Nuôi Tôm Hùm Ở Thị Xã Sông Cầu Thắng Lớn, Vẫn Lo Dịch Bệnh Bùng Phát
Vụ nuôi tôm hùm vừa qua nhờ tôm ít bị bệnh, giá bán lại cao nên nhiều hộ dân ở TX Sông Cầu (Phú Yên) có thu nhập hàng tỉ đồng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là tình trạng ngư dân “mạnh tay” đầu tư vốn để phát triển lồng bè nuôi tôm một cách tự phát đang tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại và vỡ quy hoạch vùng nuôi.
Nhiều hộ có thu nhập tiền tỉ
TX Sông Cầu có số lồng bè nuôi tôm hùm nhiều nhất tỉnh, với khoảng 16.000 lồng, bè của 3.000 hộ dân. Ngoài ra, địa phương này còn là nơi ươm nuôi tôm hùm giống với số lượng từ 2.500 đến 3.000 lồng/năm, cung cấp giống từ 300.000 đến 400.000 con tôm cho các hộ nuôi trong và ngoài tỉnh. Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, tôm hùm nuôi từ năm 2013 đến nay đã xuất bán trên 80%, đa số người nuôi đều có lãi…
Ông Nguyễn Minh Chỉ ở xã Xuân Phương cho biết: “Gia đình tôi thả nuôi hơn 1.500 con tôm hùm giống từ đầu năm 2013, nhờ ít dịch bệnh nên tôm chỉ hao hụt khoảng 15%. Với giá tôm thịt hơn 1,6 triệu đồng/kg, gia đình tôi vừa thu lãi hơn 300 triệu đồng”. “Ở xã Xuân Phương có nhiều hộ nuôi tôm hùm với số lượng nhiều và thu lãi hàng tỉ đồng. Ngoài lứa tôm vừa thu hoạch, gia đình tôi còn nuôi hơn 3.000 con tôm hùm, trọng lượng đạt từ 0,3 đến 0,5 kg/con”, ông Chỉ phấn khởi nói thêm.
Ông Trần Quang Viên, Phó chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Yên, cho biết: “Vụ tôm hùm năm nay đa số hộ nuôi trong phường đều có lãi, trong đó có hơn 10 hộ lãi trên 1 tỉ đồng, như hộ ông Nguyễn Văn Đảo, Trịnh Minh Cơ, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Thành Công… Thành công của nghề nuôi tôm hùm năm nay là nhờ sự quản lý chặt chẽ của tổ quản lý cộng đồng, tôm ít xảy ra dịch bệnh, giá tôm thịt lại cao (1,68 triệu đồng/kg tôm loại 1).
Còn theo ông Trần Ngọc Hà, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Phương, từ đầu năm đến nay, ngư dân trong xã đã xuất bán khoảng 165.000 con tôm hùm. Tôm được giá nên có khoảng 10% số hộ nuôi lãi từ 1 tỉ đồng trở lên, số còn lại lãi vài trăm triệu đồng. Nhờ con tôm hùm mà đời sống người dân trong xã được nâng cao.
Vẫn lo dịch bệnh bùng phát
Tôm hùm ít dịch bệnh, giá bán tôm thịt lại cao nên hiện nay nhiều ngư dân ở TX Sông Cầu mạnh dạn đầu tư vốn phát triển lồng nuôi mới. Điều này có thể gây nên tình trạng quá tải đối với vùng nuôi.
Ông Trần Quang Viên lo ngại: “Hiện số lượng tôm hùm thịt của ngư dân phường Xuân Yên đạt tiêu chuẩn xuất bán còn không nhiều, nhưng có đến 3.000 lồng bè nuôi mới. Nguyên nhân là do tôm ươm có giá thấp, không xuất bán được nên chuyển sang nuôi tôm thịt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây bất lợi cho vụ nuôi mới năm nay, do vùng nuôi bị quá tải”.
