá Rừng Nuôi Tôm Ở Miền Trung

Sau khi nhận được báo cáo từ các tỉnh khẳng định có thực trạng như báo NTNN nêu, Bộ NNPTNT đã lập tức chỉ đạo địa phương phải xử lý nghiêm túc tình trạng người ào ạt phá rừng, phá vườn để đào ao nuôi tôm.

03/06/2012
Ngư Dân Du Nhập Nghề Khai Thác Sam Biển Ở Hoằng Hóa Ngư Dân Du Nhập Nghề Khai Thác Sam Biển Ở Hoằng Hóa

Để nâng cao hiệu quả khai thác, trong các chiều biển, thời gian gần đây nhiều hộ ngư dân ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã chủ động chuyển đổi nghề sang khai thác sam biển, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

04/06/2012
Mô Hình Chế Biến Chè Sạch Quy Mô Hộ Gia Đình Mô Hình Chế Biến Chè Sạch Quy Mô Hộ Gia Đình

“Chúng tôi tự hào là những người trồng chè có tiếng trong vùng, nhưng mấy năm gần đây, do yêu cầu của thị trường về sản phẩm chè sạch, chè có phẩm cấp cao, việc chế biến thủ công truyền thống đã không thể đáp ứng nổi yêu cầu này nên giá bán ra thị trường thấp.” Một nông dân cho biết.

06/06/2012