Cẩn thận với hiện tượng thu mua hoa thanh long
Khoảng 2 tháng nay, cơ sở thu mua thanh long của chị Trần Thị Hà, ở ấp Trang Định, xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc) kiêm luôn việc mua hoa thanh long của các nhà vườn. Mỗi ngày có hàng chục người chở từ 2 - 3 bao hoa thanh long, mỗi bao nặng từ 20 - 25kg đến bán tại cơ sở của chị Hà. Bà Trần Thị Thùy, ở ấp Trang Định cho biết, nhà bà có 1 sào đất trồng thanh long. Mỗi trụ thanh long bà để lại từ 10 - 20 hoa cho trái, còn lại hái hết hoa mang đi bán.
Hoa thanh long được chị Hà thu mua với giá 2.000 đồng/kg, bán cho thương lái ở Bình Thuận 3.000 đồng/kg. Chị Hà chỉ thu mua những hoa thanh long đang còn búp, được hái trước khi nở hoa 2 ngày, chiều dài phải đúng 20cm. Tại xã Bông Trang có 3 cơ sở thu mua trái thanh long, nhưng chỉ duy nhất cơ sở của chị Hà nhận mua hoa thanh long từ các nhà vườn. Mặc dù nhận thu mua nhưng chính chị Hà cũng không biết thương lái mua hoa thanh long để làm gì. “Một công ty ở tỉnh Bình Thuận đặt mua hoa thanh long lâu rồi nhưng không có hàng. Tôi cũng không biết họ mua hoa thanh long để làm gì, chỉ biết đầu ra cuối cùng là bán cho thương lái Trung Quốc” - chị Hà nói.
Cũng theo chị Hà, thương lái ở Bình Thuận đặt yêu cầu rất cao, hoa thanh long phải được bẻ từ buổi sáng, không để qua đêm, không để hoa bị ngấm nước mưa sẽ dễ bị vàng úa. Mỗi chuyến hàng, chị Hà chở qua Bình Thuận 4 xe tải, mỗi xe khoảng 2 tấn hoa thanh long. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thương lái đã ngừng thu mua hoa thanh long.
Trước tình trạng người dân hái hoa thanh long bán cho thương lái, ông Dương Thế Dũng, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bông Trang cho biết: “Nông dân cắt bỏ bớt hoa là việc làm bình thường trong quy trình chăm sóc cây thanh long. Đây cũng là biện pháp kỹ thuật can thiệp, giúp thanh long sinh trưởng tốt. Những hoa thanh long đã hái thay vì bỏ đi, nay các thương lái thu mua, tạo thêm thu nhập cho bà con nông dân”. Tuy nhiên, ông Dũng cũng bày tỏ lo lắng, nếu vào mùa khô, các thương lái thu mua hoa thanh long với số lượng lớn, người dân thấy cái lợi trước mắt sẽ hái hoa thanh long đem bán thay vì để trái, sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây, năng suất trái và thu nhập của bà con nông dân.
Bà Trần Thị Hiến, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, trong quá trình xử lý tỉa hoa thanh long phải chọn lọc thật kỹ, chỉ cắt bỏ những hoa không phát triển, giữ lại hoa có chất lượng tốt để duy trì trái. Khi cắt tỉa hoa thanh long dễ cân đối được số lượng trái trên một trụ hợp lý, tăng sức chống chịu của cây khi yếu tố bên ngoài tác động vào, từ đó tập trung dinh dưỡng cho cây có trái to, ngon ngọt hơn. Cũng theo bà Trần Thị Hiến, trong tuần này, Chi cục sẽ phối hợp với trạm khuyến nông của địa phương kiểm tra tình hình thực tế và đưa ra khuyến cáo đối với bà con nông dân một cách cụ thể hơn.
Tính đến nay, huyện Xuyên Mộc có khoảng 130ha trồng thanh long. Năng suất trung bình từ 20 - 30 tấn/ha/năm, sản lượng bình quân đạt từ 1.000 - 1.800 tấn/năm. Việc phát triển cây thanh long thời gian qua đã giúp bà con nông dân tại các xã như Bông Trang, Bưng Riềng và một số địa phương khác giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Chính vì vậy, để cây thanh long phát triển bền vững, mang lại hiệu quả, các cơ quan chức năng đã và đang thường xuyên phổ biến, tập huấn cho bà con nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất sạch theo chuẩn VietGAP để gia tăng giá trị cũng như có đầu ra ổn định hơn.
Có thể bạn quan tâm
Thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh (gọi tắt là Công ty Trúc Anh), Doanh nghiệp tư nhân tôm giống Dương Hùng (gọi tắt là DNTN Dương Hùng) đầu tư, hỗ trợ và xây dựng mô hình nuôi tôm an toàn sinh học (ATSH), nhằm chuyển giao khoa học - kỹ thuật và xây dựng mô hình để nhân rộng ra cho nông dân học tập kinh nghiệm.
Anh Lê Tuấn Anh 39 tuổi, thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) trồng đu đủ cho thu nhập cao.
Đến các xã vùng cao của huyện Hà Quảng, nhận ra những nét mới ở nơi đây. Ý thức vệ sinh môi trường của bà con các dân tộc vùng cao đã có nhiều chuyển biến, chuồng trại nuôi trâu, bò được che chắn cẩn thận, láng xi măng sạch sẽ, gia súc được di dời ra khỏi gầm sàn nhà ở đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, tạo tiền đề cho huyện thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ngày 24/1, tại xã Bá xuyên, Sở Khoa học - Công nghệ phối hợp với Phòng Kinh tế T.X Sông Công (Thái Nguyên) tổ chức Hội thảo mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất khoai tây vụ đông 2012 nhằm đánh giá năng suất, chất lượng của giống khoai tây Solara, nhập khẩu từ nước Cộng hòa Liên bang Đức.
Hơn 20 năm phục vụ trong quân đội, vợ chồng cựu chiến binh Võ Văn Chuột và Trần Thị Xuân xuất ngũ trở về xã nhà, ở ấp Phú Lợi A (Phú Kiết, huyện Chợ Gạo) tiếp tục tham gia vào mặt trận sản xuất phát triển kinh tế gia đình, quyết tâm xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.