Ồ Ạt Trồng, Thanh Long Rớt Giá Thảm
Giá bán thanh long ruột đỏ tại Đồng Nai hiện chỉ còn 8-10 ngàn đồng/kg, còn thanh long ruột trắng được đổ đống bên đường bán với giá 3.000 đồng/kg.
Điều không thể ngờ khi chỉ mới đầu năm loại trái cây được xem là đặc sản này có giá 30-35 ngàn đồng/kg và đỉnh điểm lên đến 60-70 ngàn đồng/kg.
Sau nhiều vụ trúng giá đậm với cây thanh long, từ 2ha ban đầu ông Hoàng Văn Thanh ở xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai mua thêm đất trồng, nâng diện tích lên 5ha.
Tuy nhiên, với giá bán hiện nay, thu vào không đủ chi phí đầu tư, ông Thanh không khỏi lo lắng với hàng tỷ đồng đã bỏ ra cho cây thanh long. Ông Trần Đình Lai, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) cho biết một hécta thanh long nông dân đầu tư khoảng 200 triệu đồng.
Mấy năm qua thanh long bán được giá, nên nông dân phát triển mạnh loại cây trồng này. Nhưng với giá bán như hiện nay khoảng 5.000 đồng/kg thì nông dân chắc chắn lỗ.
Tại Đồng Nai, các huyện như Xuân Lộc, Thống Nhất, Trảng Bom đang phát triển ồ ạt cây thanh long ruột đỏ, có huyện còn chủ động đưa loại cây này thành cây trồng chiến lược trong mấy năm tới với tổng diện tích trên cả ngàn hécta.
Nghị quyết HĐND huyện Xuân Lộc nói năm 2013 toàn huyện trồng hơn 200ha thanh long, nhưng đến năm 2015 huyện này sẽ có 1.500ha. Tuy nhiên, công nghệ chế biến, đầu ra cho sản phẩm thì hoàn toàn không có. Một lãnh đạo UBND xã cho biết nghị quyết được xây dựng khi giá thanh long đang ở mức cao ngất, người trồng thu lợi nhuận đến khoảng 600 triệu đồng/hécta.
Vì sao rớt giá?
Sức hút của thanh long khiến hàng trăm hécta điều, xoài ở các huyện Xuân Lộc, Trảng Bom nhanh chóng bị nông dân chặt bỏ thay bằng cây thanh long. Ông Nguyễn Thắng, ở xã Hưng Thịnh (huyện Thống Nhất) mới thay thế 2ha điều già bằng vườn thanh long dự kiến sẽ cho thu hoạch trong năm tới, nói: “Thấy được giá thì nông dân chạy theo thôi, ai cũng biết đầu ra nông sản hiện nay phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc”.
Ông Nguyễn Hữu Tiến, một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Thuận chuyên đưa thanh long qua thị trường Trung Quốc cho biết giá thanh long đạt chuẩn để xuất khẩu hiện nay đang được mua vào với giá 15 – 16 ngàn đồng/kg.
Tuy nhiên trái thanh long đạt chuẩn phải hội đủ nhiều yếu tố, không phải nhà vườn nào cũng đạt. Ông Tiến cho rằng thanh long rớt giá như hiện nay là do đang đụng mùa trái cây ở miền Bắc nên số lượng xuất qua Trung Quốc giảm sút và giá bán cũng phải hạ.
Theo một số doanh nghiệp, ngoài yếu tố đụng mùa trái cây, thanh long phụ thuộc nhiều vào xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc, tỷ lệ rủi ro rất cao. Các doanh nghiệp cũng cho rằng do cước vận tải tăng cao nên buộc lòng phải hạ giá mua sản phẩm.
Bà Lê Thị Hiệp, trưởng phòng nông nghiệp - phát triển nông thôn Xuân Lộc nhận xét về hướng đi của cây thanh long: Cây cho hiệu quả kinh tế cao nên khuyến khích người dân trồng, đặc biệt là với những vùng đất mà cây trồng khác không hiệu quả. Còn vấn đề thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố và sức tiêu thụ những năm tới có thay đổi hay không thì không dám chắc.
Có thể bạn quan tâm
Nghị định số 36/2014/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định) về nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá tra vừa được Chính phủ ban hành, sẽ có hiệu lực từ ngày 20/6/2014 nhằm quản lý và phát triển ổn định ngành cá tra Việt Nam trên toàn chuỗi sản xuất.
Mặc dù đã có 300 đàn ong nuôi ổn định tại Đăk Nông, nhưng ông Cừ vẫn quyết định xuống Bình Phước nuôi thêm 300 thùng ong mật vì đầu ra cho mật ong luôn sẵn có. Ông Cừ cho biết, vụ ong này có thể sẽ mang lại thu nhập hàng chục triệu/tháng cho gia đình ông.
Chính quyền và nhân dân xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) đang tập trung nỗ lực chống hạn bảo đảm sản xuất, ổn định đời sống. Nông dân địa phương “chắt chiu” nguồn nước hồ Ông Kinh, hệ thống nước ngầm được tưới tiết kiệm phục vụ hiệu quả canh tác nông nghiệp và chăn nuôi gia súc.
Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Gia Lai, thời gian qua vùng nguyên liệu mía của Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai tại các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa đã xuất hiện bệnh trắng lá mía gây hại với diện tích bị nhiễm bệnh trên 500 ha. Tập trung nhiều nhất là 2 huyện Phú Thiện và Ia Pa.
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến cuối tháng 5, nước ta đã xuất khẩu được khoảng 2,2 triệu tấn gạo, đạt gần 1 tỷ USD.