Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phân Bón Vi Sinh Kém Chất Lượng

Phân Bón Vi Sinh Kém Chất Lượng
Ngày đăng: 04/10/2014

Nhà vườn trồng cây ăn trái ở Hậu Giang tố cáo họ bị một số Cty chuyên sản xuất và kinh doanh phân bón vi sinh lừa bán hàng kém chất lượng.

Ông Trần Văn Thuấn, ấp Phú Đông A, thị trấn Mái Dầm (Châu Thành, Hậu Giang) cho biết: "Tháng 5/2014 tôi mua 40 bao phân hữu cơ vi sinh ALPHA ORGANI - CA (40kg/bao) của Cty TNHH ĐT - SX - TM ALPHA (địa chỉ: 396/10 TTH 21, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TP.HCM) sản xuất lô hàng phân bón vi sinh ngày 6/10/2013, hạn sử dụng 2 năm và được Cty TNHH TM Đại Việt Nông (A9/32F Võ Văn Vân, ấp 1, xã Vĩnh Lộc B, Bình Chánh, TP.HCM) phân phối.

Hình thức bán hàng của nhà sản xuất và phân phối là bán trực tiếp cho nhà vườn không qua đại lý. Số lượng phân vi sinh trên tôi mua từ một nhân viên bán hàng của nhà phân phối tên Ngữ, tổng cộng 6,4 triệu đồng trả ngay tiền mặt.

Sau đó mang 14 bao phân bón cho 5.000 m2 cam sành 5 năm tuổi đang cho trái non. Sau một tháng bón phân cây không xanh và ngược lại bị vàng lá và rụng trái non, phân bón xuống đất thì không tan ra mà quến thành cục, cầm lên tay bóp ra xem thấy toàn đất đen, không có mùi của phân bón.

Khi đó mới biết mình đã mua phải phân bón kém chất lượng nên tôi báo cho Thanh tra nông nghiệp Hậu Giang đến lấy mẫu kiểm tra".

Ngày 29/7/2014 đoàn thanh tra đến lấy mẫu phân mang về kiểm nghiệm, đến ngày 27/8/2014, ông Nguyễn Văn Đối, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Hậu Giang ký thông báo về kết quả kiểm nghiệm mẫu phân hữu cơ vi sinh ALPHA ORGANI - CA (40kg/bao) gửi Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, Trạm Khuyến nông huyện và ông Trần Văn Thuấn, thông báo (duy nhất) hàm lượng hữu cơ công bố trên bao bì đạt và vượt so với tiêu chuẩn công bố.

Còn lại 5 thành phần in trên bao bì gồm: Acid Humis, Cu (đồng), B (bo), Zn (kẽm) và Bacillus SP: 1 x 106 Cfu/g là rất quan trọng thì lại không có kết quả kiểm nghiệm. Trong khi đó, Bacillus trong các tài liệu khoa học đã khẳng định là một tác nhân sinh học đầy tiềm năng trong việc phòng trừ bệnh hại cây trồng. Chúng có khả năng đối kháng các loại vi nấm gây bệnh với phổ tác động rộng, không gây hại cho con người và cây trồng.

Mặt khác, Bacillus còn tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất hữu cơ khó phân hủy thành những chất hữu cơ đơn giản cho cây trồng dễ sử dụng, giúp cải tạo đất, khống chế và tiêu diệt một số loại vi sinh vật gây bệnh cho cây trồng bởi các chức năng sinh học chuyên biệt của chúng. Thế nhưng kết quả kiểm nghiệm mẫu phân do Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 kiểm tra lại không phân tích thành phần này.

Với cách thanh, kiểm tra, kiểm nghiệm một chỉ tiêu trên một mẫu phân bón như Thanh tra ngành nông nghiệp Hậu Giang đã làm thì sẽ có nhiều sản phẩm phân bón vi sinh tung hoành thị trường để móc túi nhà vườn trong thời gian tới là khó tránh khỏi.

Trong khi đó hàm lượng hữu cơ trong phân vi sinh là chuyện hiển nhiên thì lại được kiểm nghiệm kỹ càng. Với kết quả thông báo của Thanh tra Sở NN-PTNT Hậu Giang là chưa thể thuyết phục, ông Thuấn kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Thanh tra tiếp tục kiểm tra 5 thành phần còn lại để loại trừ những Cty làm hàng kém chất lượng.

