Phá giá đồng Nhân dân tệ gạo xuất khẩu bị ép giá

Sau khi đồng Nhân dân tệ (NDT) liên tục phá giá, nhiều lĩnh vực xuất khẩu (XK) chịu tác động, trong đó mặt hàng gạo xuất khẩu đang đối mặt với không ít khó khăn từ việc ép giá, phá vỡ hợp đồng của không chỉ đối tác Trung Quốc mà từ các đầu mối nhập khẩu tại một số thị trường khác.
Giá gạo có xu hướng giảm
Ông Lê Thanh Danh, Giám đốc chi nhánh Đầu tư và Phát triển vùng nguyên liệu đồng bằng sông Cửu Long (VinaFood1), cho biết: Trong những ngày qua, các khách hàng Trung Quốc đã có động thái ép giá gạo XK của Việt Nam xuống thấp. Nhiều hợp đồng đã ký kết mà chưa giao hàng, phía nhập khẩu yêu cầu phải điều chỉnh lại giá theo hướng giảm, khiến doanh nghiệp (DN) đang thực hiện XK gạo chính ngạch sang Trung Quốc thiệt hại không nhỏ.
Không chỉ chính ngạch, XK tiểu ngạch cũng đang bị tác động lớn bởi tỷ giá NDT. Ông Trần Phước Long - Giám đốc Công ty nông sản Mai Hương (Vĩnh Long) cho biết: Do công ty thực hiện hợp đồng theo hình thức giao dịch tại điểm bên mua nhận hàng nên được thanh toán bằng NDT. Khi về Việt Nam, công ty phải đổi sang USD để kê khai thuế hải quan cửa khẩu, sau đó tiếp tục bán để lấy VNĐ. Vì vậy, việc phá giá NDT khiến công ty không chỉ thiệt hại kép do bị ép giá và phải bù tỷ giá. “Hiện giá gạo xuất tiểu ngạch giảm 200 – 300đồng/kg” – ông Long cho biết.
Bên cạnh đó, trên thị trường gạo thế giới, gạo Ấn Độ và Pakistan đang được chào bán với giá khá thấp, cũng tạo thêm áp lực lên giá gạo XK của Việt Nam nói chung, gạo XK sang Trung Quốc nói riêng. Giá gạo XK chính ngạch sang Trung Quốc đã giảm khá nhiều, hiện chỉ còn 340 USD/tấn với gạo 5% tấm (giá FOB tại TP. Hồ Chí Minh), 330 USD/tấn với gạo 15% tấm … So với tháng 7 thì giá gạo XK chính ngạch sang Trung Quốc đã giảm khoảng 7-8 USD/tấn. Do giá gạo XK sang Trung Quốc bị giảm, giá lúa gạo hàng hóa ở đồng bằng sông Cửu Long cũng giảm theo.
Tránh phụ thuộc vào thị trường nhiều rủi ro
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam, nên giá bán và doanh thu của các DN xuất khẩu Việt Nam có thể sụt giảm trong thời gian tới bởi đối với các hợp đồng thanh toán bằng đồng USD, các DN Trung Quốc phải chi thêm hơn 4% cho các đơn hàng mua với giá trước đây, vì vậy đang có xu hướng ép giá gạo Việt Nam để bù đắp lại phần thâm hụt khi chuyển đổi từ NDT sang USD. Còn những đơn hàng XK áp dụng phương thức thanh toán bằng đồng NDT sẽ gặp ảnh hưởng trực tiếp từ sự thay đổi tỷ giá, kéo doanh thu của các DN giảm xuống khi quy đổi sang VND.
VFA khuyến cáo, để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ việc Trung Quốc phá giá đồng NDT, các DN XK gạo cần đa dạng hóa thị trường, từng bước giảm phụ thuộc vào thị trường nước này, kết hợp với việc cắt giảm giá thành, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, cần chú trọng hơn nữa việc khai thác tiềm năng thị trường nội địa và chuyển đổi cơ cấu chủng loại gạo phù hợp với nhu cầu tiêu thụ chung trên thế giới, thay vì chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Có thể bạn quan tâm

Sự vào cuộc của nhiều Cty thương mại lớn ở thị trường trong nước và các DN xuất khẩu đang mang lại nhiều tín hiệu tốt cho việc tiêu thụ vải thiều năm 2015.

Những tháng qua, thời tiết thuận lợi, sản lượng muối ở Phú Yên tăng cao, tuy nhiên, điều đáng lo ngại là muối được mùa nhưng khó tiêu thụ.

Trong những ngày qua, một số địa phương thuộc các tiểu vùng phù sa ngọt ở ĐBSCL vào vụ thu hoạch sớm lúa hè thu (HT).

Thời điểm này, diêm dân Ninh Thuận đang vào mùa cao điểm thu hoạch vụ muối chính. Tuy nhiên, với giá bán thấp như hiện nay, người làm muối không có lãi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) cho biết, 5 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy đạt 11,4 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 5,62 tỷ USD, giảm 7,4%, giảm mạnh nhất ở các mặt gạo và cà phê.