Phí kiểm dịch gà giống bố mẹ nhập khẩu chỉ 3,38 triệu đồng mỗi lô
Ngày 30/6/2015 Báo Tuổi trẻ có bài viết “Ngành Thú y có quá nhiều loại phí”; trong đó có đưa thông tin về phát biểu của ông Âu Thanh Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ nói rằng “ngay từ khi nhập khẩu gà giống bố mẹ về nuôi sinh sản, các công ty đã phải bỏ ra một chi phí khá lớn vào khoảng 50 triệu đồng/lô/lần cho giấy phép nhập khẩu các loại chưa bao gồm chi phí xét nghiệm, đưa đón cán bộ thú y và trung tâm vệ sinh thú y trước và trong thời gian cách ly gà nhập 45 ngày, phí sân bay, lưu kho vận chuyển... khoảng 50 triệu đồng nữa là 100 triệu đồng”.
Ngay sau khi có thông tin nêu trên, Cơ quan Thú y vùng VI và Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương II thuộc Cục Thú y (là những đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện việc kiểm dịch và kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y nơi nuôi cách ly kiểm dịch gà giống ở vùng Đông Nam bộ) đã rà soát việc thu phí gà giống bố mẹ nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Kết quả rà soát, tổng hợp về việc thu phí cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2015, có 48 lô gà giống bố mẹ của 11 công ty nhập khẩu vào vùng Đông Nam bộ để nuôi làm giống (bình quân mỗi lô gà giống nhập khẩu khoảng từ 11 - 35 nghìn con).
Cơ quan Thú y vùng VI đã thực hiện việc kiểm dịch và thu phí bình quân khoảng 2,3 triệu đồng/1 lô gà giống nhập khẩu (bao gồm các loại phí: Xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm như Cúm gia cầm thể độc lực cao, Bạch lỵ gà, Ho thở mạn tính ở gà; kiểm tra lâm sàng; lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu; đi lại kiểm tra, giám sát...).
Đồng thời, Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương II đã tổ chức kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y 31 nơi nuôi cách kiểm dịch cho các lô gà giống nhập khẩu và thu phí tổn kiểm tra khoảng 1,6 triệu đồng/lần/nơi cách ly kiểm dịch (bao gồm chi phí cho việc kiểm tra các chỉ tiêu vệ sinh thú y ở khu vực nuôi cách ly, đi lại…).
Tổng số phí tổn cho việc kiểm dịch và kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y nơi cách ly kiểm dịch 48 lô gà giống nhập khẩu là 162,6 triệu đồng (bình quân mỗi lô gà giống chỉ phải chi phí 3,38 triệu đồng).
Như vậy, thông tin của ông Âu Thanh Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ cung cấp cho Báo Tuổi trẻ là không có cơ sở và không chính xác (theo quy định hiện hành cũng không có bất kỳ hạng mục thu phí, lệ phí nào lên đến hàng chục triệu đồng/lô gà nhập khẩu).
Với biện pháp quản lý, giám sát, kiểm tra, xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm đối với các lô gà giống bố mẹ nhập khẩu nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam, trong thời gian qua tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trong nước đã được kiểm soát và khống chế.
Trong cả 6 tháng đầu năm 2015 chỉ có trên 8 nghìn con gia cầm mắc bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao bị tiêu hủy; trong khi đó hàng chục nước trong khu vực, trên thế giới đã bùng phát dịch bệnh cúm gia cầm và đã phải tiêu hủy hàng trăm triệu con gia cầm.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang tiến hành tưới cà phê đợt 2 và đợt 3, nhưng do nguồn nước thiếu hụt nhiều địa phương không đủ nước để đáp ứng nhu cầu các đợt tưới tiếp theo.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Dak Lak, các thương lái đang tập trung thu mua sắn tươi với giá 1.600 đồng/kg và giá sắn lát phơi khô hiện ở mức 4.000 đồng/kg, tăng từ 500 - 700 đồng/kg so với cùng kỳ niên vụ trước. Đây là mức giá cao kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây.
Ở xã Tân Quý Tây huyện Bình Chánh, TPHCM, bằng những mảnh vườn rau cung cấp cho hợp tác xã, nông dân giờ đây đã có của ăn của để, thoát nghèo.
Theo quy hoạch đến năm 2020, huyện Kim Bôi sẽ có 677 ha cam, tập trung chủ yếu trên địa bàn 4 xã Tú Sơn, Nam Thượng, Sào Báy và Mỵ Hòa. Ảnh: chăm sóc diện tích cam được quy hoạch trồng mới trên địa bàn xã Nam Thượng (Kim Bôi).
Chi cục Thủy sản đã vận động, khuyến khích các cơ sở sản xuất giống đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải tạo vùng nuôi, nạo vét các hệ thống kênh tưới, kênh tiêu, tiến hành kiểm dịch 100% cá bố mẹ, tăng cường truyền những biện pháp kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản… nhằm đảm bảo chất lượng đàn cá bố mẹ, từ đó, chủ động nguồn cá going.