Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Trái Phép Ngư Dân Vi Phạm, Chính Quyền... Bó Tay
Chỉ thị số 16/2007/CT-UBND, ngày 27/3/2007 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấm thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô.
Quy định thì vậy, nhưng bà con ngư dân vẫn cố tình vi phạm, còn chính quyền thì bó tay. Trong lúc đó, theo khuyến cáo của Chi cục Nuôi trồng thủy sản,nếu thả nuôi ồ ạt tôm thẻ chân trắng chỉ sau 3 năm, ao hồ sẽ không nuôi được một đối tượng thủy sản nào.
Cần xử lý kịp thời và dứt điểm
Đầu vụ nuôi năm 2014, trên địa bàn huyện Phú Lộc có 12 hộ dân thả tôm chân trắng trái phép trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, thả nuôi với diện tích hơn 12 ha. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn thả nuôi hầu hết số diện tích tôm nuôi trên bị bệnh và chết; sau đó ngư dân lại tiếp tục thả nuôi. Đến nay, có khoảng 50% diện tích bị chết, còn lại các hộ dân đang nuôi.
Tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi gây nhiều dịch bệnh cho tôm nuôi cùng nguồn nước và hủy hoại môi trường sinh thái tự nhiên, mặc dù UBND tỉnh cấm thả nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng đầm phá nhưng nhiều hộ dân vẫn bất chấp, cố tình thả nuôi.
Theo chỉ thị số 16, tôm thẻ chân trắng chỉ được phép thả trên cát nhưng hiện nay có nhiều bà con ngư dân bất chấp quy định thả nuôi trên đầm phá
Trước đây, Phú Vang là địa phương có nhiều hộ dân thả nuôi tôm thẻ chân trắng trái phép trên đầm phá, tuy nhiên nhờ sự vào cuộc quyết liệt và xử lý dứt điểm của các cấp chính quyền địa phương nên tình trạng ngư dân lén lút thả nuôi tôm thẻ chân trắng đã được kịp thời ngăn chặn.
Còn đối với huyện Phú Lộc, do chính quyền địa phương các cấp không xử lý dứt điểm nên tình trạng ngư dân thả tôm chân trắng trên đầm phá ngày một nhiều.
Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản cho biết: “Theo chỉ thị 16 thì những hộ dân thả tôm thẻ chân trắng trên đầm phá ở đầm phá đều vi phạm. Nhưng trớ trêu thay là ngành chức năng và chính quyền địa phương không thể xử lý được, bởi hiện Nghị định 103 ra đời không có khung phạt về thả tôm thẻ chân trắng.
Là đơn vị quản lý về nuôi trồng thủy sản, chúng tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh quan tâm và có hướng xử lý sớm đối với những hộ vi phạm. Nếu tình trạng này mà diễn ra trong thời gian dài sẽ có nhiều hộ thả nuôi tôm thẻ chân trắng ở đầm phá”.
“Đơn cử như năm 2000 trở về trước, ít hộ dân tham gia nuôi tôm sú trên đầm phá, tôm nuôi phát triển tốt, lợi nhuận mang lại cao. Thế nhưng, vài năm sau diện tích phát triển ồ ạt, tôm nuôi thường xuyên xảy ra dịch bệnh và chết.
Như vậy, sau 10 năm thì nguồn nước đầm phá bị ô nhiễm, không thể nuôi chuyên tôm sú được. Còn đối với tôm thẻ chân trắng, nếu người dân mở rộng diện tích nuôi ồ ạt ở đầm phá thì chỉ sau 3 năm, những ao hồ này không thể nuôi được một đối tượng thủy sản nào”- ông Đức lý giải.
Bó tay
Ông Mai Văn Xỉ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc cho biết, qua kiểm tra, đầu vụ nuôi trồng thủy sản năm 2014 ở xã Lộc Điền có 11 hộ và xã Lộc Bình có 1 hộ thả nuôi tôm thẻ chân trắng trái phép ở đầm phá, với 31 hồ nuôi.
