Ông Vua Nuôi Cá Ở Hương Thuỷ
Với 0,6 ha mặt nước nuôi cá giống và cá thịt, mỗi năm xuất bán hơn 24 tấn cá thương phẩm và hơn 2 triệu con cá giống, ông Hồ Bá Quang, ở tổ 18, phường Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trở thành triệu phú, với thu nhập hàng năm 700 triệu đồng.
Ông cho biết: Năm 1979 ông lên đường nhập ngũ. Năm 1987, giải ngũ trở về quê hương, vào công tác ở Công ty xuất khẩu Thuỷ Sản tỉnh và lập gia đình ở tuổi 34. Mặc dù hai vợ chồng luôn chăm chỉ làm ăn, nhưng cuộc sống vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thấy mô hình kinh tế trang trại VACR phù hợp với điều kiện đất đai rộng lớn, màu mỡ, giàu tiềm năng của địa phương, năm 1990, ông Quang quyết định đầu tư 15 triệu đồng, từ nguồn vốn tự có để phát triển mô hình nuôi cá thịt. Ban đầu, ông thả nuôi 1 hồ cá có diện tích hơn 1.000m2, với đủ các loại cá như phát lát, trê, mè, trắm… và 20 con heo. Sau 6 tháng, ông thu lãi hơn 20 triệu đồng từ việc bán cá, heo. Từ đó ông mở rộng quy mô trang trại và đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi. Lợi thế là người từng làm ở công ty thuỷ sản, ông phát hiện nghề ương cá bột cho hiệu quả kinh tế cao. Với điều kiện của gia đình và bản thân ông có thể làm được nghề này.
Năm 1995, ông Quang đầu tư mở rộng mô hình ương cá bột. Ban đầu, do còn mới mẻ, thiếu kinh nghiệm nên việc ương cá bột gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có vụ thua lỗ nặng. Nhưng với sức trẻ và lòng quyết tâm, ý chí tiến thủ nên chẳng bao lâu ông đã thành công với nghề này. Từ đó đến nay trại ương cá giống của ông luôn tiến triển về qui mô, số lượng lẫn lợi nhuận. Đến nay, trang trại ông có 13 hồ nuôi cá giống các loại cá tra, chim, mè, trắm, rô phi đơn tính...; 1 hồ cá thương phẩm với diện 1 ha, mỗi vụ thu hoạch từ 8 tấn và nuôi ba vụ/năm gần hơn 24 tấn. Ông chiết tính, 3,7 kg thức ăn nuôi được 1kg cá thịt (6,3kg thức ăn nuôi đạt trọng lượng 1,7kg/con), trừ các khoản chi phí, lãi 5.000 đồng/kg cá thương phẩm. Khu vực nuôi cá giống, ông dành 13 hồ, 32.000m2 cho cá đẻ và ương cá con, mỗi năm xuất bán hơn 2 triệu con. Ông Quang bộc bạch, thành công mô hình nuôi cá giống và thịt đã giúp ông làm giàu.
Đến nay, ngoài phát triển thêm 14 hồ cá, 5 ha rừng keo, tràm, gia đình ông Quang còn nuôi 100 con lợn thịt, 5 con con lợn nái…Tổng thu nhập từ mô hình VACR hàng năm hơn 700 triệu đồng. Trừ chi phí, gia đình ông Quang lãi ròng hơn 200 triệu đồng. Chỉ tính riêng thu nhập từ cá thịt, mỗi năm gia đình ông có hơn 400 triệu đồng. Trừ chi phí, ông lãi hơn 60 triệu đồng. Giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương, với mức thu nhập 2,5 triệu đồng/ người /tháng.
Không chỉ làm ăn giỏi, ông còn giúp nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn bằng cách hỗ trợ vốn và kỹ thuật. Ông liên tục được đề cử danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhờ phát triển mô hình kinh tế trên.
Có thể bạn quan tâm
Vợ chồng anh Lê Ngọc Lễ - chị Nguyễn Thị Hạnh (chủ trang trại sinh thái Cát Ngọc ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đã chinh phục thành công vùng cát trắng ven biển làm trang trại, tạo nên lối mở thoát nghèo, làm giàu cho nhiều người tại địa phương.
25/8 là thời điểm toàn tỉnh kết thúc vụ trồng rừng 2013, diện tích trồng đến nay đạt 95% kế hoạch (11.800ha). Mặc dù không đạt 100% kế hoạch nhưng đây cũng là diện tích rừng trồng khá lớn góp phần quan trọng vào việc phát triển 300.000ha rừng phục vụ công nghiệp chế biến gỗ vào năm 2015.
Trong tương lai gần nhiệt độ sẽ tăng lên từ 0,3-0,7 độ, và sẽ tăng 4 độ C trong cuối thế kỷ 21. Lượng mưa sẽ có thay đổi theo xu thế nóng lên toàn cầu...
Bến Tre hiện có tổng diện tích 43.556ha nuôi trồng thủy sản, bao gồm tôm biển 32.106ha. Trong đó, tôm thâm canh, bán thâm canh 5.500ha (tôm sú 1.250ha, tôm thẻ chân trắng 4.250ha); tôm nuôi thả giống vụ 2 có diện tích khoảng 1.911ha. Tuy nhiên, dịch bệnh xảy ra liên tục với tổng diện tích thiệt hại 1.322ha, chiếm 18% diện tích thả nuôi. Tôm chết có nhiều nguyên nhân nhưng hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính được xác định là nguyên nhân khá phổ biến cần đặc biệt quan tâm.
Gần đây, tôm sú và ốc hương trên địa bàn xã Vinh Hiền và Lộc Bình (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) thường xuyên xảy ra dịch bệnh, khiến bà con lâm vào cảnh nợ nần. Trước khó khăn đó, người dân đã "rẽ bước sang ngang" đầu tư nuôi cá lồng, trong đó cá vẩu là đối tượng nuôi được chú trọng.