Nuôi tôm hùm vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Dịch bệnh hoành hành
Theo UBND TX Sông Cầu, năm nay sản lượng tôm hùm giống khai thác ngoài tự nhiên tăng cao, nhưng giá chỉ còn 220.000 đồng/con, giảm 140.000 đồng/con so với năm 2014. Giá tôm hùm giống giảm, nên số lượng lồng nuôi tăng khoảng 3,4 lần so với năm trước. Hiện nay trên địa bàn thị xã có khoảng 2.000 hộ nuôi tôm hùm với khoảng 22.000 lồng nuôi tôm hùm các loại. Từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh tôm diễn ra rất phức tạp, khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn.
Theo Trạm Thú y TX Sông Cầu, tôm hùm bị chết do dịch bệnh xảy ra từ cuối năm 2014 đến nay và đang có dấu hiệu tăng. Tháng 3 vừa rồi, riêng tại xã Xuân Cảnh có khoảng 16.000 con tôm hùm cỡ từ 0,6 đến 0,8kg/con của 80 hộ nuôi bị bệnh và chết. Đa số tôm chết có dấu hiệu đỏ thân, bệnh sữa, đen mang.
Trạm Thú y TX Sông Cầu phối hợp với Phòng Kinh tế và UBND các xã, phường có nuôi tôm hùm hướng dẫn người nuôi trộn kháng sinh oxyteraciline hoặc doxyciline vào thức ăn với liều lượng từ 10 đến 15g/kg thức ăn cho ăn liên tục 5 đến 7 ngày. Ngoài ra còn hướng dẫn người nuôi bổ sung vitamin, khoáng chất vào thức ăn để cho tôm ăn; yêu cầu người nuôi sang thưa mật độ tôm nuôi và di chuyển lồng đến nơi thông thoáng, có lưu tốc dòng chảy tốt, điều chỉnh lồng ở độ sâu thích hợp…
Ông Đỗ Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế TX Sông Cầu, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, bệnh sữa và bệnh đỏ thân trên tôm hùm đã xảy ra ở tất cả các vùng nuôi trên địa bàn. Tỉ lệ tôm chết trung bình khoảng 25% trên tổng đàn nuôi, trong đó có các vùng nuôi bị nặng nhất là phường Xuân Yên, xã Xuân Phương và xã Xuân Cảnh với tỉ lệ tôm hùm chết khoảng 30%”. Không chỉ tôm bị bệnh, nhiều vùng nuôi ở TX Sông Cầu còn xuất hiện một số loại tảo độc uy hiếp tôm nuôi.
Theo ông Võ Văn Nha, Giám đốc Trung tâm Quan trắc, cảnh báo môi trường và bệnh thủy sản miền Trung (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III), thời gian qua, môi trường nước tại một số vùng nuôi tôm hùm trên địa bàn Phú Yên, nhất là TX Sông Cầu xuất hiện nhiều loại tảo độc.
Các loại tảo này gây suy giảm chất lượng nước và có thể ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của tôm hùm nuôi, nếu kéo dài tôm sẽ chết. Người nuôi cần kiểm soát và sử dụng thức ăn hợp lý, bổ sung các loại vitamin C, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng phòng ngừa bệnh tôm, đồng thời thu gom, xử lý chất thải nhằm phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước, ngăn ngừa tảo độc phát triển…
Ông Phạm Kiên, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho biết: “UBND thị xã đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND các xã, phường có nuôi tôm hùm phối hợp với Trung tâm Quan trắc, cảnh báo môi trường và bệnh thủy sản miền Trung tổ chức hội thảo, tập huấn phòng, trị bệnh cho tôm hùm nuôi ở một số địa phương.
Đồng thời, các địa phương tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý, sắp xếp lồng bè nuôi trồng thủy sản theo phương án đã được duyệt. Ngoài ra, các địa phương nên đa dạng hóa vật nuôi nhằm giảm thiểu ô nhiễm tại các vùng nuôi…”.
Giá cả bấp bênh
Không chỉ tôm hùm bị bệnh, mà thị trường tiêu thụ cũng bấp bênh, khiến nhiều ngư dân Phú Yên gặp khó khăn. Phần lớn tôm hùm thương phẩm nuôi ở Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng được xuất bán qua đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, nên giá cả không ổn định. Đầu năm 2014, giá tôm hùm thương phẩm loại 1 dao động từ 2,3 đến 2,5 triệu đồng/kg, nhưng hiện chỉ còn khoảng 1,4 triệu đồng/kg, do thị trường Trung Quốc tiêu thụ chậm.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết: Tôm hùm được xem là đối tượng nuôi chính và có giá trị kinh tế cao, nhưng thời gian qua nghề này thiếu tính bền vững.