Mặc dù sự việc diễn ra như vậy, nhưng Phòng Nông nghiệp & PTNT chỉ lập biên bản và vận động bà con ngư dân không phát triển thêm diện tích chứ không thể xử lý được. Bởi vì, Nghị định 103 ra đời thay Nghị định 31 trước đây, không có khung xử phạt về việc thả tôm chân trắng ở đầm phá.
Do đó, hiện công tác xử lý còn nhiều bất cập, nhiều hộ dân vẫn ngang nhiên thả nuôi tôm thẻ chân trắng trái phép, còn chính quyền và ngành chức năng thì bó tay. Trước thực trạng đó, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc đã gửi công văn đến Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo xử lý vi phạm thả tôm thẻ chân trắng ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai theo Chỉ thị 16 của tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một lãnh đạo xã Lộc Điền lý giải: “Tôm thẻ chân trắng thì xã nào cũng có người dân thả nuôi, nhưng do Lộc Điền là địa phương nằm sát Quốc lộ 1A nên dễ phát hiện. Đầu vụ nuôi, UBND xã tuyên truyền đến bà con ngư dân trên địa bàn xã không được thả nuôi tôm thẻ chân trắng ở đầm phá nhưng người dân ở đây cứ “liều mạng”.
Hiện do nuôi tôm sú thường xuyên xảy ra dịch bệnh, nợ nần chồng chất đã dẫn đến cuộc sống của ngư dân khó khăn và túng thiếu. Lãnh đạo UBND xã Lộc Điền xin đề xuất với cơ quan ban ngành các cấp cần xem xét để có hướng mở cho người nuôi tôm”.
Để tránh làm mất lòng tin và dư luận trong dân, UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cần sớm có ý kiến chỉ đạo ngư dân được thả nuôi tôm thẻ chân trắng ở đầm phá hay không, nếu không được thả thì hướng xử lý thế nào; có như vậy mới đem lại sự công bằng cho người dân ở vùng đầm phá.
Theo Chỉ thị số 16/2007/CT-UBND ngày 27/3/2007 của UBND tỉnh về việc cấm thả nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô. Các tổ chức, cá nhân có hành vi thả nuôi tôm chân trắng vi phạm chỉ thị này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 128/2005/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Thủy sản (cũ), các ban ngành liên quan, các địa phương có trách nhiệm đốn đốc, triển khai thực hiện. Đặc biệt, địa phương nào để người dân tiếp tục thả nuôi tôm chân trắng trên các ao hồ thuộc vùng cấm nuôi tại địa phương đó thì chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh và chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND huyện.
Có thể bạn quan tâm
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Hội thi nông dân nuôi cá tra giỏi lần này là một trong những mục tiêu, giải pháp quan trọng nhằm động viên, khuyến khích người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp phong trào nuôi cá tra thế mạnh của vùng ĐBSCL sớm phục hồi trở lại.
Mấy ngày nay, thương lái nhiều nơi “đổ” về Tiền Giang mua heo thịt và heo con với giá khá cao. Người chăn nuôi phấn khởi và sẵn sàng bán khi thương lái có nhu cầu.
Nông dân phường Phú Mỹ, TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) đang tận dụng từng mét đất hàng rào, vườn nhà để trồng lá giang tạo thêm nguồn thu nhập cho kinh tế gia đình.
Năm 2012, huyện Đam Rông được Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng chọn để triển khai Dự án trồng ca cao dưới tán điều. Dự án này, nhằm giúp cho nông dân tiếp cận với cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và ổn định cuộc sống cho các hộ dân.
Hiện nay, dừa tươi bán rất có giá vì là thứ nước uống an toàn nhất, nên bà con nông dân nhiều nơi muốn trồng khôi phục lại vườn dừa. Nắm được cơ hội này, thương lái từ các tỉnh mang dừa giống bán trôi nổi tận các xóm, ấp trong tỉnh Cà Mau.