Năng Suất Tăng, Dịch Bệnh Giảm
Trong năm 2013, nhờ thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ, kiểm dịch tôm giống, nhân rộng mô hình nuôi tôm cộng đồng… nên dịch bệnh tôm nuôi ở Tuy Phước (Bình Định) được khống chế đáng kể, năng suất tôm đạt khá, người nuôi tôm thu nhập khá cao.
Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, trong năm 2013, diện tích mặt nước nuôi tôm và các loài thủy sản nước lợ toàn huyện đạt 970 ha, bằng 99,47% kế hoạch năm, tăng 0,32% so với cùng kỳ. Các diện tích nuôi tôm tập trung tại các xã khu Đông của huyện, gồm Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Thuận. Trong đó, diện tích nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh gần 100 ha; nuôi quảng canh cải tiến, nuôi ghép các đối tượng thủy sản khác (tôm, cá, cua, hàu)… theo phương thức thân thiện với môi trường 870 ha.
Đến nay, hầu hết diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đã thu hoạch xong. Năng suất tôm bình quân gần 958 kg/ha, tăng 1,2% so với vụ nuôi tôm năm 2012; sản lượng tôm nuôi đạt 1.366 tấn, tăng 3,83%. Nhiều vùng nuôi liên tiếp nhiều năm bị dịch bệnh hoành hành thì vụ nuôi tôm năm nay cũng được mùa, năng suất đạt khá, lãi ròng trung bình từ 30 - 60 triệu đồng/ha; cá biệt, nhiều diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) đạt lợi nhuận trên 500 triệu đồng/ha.
Bên cạnh được mùa tôm nuôi, giá tôm sú, TTCT trong năm 2013 cũng tăng 20 - 30% so với các năm trước làm cho thu nhập của người nuôi tôm tăng đáng kể. TTCT giá bình quân cả vụ từ 120 - 140 ngàn đồng/kg (loại từ 80 - 100 con/kg); tôm sú 170 - 180 ngàn đồng/kg (40 - 50 con/kg).
Ông Trần Văn Nghị, nuôi tôm ở khu vực hồ Đồng, thôn Kim Đông, xã Phước Hòa, cho biết: “Tôi nuôi 1 ha TTCT, năng suất đạt 7,5 tấn/ha/vụ. Với giá tôm ổn định ở mức 130 ngàn đồng/kg, tôi có thu nhập trên 900 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 500 triệu đồng. Vụ nuôi tôm năm nay được xem là thành công nhất trong nhiều vụ nuôi gần đây của gia đình tôi”.
Ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho biết: “Niên vụ nuôi tôm năm 2013, toàn xã có gần 327 ha mặt nước nuôi tôm. Đến nay, người nuôi tôm đã thu hoạch 100% diện tích. Nhờ dịch bệnh được khống chế, năng suất tôm bình quân vụ 1 đạt 4 tấn/ha, vụ 2 đạt 1,5 tấn/ha; tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ các năm trước. Giá tôm năm nay tăng mạnh nên phần lớn người nuôi tôm ở địa phương có thu nhập khá”.
Đáng ghi nhận là người nuôi tôm ở Tuy Phước đã ý thức được việc nuôi tôm cộng đồng và đã thành lập 13 chi hội, 2 nhóm cộng đồng trách nhiệm chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, giúp đỡ vốn… Bà con cũng thực hiện tốt chủ trương giảm diện tích nuôi bán thâm canh ở những vùng không đủ điều kiện kinh tế, kỹ thuật hoặc năm trước bị dịch, chuyển sang nuôi quảng canh cải tiến để hạn chế dịch tôm, giảm thiểu rủi ro, giảm chi phí đầu tư.
Theo ông Nguyễn Bay, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước: Địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tổ chức hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật cho hàng trăm lượt ngư dân và triển khai các mô hình trình diễn nuôi tôm có hiệu quả để nhân rộng. Tại các vùng nuôi tôm tập trung, các điều kiện về cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi đã được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu nuôi tôm. Tình hình dịch bệnh tôm nuôi trong năm qua cũng giảm đáng kể, chủ yếu là bệnh môi trường, một số ít diện tích bị bệnh đốm trắng đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Có thể nói là người nuôi tôm ở Tuy Phước đã thắng lợi trong vụ nuôi tôm năm nay.
Có thể bạn quan tâm
Sau những năm tháng trồng rau thuê ở thành phố Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn Chiêu, ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) trở về quê hương và áp dụng mô hình trồng rau theo hướng an toàn để phát triển kinh tế gia đình và bước đầu anh đã thành công.
Mặc dù, năm nay vải Phương Nam (TP Uông Bí, Quảng Ninh) không được mùa so với mọi năm, nhưng những người trồng vải ở đây vẫn vui, vì giá vải mùa này khá ổn định; không những thế, bà con còn thêm một niềm vui nữa, đó là lần đầu tiên vải chín sớm Phương Nam có thương hiệu riêng trên thị trường tiêu thụ...
Lĩnh vực kinh doanh chính của HTX là: Kinh doanh dịch vụ vật tư nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản; với số vốn hoạt động ban đầu của HTX là 786 triệu đồng.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa chủ trì Hội nghị họp bàn về dự thảo Nghị định một số chính sách phát triển thủy sản tại Đà Nẵng. Tham dự hội nghị có 9 tỉnh, thành phố ven biển cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt, tại hội nghị lần này có sự tham gia của các ngư dân nên đã có nhiều ý kiến, đề xuất sát với thực tế.
Thuốc bảo vệ thực vật giả đang tiềm ẩn mối nguy hại lớn mà người nông hiện chưa biết kêu ai, kiện ai trong khi những vườn tiêu của họ lẫn đang chết dần mỗi ngày.