Nguồn tôm hùm giống phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Trong khi đó, nguồn tôm hùm giống ở các vùng biển khu vực miền Trung không ổn định, ngày càng bị suy giảm và cạn kiệt dần, nguyên nhân là do môi trường sống của tôm hùm ngày càng bị thu hẹp và khai thác quá mức.
Có những năm, con giống khai thác từ tự nhiên chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu, còn lại chủ yếu nhập khẩu từ Philippines và các nước trong khu vực. Để quản lý dịch bệnh trên tôm hùm nuôi tốt hơn cần phải thành lập các tổ giám sát vùng nuôi tại chỗ và có cơ chế chính sách để các tổ này hoạt động.
Hiện nay nhờ dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững, nhiều vùng nuôi tôm hùm trên địa bàn tỉnh đang xây dựng và triển khai phương án phân vùng mặt nước biển giao cho người dân cùng tham gia quản lý. Riêng TX Sông Cầu hiện đang triển khai phương án phân vùng mặt nước biển giao cho 6 xã, phường với diện tích khoảng 930ha để các địa phương bố trí, sắp xếp lồng bè nuôi tôm hùm cho các tổ cộng đồng nuôi.
Tại hội thảo “Phát triển tôm hùm bền vững khu vực miền Trung” do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Khánh Hòa mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám chỉ đạo Tổng cục Thủy sản phối hợp với các địa phương sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể và chi tiết các vùng nuôi tôm hùm làm cơ sở pháp lý để địa phương căn cứ thực thi.
Về thị trường tiêu thụ tôm hùm, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị các ngành và địa phương cần tập trung nghiên cứu kỹ thị trường trong nước lẫn nước ngoài để xác định nhu cầu sản phẩm, từ đó có kế hoạch sản xuất cụ thể. Nếu quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như hiện nay, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn và rủi ro.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), nghề nuôi tôm hùm lồng thực sự phát triển từ năm 2000 đến nay, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Đến nay, số lượng lồng nuôi ở các tỉnh này khoảng 53.000 lồng, với khoảng 8.000 đến 10.000 hộ nuôi, sản lượng đạt khoảng 1.600 tấn/năm, đem lại nguồn thu hơn 3.500 tỉ đồng mỗi năm.
Riêng tỉnh Phú Yên hiện có khoảng 24.000 lồng nuôi tôm hùm, tập trung chủ yếu ở TX Sông Cầu và các huyện Đông Hòa, Tuy An. Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm đã bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu bền vững, đối tượng nuôi này thường gặp một số bệnh lý như trắng râu, long đầu, đầu to, đỏ thân, đen mang… Từ đầu năm 2015 đến nay, tại các vùng nuôi ở Phú Yên, tỉ lệ tôm hùm nuôi mắc bệnh khá cao, tỉ lệ tôm chết từ 25 đến 30% đã gây thiệt hại lớn cho người nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Vụ mía đường 2014 - 2015, thời tiết khô hạn kéo dài, giá đường xuống thấp, tiêu thụ chậm đã gây không ít khó khăn cho các nhà máy. Tuy nhiên, các nhà máy đường vẫn tập trung triển khai vụ ép mới, nâng cao năng suất để sẵn sàng cho một vụ ép mới hiệu quả hơn.
Theo ông Nguyễn Xuân Trương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, hiện nay phong trào chăn nuôi ở xã đang phát triển mạnh về số hộ lẫn đàn vật nuôi, ngoài nuôi heo, gà... thì mô hình chăn nuôi dê đang mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân, giúp họ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Giun (trùn) quế có chứa trên 8% axit, khi sử dụng làm thức ăn chăn nuôi giúp vật nuôi ăn khỏe, chóng lớn, ít bệnh tật, cho thịt thơm ngon hơn hẳn so với vật nuôi thông thường. Ngày càng có nhiều hãng sản xuất thức ăn công nghiệp quan tâm đưa bột trùn trộn vào thức ăn chăn nuôi để tạo sự khác biệt so với thức ăn thông thường, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.
Tận dụng lợi thế của một địa phương miền núi, với nhiều diện tích vườn cây ăn quả, đồi rừng, người dân xã Thành Kim (Thạch Thành - Thanh Hóa) đã phát triển nghề nuôi ong mật. Từ những hộ nuôi ban đầu cho hiệu quả kinh tế cao nên xã đã khuyến khích các hộ có điều kiện nhân rộng đàn ong.
Thông tin từ Cục Thống kê Đồng Nai cho hay, trong 6 tháng của năm 2015, các doanh nghiệp trên địa bàn đã nhập khẩu gần 1,1 triệu tấn bắp. Để nhập khẩu lượng bắp trên, các doanh nghiệp phải chi ra gần 259 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước thì bắp nhập khẩu tăng gần 60% về lượng và 75% về giá.