Ông Thuấn nói tiếp: "Không chỉ tôi mà ông Tiến ở gần, ông Bé ở kênh Thầy Cay, xã Phú Hữu (Châu Thành, Hậu Giang) mua phân vi sinh của Cty trên bón cho cây trồng cũng bị vàng lá và rụng trái hàng loại. Rất may là tôi phát hiện sớm và mới sử dụng 16 bao. Nếu không phát hiện mà mang ra bón hết 1 ha thì mùa vụ năm nay trắng tay.

Hiện tại, còn lại 14 bao tôi kêu Cty trả lại nhưng đến nay chẳng thấy nhân viên và kể cả ông giám đốc tên Phong trả lời gì cả. Có lẽ sẽ không hy vọng đến chuyện trả hàng lấy lại tiền. Hôm có kết quả kiểm tra của Thanh tra Sở NN-PTNT, ông Phong, Giám đốc Cty cùng cán bộ nông nghiệp tỉnh, huyện về địa phương tổ chức hội thảo công bố thành phần hữu cơ đạt, còn 5 thành phần còn lại in trên bao bì khi nhà vườn hỏi đến thì họ phớt lờ để tiếp tục gạt nông dân".

Một kỹ sư chuyên sản xuất và kinh doanh trong ngành phân bón nói: "Phân hữu cơ vi sinh mà không có mùi phân, dùng tay bóp nát giống như bùn trộn với bã mía nên giá bán mới rẻ như bèo. Làm ăn theo kiểu một nhà sản xuất, một nhà phối thế mà giá bán đến tay nhà vườn chỉ có 4.000 đồng/kg thì làm sao đảm bảo chất lượng. Phân bón vi sinh phải nằm ở mức khoảng 7.000 đồng/kg sản phẩm mới có chất lượng.

Chúng tôi không hiểu Thanh tra Sở NN-PTNT Hậu Giang kiểm nghiệm kiểu gì mà chỉ kiểm duy nhất hàm lượng hữu cơ trong phân vi sinh để rồi tổ chức công bố chất lượng ra dân. Trong khi đó những thành phần như Bacillus là rất quan trọng lại lờ đi".


Có thể bạn quan tâm

Mùa Xoài Yên Châu (Sơn La) Mùa Xoài Yên Châu (Sơn La)

Mùa này về Yên Châu (Sơn La), khách thập phương thường mua mấy cân xoài về làm quà. Xoài tròn ở đất này đã trở thành thương hiệu. Hiện nay, Yên Châu (Sơn La) có trên 580 ha trồng xoài, trong đó có gần 400 ha đang cho thu hoạch, với sản lượng khoảng 1.000 tấn quả.

09/06/2013
Rắn Hổ Hèo Thương Phẩm 650.000 Đồng/kg Rắn Hổ Hèo Thương Phẩm 650.000 Đồng/kg

Anh út Hận (chợ Ba Thê cũ, xã Bình Thành, Thoại Sơn, An Giang) cho biết: Từ cuối tháng 5/2013, thương lái các tỉnh phía Bắc đã vào thu mua rắn hổ hèo thương phẩm nên giá bán tăng từ 500.000 đồng/kg lên 650.000 đồng/kg.

10/06/2013
Các Tỉnh Miền Trung Dồn Sức Chống Hạn Các Tỉnh Miền Trung Dồn Sức Chống Hạn

Chiều 7.6, tại TP.Quy Nhơn, Bình Định, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) phối hợp với Sở NNPTNT Bình Định tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn và tưới tiết kiệm nước cho lúa hè thu cho các tỉnh khu vực miền Trung.

10/06/2013
Thu Hoạch Thủy Sản Thất Thoát Đến 25% Thu Hoạch Thủy Sản Thất Thoát Đến 25%

Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch trong lĩnh vực thủy sản hiện là 20 - 25% đã đặt ra yêu cầu cấp bách đối với việc nghiên cứu công nghệ bảo quản cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân. Bên cạnh đó, ngư dân cũng rất cần được tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn ưu đãi để đầu tư thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch.

18/04/2013
“Bà Đẻ” Của Lươn “Bà Đẻ” Của Lươn

“Mấy tháng qua, gần 100.000 con lươn giống lút chút như thế này đã được “xuất ngoại” sang Nhật Bản rồi đấy!”. Vừa vớt những con lươn bột nhỏ xíu trong thau lên, kỹ sư Đoàn Kim Sơn, giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, vừa trò chuyện. Bên cạnh công việc của một người thầy, kỹ sư Sơn còn là chủ trang trại Sơn Ca 1 (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) và Sơn Ca 2 (huyện Hóc Môn, TP HCM).

10/06/2013