Theo ông Trần Ngọc Hà, trên địa bàn xã Xuân Phương hiện có khoảng 5.200 lồng nuôi tôm hùm, chủ yếu là nuôi từ 4 đến 6 tháng. Việc phát sinh số lượng lồng nuôi mới với số lượng lớn dễ dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh bùng phát.
Trước tình hình này, UBND xã đã chỉ đạo 21 tổ quản lý cộng đồng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tăng cường công tác quản lý và bảo vệ vùng nuôi nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và chủ động phòng ngừa dịch bệnh trên tôm. “Tại các vùng nuôi tôm hùm trên địa bàn thị xã vẫn xảy ra tình trạng tôm hùm thịt bị bệnh đen mang, đỏ thân và bệnh sữa.
Đối với tôm hùm giống đang ươm nuôi, việc áp dụng các biện pháp phòng trị bệnh gặp nhiều khó khăn nên tỉ lệ tôm chết khoảng 20%”, ông Phạm Xuân Hương, Trưởng trạm Thú y TX Sông Cầu cho biết.
Nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm vùng nuôi, hạn chế dịch bệnh trên tôm hùm, UBND TX Sông Cầu khuyến cáo người nuôi và xã, phường có nuôi tôm hùm hạn chế số lượng lồng bè mới; khống chế số lồng nuôi phù hợp với vùng nuôi đã được quy hoạch.
Ông Đỗ Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế TX Sông Cầu, cho biết: “Hiện tất cả mặt nước biển trên địa bàn thị xã đã được phê duyệt phương án phân vùng để nuôi trồng thủy sản, gồm các xã, phường: Xuân Cảnh, Xuân Thành, Xuân Thịnh, Xuân Phương, Xuân Yên và Xuân Đài. UBND TX Sông Cầu đã chỉ đạo các xã, phường nói trên quản lý, bố trí lồng bè theo phương án phân vùng nuôi trồng thủy sản đã được phê duyệt.
Thị xã cũng đã thành lập 153 tổ quản lý cộng đồng nuôi trồng thủy sản, với 2.835 thành viên tham gia. Đây là lực lượng chính trong công tác bảo vệ môi trường, an ninh trật tự vùng nuôi, đồng thời hỗ trợ nhau phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, UBND TX Sông Cầu tiếp tục hợp đồng với các chuyên gia nuôi trồng thủy sản ở Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III nghiên cứu đối tượng nuôi mới và tổ chức tập huấn cho người dân kỹ thuật chăm sóc, quản lý vật nuôi thủy sản theo hướng bền vững”.
Có thể bạn quan tâm
Rau xanh trên địa bàn Hà Nội đang khan hiếm nên tăng giá mạnh, mỗi ngày một giá khiến không ít người phải chuyển sang mua các loại rau củ quả có nguồn gốc Trung Quốc, mặc dù biết rõ chúng chưa chắc đã đảm bảo an toàn.
Loại quả với tên gọi nho chuỗi ngọc gây xôn xao trên cộng đồng mạng có giá 2 triệu đồng/kg được bán tại các siêu thị châu Âu với mức giá khoảng trên dưới 500 nghìn đồng/kg.
Ở lưng chừng đèo Lò Xo, một gã thanh niên để đầu trần chạy xe máy tay cầm mấy chùm sâm lủng lẳng mời chào các bác tài xe khách, xe container, xe du lịch với tiết lộ "uống khỏe, uống sung".
Những ngày gần đây, nhiều người dân Hà thành lùng mua một loại quả có giá lên đến 2 triệu đồng/kg.
Cuối thu, sâm Ngọc Linh bắt đầu ngủ đông. Và các hộ trồng sâm lại thay nhau canh gác để bảo vệ những vườn sâm. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng hết sức cực nhọc bởi mưa lũ, chim chuột, thú rừng và kẻ xấu luôn rình mò phá hoại vườn sâm.