Ông Ngô Văn Chính Làm Giàu Nhờ Mô Hình VAC
Trở về cuộc sống đời thường, không vốn liếng, không kinh nghiệm sản xuất nhưng nhờ tinh thần chịu khó, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, nhiều cựu chiến binh (CCB) đã phát huy bản lĩnh, phẩm chất anh Bộ đội cụ Hồ, đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. 1 trong những điển hình ấy là CCB Ngô Văn Chính, ngụ ấp Long Thới, xã Long An (huyện Châu Thành).
Năm 1969, khi vừa tròn 16 tuổi, ông đã tự nguyện tham gia bộ đội tại Huyện đội Châu Thành Bắc. Năm 1972 trở về công tác tại Xã đội Tam Hiệp với chức vụ Xã đội phó, đến năm 1978 do sức khỏe yếu ông xin nghỉ công tác và chuyển về sinh sống tại xã Long An (huyện Châu Thành). Khi về địa phương không đất sản xuất, cuộc sống đầy khó khăn.
Cầm trên tay tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất do Nhà nước trao tặng, ông luôn trăn trở: Mình phải làm sao, làm như thế nào để xứng đáng với tấm Huân chương cao quý này? Thế là ông tập trung lo phát triển kinh tế gia đình và được sự tín nhiệm của bà con bầu làm Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản và Chi hội trưởng Hội CCB của ấp Long Thới cho đến nay.
Khởi nghiệp của gia đình ông lúc bấy giờ bắt đầu từ việc làm mướn. Sau thời gian tích lũy, cùng với số vốn vay của Hội Nông dân xã, ông mua 2 công đất để trồng hành, hẹ, bầu, bí... Nhưng do giá cả bấp bênh, ông chuyển sang trồng nhãn xuồng cơm vàng. Lần này, đất không phụ lòng người, nhãn luôn trúng mùa, trúng giá và kể từ đó, ông bám trụ với cây nhãn xuồng cơm vàng cho đến nay.
Khi kinh tế gia đình ổn định, ông mua thêm 2 công đất và tiến hành làm chuồng nuôi gà thịt, rồi chuyển sang nuôi gà lấy trứng. Ông chịu khó đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, kể cả sang Bến Tre, Long An... để tham khảo, học hỏi các mô hình chăn nuôi hiệu quả và biết cách phòng bệnh kịp thời. Sau 10 năm gầy dựng, hiện nay ông có 8.000 con gà mái, mỗi ngày đẻ trên 6.000 trứng, cung cấp cho tiểu thương tại các chợ trên địa bàn tỉnh.
Ông Chính cho biết: Nuôi gà lấy trứng khá dễ, chủ yếu là bảo đảm chế độ thức ăn thích hợp, biết cách phòng trị bệnh, tiêm ngừa đúng thời gian và độ tuổi thì bảo đảm gà sẽ an toàn và cho trứng đều đặn, chất lượng trứng được nâng cao. Một trứng gà nếu bán ra thị trường với giá 1.500 đồng thì người nuôi gà có lãi...”.
Ông Chính còn tận dụng đất trống xây chuồng nuôi ếch thịt và ếch giống. Mỗi năm ông cung cấp cho các hộ nuôi ếch trong và ngoài tỉnh từ 45.000 - 50.000 con ếch giống. Ông Chính bộc bạch: Ươm ếch giống không khó, chủ yếu cần sự kiên nhẫn, cẩn thận, đòi hỏi sự tỉ mỉ, phải thường xuyên vệ sinh ao chuồng, cho ăn đầy đủ và đúng thời gian...
Phần đất còn lại ông đào ao ương cá tai tượng giống và nuôi cá thịt. Ông Chính phấn khởi khoe: Mỗi năm ông ương được 3 lứa cá con, sau 2 tháng ông bán cho các trại cá giống với giá từ 2.000 - 3.000 đồng/con. Còn ao nuôi cá tai tượng thịt hiện có 5.000 con. Bình quân khoảng 2 năm ông thu hoạch cá thịt 1 lần, thương lái đến tận nhà mua với giá cao, tạo sự an tâm để ông cũng như những hộ chăn nuôi khác tiếp tục đầu tư vào việc nuôi cá.
Nhờ sự siêng năng, cần cù, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật, cộng với làm ăn đúng hướng nên gia đình ông đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. Với mô hình trang trại tổng hợp gà - cá - ếch, mỗi năm ông thu lợi về hàng trăm triệu đồng.
Có được những thành quả như ngày hôm nay là cả 1 quá trình phấn đấu không ngừng của CCB Ngô Văn Chính. Nhiều năm liền ông được công nhận là “Cựu chiến binh gương mẫu”, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Hơn 1 tuần qua, cụm từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vang lên ở nhiều nơi. Bên cạnh niềm vui, không tránh khỏi những nghĩ suy, lo lắng trước không ít thách thức mà TPP đưa đến.
Vừa qua, Hội Nông dân thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) đã tổ chức hội nghị tập huấn phổ biến trao đổi kinh nghiệm mô hình chăn nuôi gà ta theo mô hình liên kết 5 nhà (nhà chăn nuôi - con giống - thức ăn - thú y - tiêu thụ sản phẩm) cho cán bộ hội nông dân các xã, phường.
Lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII, sáng 14/10, UBND huyện Vũ Quang tổ chức khởi công Trang trại chăn nuôi lợn nái tại thôn Hợp Lý, xã Hương Minh.
Tại hội thảo về tính hợp pháp của gỗ cho ngành cao su Việt Nam tổ chức ở TPHCM, tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa, Chánh Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam, cho biết hiệp hội khuyến cáo đối với các vườn cao su khai thác lâu năm (khoảng 27 - 28 năm).
Sáng ngày 12/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Phạm S cùng với Phó Thống đốc tỉnh Đông Flander (Vương quốc Bỉ), Geert Versnick tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ thực hiện Dự án Nâng cao năng suất, chất lượng canh tác cà chua tại Lâm Đồng.