Nhãn Lồng Ông Kháy
Chúng tôi đến thăm vườn nhãn lồng của gia đình ông Hứa Văn Kháy ở thôn Chùa, xã Kiên Thành, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đúng lúc ông đang thu hoạch.
Xởi lởi tiếp khách tại khu vườn rộng hơn 0,7 ha, có 200 cây nhãn lồng sai trĩu quả ông Kháy nhanh tay bẻ những chùm nhãn chín mọng, quả to tròn, tỏa mùi hương thơm nức mời mọi người thưởng thức. “Hai hôm trước, tôi hái đợt đầu được gần 1,5 tấn, bán tại vườn với giá 24 nghìn đồng/kg, thu 35 triệu đồng. Năm nay, gia đình ước thu được 8 tấn quả, tăng 3 tấn so với năm 2012”.
Vườn nhãn nhà ông Kháy ra quả chùm rất sai, có chùm nặng đến 4 kg. Đây là giống nhãn chín sớm, quả to đều, hạt nhỏ, cùi dầy ăn ngọt và có hương thơm đậm đà nên được khách hàng ưa chuộng. Vì thế đã 5 - 6 năm gần đây, cứ đến vụ thu hoạch là có người đến tận vườn đặt giá thu mua nên gia đình ông không phải chở đi bán.
Nhiều người đến tham quan vườn nhãn, cán bộ Viện nghiên cứu Rau quả trung ương cũng đến tìm hiểu và xin giống về nghiên cứu… Còn người dân địa phương thì quen gọi là nhãn lồng ông Kháy.
Được biết, năm 1975, tình cờ ông Kháy mua chùm nhãn ở chợ Chũ về ăn rồi lấy hạt trồng ngay gần cổng nhà với mục đích lấy bóng mát. Sau này thấy quả ăn ngày càng ngon nên năm 1993, ông Kháy đã chiết cành và nhân rộng ra thành vườn nhãn 200 cây.
Không những vậy, mỗi năm ông Kháy còn chiết và bán từ 800 đến hơn 1.000 cành nhãn giống (giá 30 nghìn đồng/cành) mà vẫn không có đủ để cung cấp theo nhu cầu của người trồng trong và ngoài huyện.
Là tiểu thương đã thu mua nhãn lồng của ông Kháy từ nhiều vụ để đưa đi tiêu thụ, chị Vi Thị Thủy ở xã Phì Điền (Lục Ngạn) chia sẻ: “Giống nhãn chín sớm, cùi dầy, ăn ngọt và có hương thơm đậm đà này rất được người dân ở Hà Nội và Quảng Ninh ưa chuộng.
Vào đầu vụ, giá bán lẻ tại Quảng Ninh có thể đạt từ 50 – 70 nghìn đồng/kg. Hiện chúng tôi đã đặt cọc mua cả vườn nhãn nhà ông Kháy theo giá thị trường, mỗi đợt thu mua một xe ô tô từ 1 - 1,5 tấn quả”.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiên Thành cho biết, hiện xã có hơn 70 ha nhãn, trong đó có khoảng 20 ha được bà con nhân từ giống nhãn nhà ông Kháy đã cho thu hoạch và được thị trường rất ưa chuộng. Hội Nông dân xã đang tích cực chỉ đạo hội viên tiếp tục chuyển đổi diện tích vải thiều kém chất lượng, nhất là ở những nơi gần bờ suối để mở rộng diện tích trồng nhãn.
Cây nhãn lồng từ lâu đã được xác định là cây ăn quả chủ lực sau vải thiều nên xã Kiên Thành phấn đấu mở rộng diện tích đạt từ 100 - 150 ha nhãn vào năm 2015.
Có thể bạn quan tâm
Ghi nhận tại xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) cho thấy đã xuất hiện một loại sâu hại cây trồng, theo người dân địa phương gọi là sùng đất. Sùng đất ăn rễ và củ của hầu hết các loại cây trồng, gây thiệt hại lớn cho bà con trong khi người nông dân chưa có biện pháp khắc phục.
Cây hồ tiêu vốn là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân xã Tân Liên (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị). Tuy nhiên do sự bùng phát của các dịch bệnh, cụ thể là bệnh chết nhanh, chết chậm đã khiến đa số vườn tiêu của người dân rơi vào cảnh tiêu điều, xơ xác.
Hiện các thành viên hợp tác xã đã thống nhất phương án thu mua bưởi giá cao hơn thị trường, đồng thời chủ động ký kết với xã viên từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm nhằm ổn định nguồn hang.
Nguồn cá dồi dào, nên giá tại các chợ giảm mạnh. Chị Vân cho biết: Tại chợ An Châu, cá bông lau nguyên con giảm từ 250 ngàn/kg xuống còn 160 ngàn đồng/kg so thời điểm Tết Nguyên đán. Các loại cá khác có giá dao động từ 100-120 ngàn đồng/kg. Riêng tôm càng xanh có giá khoảng 300-420 ngàn đồng/kg, giảm 20-30 ngàn đồng/kg.
Theo kế hoạch, năm 2014 tỉnh Ninh Bình phấn đấu nuôi trồng trên 11 nghìn ha thuỷ sản. Để thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra, ngay từ đầu năm, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất lúa và cây màu vụ đông xuân, bà con nông dân trong tỉnh đang tích cực cải tạo ao, đầm, lấy nước và chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết khác cho vụ sản xuất mới.